Hà Nội: Xử phạt 896 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm số tiền hơn 3,8 tỷ đồng

author 09:34 23/05/2019

(VietQ.vn) - 5 tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã tiến hành thanh kiểm tra 20.459 lượt cơ sở an toàn thực phẩm, xử phạt 896 cơ sở với số tiền phạt là hơn 3,8 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng Hà Nội đã tổ chức 690 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP (10 đoàn tuyến Thành phố và 644 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn). Kết quả đã thanh kiểm tra 20.459 lượt cơ sở, đạt 17.563 lượt cơ sở (86%), phạt tiền 896 cơ sở với số tiền phạt là hơn 3,8 tỷ đồng.

Trong đó, tính riêng cơ sở tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố Hà Nội đã kiểm tra 18.058 cơ sở. Kết quả, số cơ sở đạt 15.426. Số cơ sở vi phạm là 2.316 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 209 cơ sở, phạt tiền 684 cơ sở với số tiền phạt là 2,6 tỷ đồng. Các đoàn kiểm tra cũng tổ chức xét nghiệm nhanh 9.438 mẫu, trong đó số mẫu đạt 8.182 mẫu đạt (tỉ lệ 86,7%).

Sở Y tế Hà Nội cũng đã xét nghiệm tại labo giám sát chất lượng thực phẩm lấy 46 mẫu nông lâm thủy sản. Trong đó đã có kết quả của 38 mẫu, phát hiện 02 mẫu thịt lợn không đạt chỉ tiêu vi sinh (E.coli và tổng số vi sinh vật hiếu khí) và 01 mẫu thịt lợn không đạt chỉ tiêu Chloramphenicol. Ngoài ra, các đoàn cũng đã sử dụng 5 lượt xe kiểm nghiệm nhanh của thành phố, xét nghiệm nhanh 61 mẫu, phát hiện 01 mẫu dương tính với chỉ tiêu Chloramphenicol. 

Đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại một quán ăn. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm

Các đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm labo 184 mẫu. Kết quả 168/181 mẫu đạt (11 mẫu không đạt về chỉ tiêu hóa học; 02 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật), 03 mẫu hiện chưa có kết quả.

Liên quan tới công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm Hòa Toản (thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh), phát hiện khoảng 3 tấn chân bò và nội tạng gia súc…

Toàn bộ số thực phẩm trên được cơ sở này nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ số thực phẩm trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản niêm phong và tạm giữ toàn bộ số hàng trên, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra tại cơ sở chế biến thực phẩm của ông Kim Văn Tuấn (sinh năm 1971, địa chỉ tại Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội), phát hiện 2 tấn thịt bò, bê, chủ cơ sở không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh, giấy tờ chứng minh nguồn gốc số thực phẩm tại cơ sở. Lực lượng chức năng đã thu giữ và tiêu hủy số thịt bò, bê nói trên theo quy định của pháp luật. Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ vi phạm mà lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua.

Thống kê của Cục ATTP (Bộ Y tế) cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ  độc thực phẩm. Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm được phát hiện, những ca tuồn thực phẩm bẩn tiêu thụ trên thị trường được phanh phui, thực phẩm chứa chất cấm, chất độc được công bố… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Bảo Lâm

Cảnh báo tình trạng mạo danh Cục An toàn thực phẩm bán thực phẩm chức năng(VietQ.vn) - Cục An toàn thực phẩm vừa đưa ra thông tin cảnh báo tình trạng cá nhân, tổ chức mượn danh Cục An toàn thực phẩm để bán thực phẩm chức năng qua mạng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang