Giá vàng tăng kỷ lục, người tiêu dùng phải nhớ các tiêu chuẩn về vàng

author 15:10 24/07/2020

(VietQ.vn) - Giá vàng đang tăng cao kỷ lục nên trong "cơn nóng" này, khi giao dịch vàng, người tiêu dùng nên nhớ quan tâm đến các tiêu chuẩn về vàng nhằm tránh thiệt hại.

Vàng là một sản phẩm quý hiếm trên thị trường nên trong quá trình kinh doanh, mặt hàng này thường xuyên bị nhập nhèm về tuổi vàng, hàng kém chất lượng... Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, cơ quan quản lý Nhà nước đã công bố nhiều bộ tiêu chuẩn về vàng. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu để tránh mua phải các sản phẩm kém chất lượng trong thời điểm vàng đang tăng cao kỷ lục như hiện nay.

 Nắm vững các tiêu chuẩn về vàng, người tiêu dùng tránh được thiệt hại kinh tế. Ảnh minh họa

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7054:2014 về vàng thương phẩm - Yêu cầu kỹ thuật

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7054:2014 về Vàng thương phẩm - Yêu cầu kỹ thuật sẽ cho người tiêu dùng cái nhìn chi tiết và chính xác về các mặt hàng, loại sản phẩm vàng trên thị trường như vàng thương phẩm, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu, vàng nguyên liệu thô, vàng tinh khiết...

Với mỗi loại sản phẩm sẽ có những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cùng tiêu chí phân loại để người tiêu dùng có thể nhận biết đâu là loại gì, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chuất lượng hay không...

Tại tiêu chuẩn này, ta có thể nắm được chất lượng vàng thương phẩm, còn gọi là tuổi vàng, được đánh giá chủ yếu theo hàm lượng của kim loại vàng trong sản phẩm đó.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10617:2014 (ISO 10713:1992) về đồ trang sức - Lớp phủ hợp kim vàng

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chiều dày lớp phủ và độ tinh khiết của vàng của lớp phủ. Đồng thời xác định các thuật ngữ hiện có liên quan đến lớp phủ hợp kim vàng. Tiêu chuẩn này không áp dụng được cho các vòng tay đồng hồ nếu chúng được gắn vĩnh cửu vào vỏ.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7055:2014 về vàng và hợp kim vàng – Phương pháp huỳnh quang tia X để xác định hàm lượng vàng

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu cơ bản đối với phương pháp huỳnh quang tia X để xác định hàm lượng vàng (Au) có trên bề mặt của vàng và hợp kim vàng. Tiêu chuẩn này không đề cập tới vấn đề bảo vệ thử nghiệm viên khỏi tác hại của tia X. Thử nghiệm viên phải được đào tạo về an toàn bức xạ. Thiết bị phải được kiểm tra an toàn bức xạ định kỳ theo quy định về an toàn bức xạ hiện hành.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9875:2013 về xác định hàm lượng vàng trong hợp kim vàng trang sức - Phương pháp cupen hóa (hỏa luyện)

TCVN 9875:2013 (ISO 11426:1997) quy định phương pháp cupen hóa (hỏa luyện) để xác định hàm lượng vàng trong hợp kim vàng trang sức.

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp cupen hóa (hỏa luyện) để xác định hàm lượng vàng trong hợp kim vàng dùng làm đồ trang sức. Hàm lượng vàng của hợp kim thích hợp nhất là nằm trong khoảng từ 333 đến 999 phần nghìn (‰).

Phương pháp này đặc biệt được áp dụng cho hợp kim vàng có chứa bạc, đồng và kẽm. Một số thay đổi được đưa ra khi nickel và/hoặc paladi có trong thành phần hợp kim được gọi là vàng trắng cũng như đối với hợp kim có hàm lượng vàng từ 990 phần nghìn (‰) trở lên.

Tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ

Theo thông tư số 22/2013/TT-BKHCN “Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường”, loại hàng hóa này chỉ được phép lưu thông khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Tiêu chuẩn áp dụng công bố gồm thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối; yêu cầu kỹ thuật (khối lượng, hàm lượng vàng), mã ký hiệu...

Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng được thực hiện theo hình thức niêm yết giá hay trên bao bì sản phẩm, nhãn hàng hóa hay tài liệu kèm theo. Về ghi nhãn, nội dung ghi gồm tên hàng hóa, mã ký hiệu của nhà sản xuất, ký hiệu sản phẩm, hàm lượng vàng (tuổi vàng), khối lượng vàng...

Các tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và được đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm; phải niêm yết công khai tại nơi kinh doanh về tiêu chuẩn công bố áp dụng để khách hàng biết. Họ cũng phải lưu hồ sơ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do mình kinh doanh, gồm: Kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố; tiêu chuẩn công bố áp dụng; tài liệu, bằng chứng về việc ghi nhãn. Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bảo đảm chất lượng vàng bán cho người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn công bố; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cụ thể, mức phạt tối thiểu cho hành vi vi phạm trong sử dụng phương tiện đo là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-600.000 đồng, tối đa là 100.000.000 đồng.

Vi phạm về công bố tiêu chuẩn áp dụng và chất lượng hàng hóa có mức phạt tối thiểu là 2.000.000 đồng, mức tối đa đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm. Các vi phạm về nhãn hàng hóa có mức phạt tối thiểu là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng, mức phạt tối đa có thể lên đến 80 triệu đồng, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể.

Thu Hà

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang