Giám đốc Quỹ đất Bắc Từ Liêm thừa nhận có 'thành phần xã hội' tham gia đấu giá

author 15:50 25/11/2015

"Ngay ngày đầu đã có thành phần "xã hội", xăm trổ... xuất hiện, tôi đã báo ngay cho Công an quận xử lý", ông Trịnh Minh Huệ cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngay sau đợt phát hồ sơ tham gia đấu giá 21 ô đất xen kẹt phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội), ông Trịnh Minh Huệ, Giám đốc Chi nhánh Phát triển Quỹ đất quận Bắc Từ Liêm cho biết: 

"Trong 05 ngày làm việc, chúng tôi không bán mà chỉ phát hồ sơ miễn phí. Doanh nghiệp chỉ cần mang chứng thư, giấy giới thiệu, giấy phép đăng ký kinh doanh đến là chúng tôi phát hồ sơ, không giới hạn số lượng.

Trong 02 ngày đầu tiên (21-22/10) rất đông, ai vào cũng phát, nên nhiều người đến đây không được phát vì chưa đến lượt. Có rất nhiều trường hợp không đúng đối tượng (không có chức năng kinh doanh bất động sản-PV) nhưng vẫn vào đăng ký bình thường và vẫn được phát hồ sơ.

Lúc đó, tôi cũng nhận nhiều thông tin là doanh nghiệp không được phát hồ sơ, kể cả thông tin trên lãnh đạo Thành phố nên tôi về họp anh em lại ngay. Sau đó, tôi chỉ đạo chỉ phát hồ sơ cho những doanh nghiệp đúng tối tượng và đủ điều kiện (chức năng kinh doanh bất động sản-PV)".

Ông Trịnh Minh Huệ, Giám đốc Chi nhánh Phát triển Quỹ đất quận Bắc Từ Liêm thừa nhận có thành phần "xã hội" xuất hiện trong đợt phát hồ sơ đấu giá đất

Nói về hiện tượng có thành phần "xăm trổ" xuất hiện trong các ngày phát hồ sơ và có hành vi đe dọa các doanh nghiệp muốn được tham gia đấu giá, ông Huệ thừa nhận: "Ngay ngày đầu tiên có một số đối tượng “ngoài xã hội” , “xăm trổ”, khi phát hiện tôi gọi ngay Công an quận, chỗ đồng chí Phương... Có thể các doanh nghiệp họ "nói chuyện" với nhau, ngăn chặn nhau ngoài tầm kiểm soát của mình, nhưng nếu có mất trật tự tại đây thì tôi sẽ xử lý ngay...".

Về việc ai phải chịu trách nhiệm khi nhiều doanh nghiệp có nhu cầu và năng lực nhưng đợi 05 ngày ròng rã không được phát hồ sơ, ông Huệ giải thích một cách thiếu trách nhiệm: "Sau 05 ngày phát hồ sơ, Trung tâm phát được hơn 90 bộ hồ sơ. Nếu những doanh nghiệp đợi mà không được phát hồ sơ thì không phải lỗi doanh nghiệp nhưng cũng không phải lỗi Nhà nước, vì thời hạn chỉ quy định có 05 ngày làm việc. Tôi cũng nghe anh em báo cáo lại còn mấy chục doanh nghiệp nữa không được phát hồ sơ...".

Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ngày 21/4/2015, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 1708/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Theo đó, UBND Thành phố phê duyệt giá khởi điểm làm căn cứ đấu giá là 39,1 triệu đồng/m2. Đến ngày 18/9/2015, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4716/QĐ-UBND về việc Phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất trên.

Theo phương án được duyệt thì UBND quận Bắc Từ Liêm sẽ đưa ra đấu giá 21 lô đất tại phường Xuân Đỉnh, tổng diện tích 1.730m2.

Trong 05 ngày phát hồ sơ mời đấu giá (từ 21 – 27/10, trừ Thứ 7 – Chủ nhật), trong vai đại diện doanh nghiệp có nhu cầu muốn nhận được hồ sơ đấu giá 21 lô đất nói trên, phóng viên có mặt tại Chi nhánh Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Bắc Từ Liêm để tìm hiểu sự việc. Tại đây, hàng chục doanh nghiệp trong 05 ngày ròng phải “lũ lượt” xếp hàng, ngồi hàng dài chen nhau hết các dãy cầu thang bộ.

Điều đáng bức xúc là một số thành phần “xăm trổ” xuất hiện tại phiên đấu giá và có lời lẽ, thái độ, hành vi đe dọa các doanh nghiệp muốn nhận hồ sơ mời đấu giá.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hàng chục doanh nghiệp có nhu cầu và năng lực nhưng không được tiếp cận hồ sơ, mặc dù trong 05 ngày ròng họ chầu chực tại Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Bắc Từ Liêm.

Tiếp đó, trong phiên đấu giá diễn ra ngày 11/11/2015 tại UBND quận Bắc Từ Liêm, Hội đồng đấu giá lại tiếp tục để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Phiên đấu giá đất ngày 11/11/2015 có nhiều dấu hiệu sai phạm, vi phạm quy chế... nhưng vẫn được Hội đồng đấu giá đất... cho qua

Cụ thể, tại Mục 7, Phương án ban hành Quyết định số 4716 do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký ghi rõ cách tính giá khởi điểm như sau:Giá khởi điểm vòng 1 là 39,1 triệu đồng, giá khởi điểm vòng 2 trở đi bằng giá bỏ hợp lệ cao nhất vòng trước liền kề + (cộng) thêm 1 bước giá. Bước giá được áp dụng cho tất cả vòng đấu là 500 nghìn đồng/m2.

Tại Mục 9 của Phương án cũng ghi rõ: “…Bất cứ trường hợp nào bỏ giá thấp hơn giá khởi điểm của vòng đấu đều bị coi là vi phạm Quy chế và không được tiếp tục tham gia đấu giá, đồng thời không được hoàn trả lại khoản tiền đặt trước”.

Tuy quy định là vậy nhưng nhiều nhà đầu tư chỉ ghi mức giá cao nhất của vòng trước mà không cần cộng thêm 01 hoặc nhiều bước giá theo quy định để tính giá khởi điểm.

Như vậy, nếu áp dụng vào Phương án đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt thì những nhà đầu tư trên đã “vi phạm Quy chế và không được tiếp tục tham gia đấu giá, đồng thời không được hoàn trả lại khoản tiền đặt trước”. Số tiền đặt trước của mỗi doanh nghiệp là 10 tỷ đồng sẽ không được hoàn trả vì đã vi phạm Quy chế.

Không những thế, nhiều người tham gia đấu giá còn “không thèm” ghi mã số doanh nghiệp vào nhưng vẫn vô tư bỏ vào hòm phiếu. Đấu giá viên lại không tuyên bố vi phạm Quy chế mà còn gọi người tham gia lên điền thêm thông tin vào khi hòm phiếu đã được mở.

Tuy vi phạm trắng trợn Phương án, quy chế đấu giá như vậy nhưng Hội đồng đấu giá, Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất quận Bắc Từ Liêm không tuyên bố vi phạm quy chế, loại các doanh nghiệp vi phạm ra khỏi vòng đấu mà lại… im lặng cho qua.

Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về những vi phạm trong đấu giá đất xảy ra tại quận Bắc Từ Liêm, ông Nguyễn Minh Mười, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội cho biết:

Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh, bên Sở đã có ngay Công văn chuyển đến cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất và UBND quận Bắc Từ Liêm – vì họ là chủ đầu tư để người ta kiểm tra, rà soát. Hồ sơ dưới chi nhánh họ làm, còn trên Hội đồng đấu giá thì chỉ giám sát, thẩm định thôi. Tôi đã yêu cầu người ta (quận Bắc Từ Liêm – PV) giải trình, báo cáo, rà soát rồi”.

Trao đổi về những vi phạm trong Phiên đấu giá đất xảy ra ngày 11/11/2015 tại quận Bắc Từ Liêm, ông Mười cho biết: “Đúng, tôi là Chủ tịch Hội đồng đấu giá và tôi giám sát phiên ấy. Hôm đó tôi cũng đã nhắc nhở anh em những cái gì làm chưa đúng, tôi có nhắc ngay. Đấy chỉ là sơ suất thôi, ví dụ như việc nó (doanh nghiệp tham gia đấu giá-PV) đem lên rồi chưa ghi số nên tôi nhắc ngay. Còn bước giá là theo phương án đấu giá đã có rồi, chỉ có điều là nói không rõ thôi, trình bày nó không rõ thôi…”.

Hiện nay, đã hơn 1 tuần từ khi có yêu cầu của Sở Tài nguyên nhưng quận Bắc Từ Liêm vẫn chưa có báo cáo giải trình xong. Về việc này, ông Mười cho biết: “Quận chưa có có báo cáo giải trình nên tôi cũng chưa dám có văn bản trình Thành phố phê duyệt kết quả đấu giá. Tôi làm rất minh bạch, không có gì băn khoăn gì cả. Tuy nhiên, tôi ở trên này thì cũng không biết hết được bên dưới (UBND quận Bắc Từ Liêm-PV) họ làm gì…”.

Phân tích từ những sai phạm trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nêu quan điểm: Đối với những vi phạm như trên, căn cứ vào Điều 20, Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 15/9/2014 của UBND TP. Hà Nội về việc Hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, Hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất: “… được thực hiện theo quy định tại Điều 48, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

 … Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này thì Trung tâm phát triển quỹ đất hoặc UBND cấp xã (trường hợp đấu giá quỹ đất công ích, đất bãi bồi ven sông, đất chưa sử dụng) báo cáo cơ quan tài nguyên và môi trường, trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Điều 48, Nghị định số 17 của Chính phủ quy định: “…Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Nghị định này.

 ...Trong trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy theo quy định tại Điều này thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND thì Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Bắc Từ Liêm phải có trách nhiệm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thu hồi quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với Công ty CP Đầu tư Viễn Tin”.

Đến nay, đã nhiều ngày trôi qua nhưng UBND quận Bắc Từ Liêm, Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Bắc Từ Liêm vẫn chưa có động tĩnh gì khiến dư luận hoài nghi có sự bao che, dung túng và tiêu cực của cơ quan Nhà nước.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Giáo dục Việt Nam


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang