Kỳ lạ anh chàng người Nhật uống trà cổ thụ, múa kiếm gỗ ở độ cao 2.200 mét

author 16:00 02/06/2016

(VietQ.vn) - Cứ uống xong một tuần trà, gã người Nhật lại rút thanh kiếm gỗ múa một bài khá đẹp mắt giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn.

Kỳ 1: Có một bãi đá cổ bí ẩn giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn hùng vĩ?

Trước khi đặt chân lên độ cao 2.200 mét trên dãy Hoàng Liên Sơn, tôi chỉ mới được biết đến những vùng chè nổi tiếng Việt Nam như Suối Giàng (Yên Bái) hay Pà Cò (Hòa Bình). Thế nhưng trong chuyến đi thám hiểm đại ngàn Hoàng Liên Sơn lần này, tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng cả một rừng chè cổ thụ chạy dài hàng cây số.

Gã sinh viên Nhật và thú mê trà kỳ lạ 

Để có được sức khỏe tốt nhất cho chuyến xuyên rừng, tôi đã phải ngủ lại Trạm kiểm lâm đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn một đêm để ngày mai xuất phát sớm. Cuộn tròn trong những chiếc chăn bông mốc xanh vì ẩm ướt, tôi được người dẫn đường Trần Ngọc Lâm kể cho nghe câu chuyện thú vị về một rừng chè cổ thụ nằm ẩn sâu giữa đại ngàn Hoàng Liên hùng vĩ. Mấy năm trời sống trên đỉnh Phan Xi Păng, ông Lâm đã nhiều lần chuẩn bị cả ba lô lương thực để thử đi đến tận cùng rừng chè này.

Sau 3 ngày đi bộ liên tục với tốc độ của loài dê núi, túi lương khô cạn dần mà ông Lâm vẫn chưa thể gặp cây chè cuối cùng. Ông nói vui rằng cảm giác của mình lúc đó giống như con khỉ đá Tôn Ngộ Không bay một vạn tám ngàn dặm vẫn không thoát được ra khỏi bàn tay của Phật Tổ Như Lai. 

Những thân chè cổ thụ rợn ngợp trong sương mù 

Bẵng đi một thời gian dài không đi qua vạt rừng này, ông Trần Ngọc Lâm cũng lãng quên những cây chè cổ thụ đã làm ông mê mẩn và hao tổn không biết bao nhiêu sức lực. Năm 2002, một sinh viên người Nhật tên là Muteki đang học tiếng Việt tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn trong một lần đi thăm quan thị trấn Sapa đã thuê ông Lâm dẫn đường lên đỉnh Phan Xi Păng.

Trên đường đi, gặp một cây thân mọc cao, lá lớn và dày, Muteki cứ tưởng là cây chè nên dừng lại nâng niu và ngắm nghía mãi. Thấy vị khách trẻ tuổi người Nhật say mê chè như vậy, ông Lâm liền vui miệng kể với Muteki về rừng chè cổ thụ mà ông đã từng gặp gỡ. Nghe xong, Muteki quyết định không chinh phục đỉnh Phan Xi Păng nữa mà đề nghị ông Lâm dẫn đường vào khu rừng chè với khoản tiền công hậu hĩnh.

Ngạc nhiên trước sự thay đổi bất ngờ của Muteki nhưng ông Lâm cũng chiều lòng anh chàng ngoại quốc nói tiếng Việt sõi như người bản địa này mà lần mò tìm lại con đường giờ đã phủ kín cỏ cây, gai góc. Phải mất gần 3 ngày trời phát cây tìm đường, ông Lâm mới đưa Muteki đến được nơi có những cây chè cổ thụ cao đến hàng chục mét.

Vừa gặp cây chè đầu tiên, Muteki đã hạ ba lô và ngồi lì ở đó vuốt ve, ngắm nghía, nhấm nháp từng lá chè đến cả nửa ngày trời. Mãi rồi Muteki cũng đứng lên với vẻ mặt vô cùng vui sướng, miệng lặp đi lặp lại câu nói: "Đúng là kỳ trà!". Sau đó, với sự giúp sức của ông Lâm, một căn chòi bằng trúc đã được dựng lên ngay giữa rừng chè cổ thụ.

Một tuần liền, Muteki cứ sáng dậy sớm lên chòi đun nước sôi, lau sạch và vò nát từng lá chè cho vào chiếc ấm du lịch nhỏ mang theo người để pha trà uống. Sốt ruột, ông Lâm định mang cả cành lá xuống suối rửa nhưng Muteki không cho. Gã người Nhật bảo không được rửa nước để trà giữ nguyên được hương vị đặc biệt của nó.

Không những thế, Muteki còn rất có ý thức trong việc bảo quản rừng chè quý giá này. Anh chàng chỉ cho ông Lâm hái đủ số lá để pha uống trong ngày mà không được để dư thừa. Muteki cũng yêu cầu ông Lâm phải hái chè bằng tay chứ không được dùng dao chặt cả cành lá. Ông Lâm bảo: "Chính nhờ ý thức của chàng trai trẻ này mà đại ngàn Hoàng Liên trở nên giá trị hơn rất nhiều trong mắt tôi".

Nhớ lại chuyện cũ, ông Lâm cười sảng khoái: "Tôi ở với anh chàng người Nhật đó suốt một tuần trong rừng chè. Anh ta pha chè rồi ngồi xếp chân uống từ sáng đến tối, đêm lại vào hang đá ngủ. Những lúc hứng khởi, anh ta còn hát váng lên một bài ca tiếng Nhật. Trông dáng đứng trang nghiêm của Muteki, tôi đoán là anh ta đang hát Quốc ca Nhật Bản.

Một lần ngồi ăn trưa với tôi, Muteki cứ than thở là không có được thanh kiếm và bộ quần áo ki-mô-nô để có thể ngồi thưởng trà theo đúng phong cách Nhật Bản. Thích thú với tính cách của anh chàng ngoại quốc này, tôi đã kỳ công ngồi đẽo cho Muteki một thanh kiếm gỗ rồi bôi than đen vào cho giống. Muteki sướng lắm. Anh ta cứ ôm lấy tôi mà cảm ơn cả bằng tiếng Việt và tiếng Nhật.

Sau đó, Muteki lấy sợi dây rừng buộc thanh kiếm vào ngang thắt lưng rồi lại tiếp tục uống trà. Xong một tuần trà, anh ta rút kiếm ra đứng trên chòi múa một bài trông khá đẹp mắt. Hết thời hạn một tuần, sắp xếp đồ đạc ra về, Muteki cứ tiếc nuối mãi. Anh ta bảo, nếu rừng chè này ở Nhật Bản thì anh ta đã là tỉ phú lâu rồi. Muteki cho biết loại trà này có hương vị rất đặc biệt, thuộc hạng cực ngon nên giá bán bên Nhật rất đắt".

Trở về đến thị trấn Sapa, chàng sinh viên người Nhật đã dốc hết túi tiền đưa cho ông Lâm và tặng thêm ông một chiếc đồng hồ đeo tay rất đẹp để cám ơn về chuyến đi thú vị. Trước khi chào ông Lâm để về Nhật Bản, Muteki hứa rằng sau khi tìm được một công việc phù hợp và ổn định, anh sẽ dành thời gian quay lại Hoàng Liên Sơn để được sống cả tháng trời trong rừng chè cổ thụ. 

Thưởng thức trà cổ thụ ở độ cao 2.500 mét

"Người rừng" Trần Ngọc Lâm nhóm lửa, đun nước, pha trà giữa rừng Hoàng Liên Sơn 

Trên đường đi, vừa phát cây rừng tìm lối, ông Lâm vừa kể cho tôi nghe về sự tích cây chè mà ông đã đọc được ở những quyển sách mang theo trong hành trình tự chữa bệnh giữa đại ngàn Hoàng Liên. Dừng chân bên một bụi trúc mọc ngang đường, ông rút con dao rừng sắc bén đeo bên hông nhanh nhẹn lựa một cây to bằng ống tay chặt làm 6 khúc. Rất khéo léo, ông đẽo các đoạn trúc thành 6 cái ống to, nhỏ khác nhau, có chân nhọn để cắm xuống đất. Đây cũng chính là bộ ấm chén độc đáo mà chúng tôi sẽ sử dụng để thưởng thức loại kỳ trà giữa rừng rậm Hoàng Liên. 

Sau 5 giờ đi bộ băng rừng, lội suối, chúng tôi đã gặp cây chè cổ thụ đầu tiên có lá màu xanh thẫm. Với độ lớn thân cây khoảng 2 người ôm, tôi đoán cây chè này cũng đã sống vài trăm tuổi. Trên thân cây là những lớp rêu xanh rậm rì, ẩm ướt. Vì rừng chè chạy dài và dốc thoai thoải nên đứng từ độ cao này, phóng tầm mắt ra xa, tôi chỉ thấy rợn ngợp những thân chè vâm vam ẩn hiện trong lớp sương mù dày đặc. Ông Lâm cho biết, loại chè cổ thụ này chỉ mọc từ độ cao 2.200 mét đến 2.500 mét so với mặt nước biển. Trên hoặc dưới độ cao này thì đều tuyệt nhiên không thấy.

Trong lúc đồng chí kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Hoàng Liên giúp chúng tôi nhặt cành khô để nhóm lửa thì ông Trần Ngọc Lâm tiếp tục dẫn tôi tụt xuống cả một đoạn dốc dài. Càng xuống sâu, chè càng nhiều, có rất nhiều cây chắc chắn 2 người ôm không xuể. Trong không gian khói sương bảng lảng, những cây chè cổ thụ hiện lên thật đẹp với thân mốc và sum suê nhánh cành. Ông Lâm cũng chỉ cho tôi xem vị trí hang đá và cái chòi bằng trúc mà anh chàng sinh viên người Nhật Muteki đã ở lì cả tuần chỉ để thưởng trà và múa kiếm. 

Khi tôi bắt đầu thấy run lên cầm cập vì sương mù ngấm vào người trong cái lạnh chấp chới 0 độ C của vùng rừng nguyên sinh này thì cũng là lúc nước suối trong 2 ống trúc to đã bắt đầu sôi lục bục. Bắt chước gã Nhật Bản Muteki, ông Lâm cũng cẩn thận lau sạch từng lá chè vừa được hái xuống rồi vò nát trước khi thả vào 2 ống trúc.

 Bộ ấm trúc thưởng trà độc đáo

Độ tàn một điếu thuốc lá thì chúng tôi bắt đầu rót trà ra 4 cái cốc cũng được đẽo bằng thân trúc cắm thẳng trên mặt đất. Điều đầu tiên tôi cảm nhận được là hương của loại chè này rất thơm, hơn hẳn loại chè Suối Giàng danh tiếng. Khác với vị chát của loại chè Tân Cương (Thái Nguyên) mà tôi vẫn uống thường ngày, chỉ một ngụm nhỏ cũng đủ để vị ngọt của loại chè đại ngàn Hoàng Liên dùng dằng nơi đầu lưỡi mãi không tan. 

Đặt tay lên lớp rêu xanh rì trên thân cây chè lớn nhất mà tôi nhìn thấy, một cảm giác lo lắng bỗng trỗi dậy khi tôi chợt nhớ tới hiện trạng chè cổ thụ bị… "làm thịt" ở Suối Giàng. Từ những năm 60, người ta đã thống kê được có tới trên 80.000 cây chè từ 200 tuổi trở lên ở vùng chè danh tiếng này. Thế mà chỉ vì những thú chơi "trọc phú" và sự thiếu ý thức của con người mà những cây chè cao niên nhất cứ dần dần bị bứng đi nơi khác và chết mòn để làm cảnh cho người ta ngắm. Nhiều nhà sinh vật học đã lo lắng rằng chỉ trong một vài năm nữa thôi, ở Suối Giàng sẽ hoàn toàn vắng bóng những cây chè cổ thụ. 

Chính vì vậy, khi may mắn được đặt chân tới rừng chè Hoàng Liên này, tôi sợ rằng sẽ có một ngày những cây chè hàng trăm năm tuổi ở đây cũng sẽ phải chịu chung số phận. Trên đường trở lại thị trấn Sapa, nhìn những người Mông vất vả kéo gỗ trên sườn núi, tôi cứ nhớ mãi ước mơ trở thành tỉ phú của chàng sinh viên Muteki. Đúng là nếu có phương pháp bảo tồn và phát triển khoa học thì loại chè này chắc chắn sẽ đem lại một nguồn lợi to lớn và người dân nơi đây sẽ không phải vào rừng "săn" pơ mu vì chỉ cần trồng chè thôi thì họ cũng đã có thể thay đổi cuộc đời.

Ông Phạm Văn Đăng - thời điểm đó là Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên - cho biết: "Khi còn là một kiểm lâm viên, tôi cũng rất hay lang thang ở vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn. Nhiều lần theo chân ông Trần Ngọc Lâm, tôi đã được đi qua những vạt rừng chè cổ thụ chạy dài bất tận tưởng như không có điểm dừng. Đây thực sự là một loại cây rất có giá trị trong Vườn quốc gia Hoàng Liên và sẽ là khu vực có tiềm năng du lịch rất lớn thu hút đông đảo du khách Việt Nam và thế giới". 

 

Theo tài liệu khảo cứu của Ủy ban Khoa học xã hội thì người ta đã tìm thấy dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè có từ thời kỳ đồ đá Sơn Vi (văn hóa Hòa Bình). Cho đến nay, ở vùng Suối Giàng (Văn Chấn - Nghĩa Lộ - Yên Bái), trên độ cao 1.000 mét so với mặt biển có một vùng chè hoang khoảng 40.000 cây chè dai, trong đó có một cây chè cổ thụ lớn nhất, ba người ôm không xuể. Như vậy có thể nói Việt Nam chính là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới. 

Kỳ trước: Có một bãi đá cổ bí ẩn giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn hùng vĩ?

Kiểu tóc hút hồn được các mỹ nhân Việt ưa chuộng vào ngày hè nắng nóng(VietQ.vn) - Với vẻ trẻ trung, gọn gàng và thoáng mát của tóc đuôi ngựa, kiểu tóc này được nhiều mỹ nhân Việt ưa chuộng, đặc biệt là vào mỗi dịp hè tới.

 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang