Hà Nội: Những ngày giáp Tết, giá thực phẩm vẫn ổn định

authorĐỗ Thu Thoan 15:39 18/01/2017

(VietQ.vn) - Mặc dù vào thời điểm này nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, thế nhưng thực phẩm thiết yếu trong những ngày giáp Tết tại Hà Nội vẫn giữ mức ổn định.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với năm 2016. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời điều tiết và bình ổn thị trường, đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá đột biến hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý cho người tiêu dùng trong dịp Tết, thông tin đăng tải trên Tin tức/TTX cho biết.

ha-noi-nhung-ngay-giap-tet-gia-thuc-pham-van-on-dinh

Giá cả thực phẩm trong những ngày giáp Tết này tại Hà Nội vẫn giữ mức ổn định. Ảnh: Tin tức/TTXVN 

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh... giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều vẫn ổn định. Cụ thể, rau cải khoảng 7.000 – 10.000 đồng/kg, su hào khoảng 4.000 – 6.000 đồng/củ, rau muống 5.000 – 8.000 đồng/kg...

Chia sẻ trên TTXVN, ông Nguyễn Hữu Hào (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) chuyên sản xuất rau màu cung cấp cho thị trường Hà Nội cho biết, trong năm cây trồng phát triển tốt nên các hộ nông dân được mùa. Nhưng được mùa thì giá rau rẻ trong khi chi phí trồng lớn nên thu chẳng bù chi. 

Các loại thịt cũng giữ mức ổn định. Ở các chợ truyền thống, giá thịt bò thăn phổ biến từ 250.000-270.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ 80.000-90.000 đồng/kg, thịt gà ta 120.000-150.000 đồng/kg.

Chị Lê Thị Hoa, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, năm nay thịt ở các địa phương đổ dồn về trung tâm nhiều. Người tiêu dùng bắt đầu chuộng mua thịt tại các siêu thị để yên tâm về chất lượng nên giá thịt tại chợ không tăng mà có lúc còn giảm đi.

ha-noi-nhung-ngay-giap-tet-gia-thuc-pham-van-on-dinh

 Giá cả tại các siêu thị và chợ truyền thống chênh lệch nhau không đáng kể - Ảnh minh họa

Tại các siêu thị, giá cả không chênh lệch nhiều với chợ truyền thống, nhất là giá thực phẩm rất ổn định.

Mặt hàng trái cây đa dạng với mức giá phải chăng. Tại hệ thống siêu thị BigC, trái cây truyền thống của Việt Nam như cam canh 40.000 đồng/kg, quýt đường 60.000 đồng/kg, thanh long 38.000 đồng/kg,..., các gian hàng trái cây nhập khẩu như táo Fuji Nhật, nho Mỹ, lê Hàn Quốc... cũng được ưa chuộng. 

Ngoài ra, các sản phẩm là đồ khô, thực phẩm chế biến cho dịp Tết cùng các loại nông sản lạ phục vụ nhu cầu người dân được bổ sung, tăng cường.

Trước đó, Dân trí cho biết, theo nhận định của Bộ Công Thương, dự kiến sức mua sẽ bắt đầu tăng cao hơn từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch (cao điểm sau ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp âm lịch). Nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo.

Về giá các loại mặt hàng, Bộ Công Thương khẳng định sẽ giữ ổn định, không có biến động lớn các loại mặt hàng tết. Đảm bảo đủ nguồn cung nhóm hàng thực phẩm công nghệ như bánh, mứt kẹo, nhu cầu dự kiến tập trung vào các mặt hàng Việt Nam sản xuất có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng.

Hiện hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua hơn 8.660 chợ, hơn 810 siêu thị và khoảng 160 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt. Chính vì vậy, tết này sẽ không có hiện tượng khan hàng, đẩy giá các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng tết.

Đỗ Thu Thoan (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang