“Hiểm họa” ẩn sau tổng mức bán lẻ tăng thấp

author 15:54 03/12/2012

(VietQ.vn) - Tổng mức bán lẻ hàng hóa (TMBLHH) và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng của năm 2012 có tăng nhưng ở mức thấp. Nếu không khéo léo, có các biện pháp phù hợp, sẽ là hiểm họa cho lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Điều này cho thấy một thực tế, TMBLHH thấp đã tác động vào tồn kho càng thêm cao, ảnh hưởng tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

So với cùng thời điểm của năm 2011, TMBLHH tính theo giá thực tế của 11 tháng năm 2012 tăng 16,4%. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng chỉ là 6,4%.

Tổng mức bán lẻ 11 tháng năm 2012 (nghìn tỷ đồng). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Một số ngành có tỷ lệ giá trị hàng tồn kho cao như sản xuất xe có động cơ 15,4%; chế biến và bảo quản thủy sản 10,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 9,8%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ 8,3%.

Theo các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng này đã thấp xa so với các thời kỳ trước. Điển hình như bình quân trong thời kỳ 1991 – 1995 tăng 12,8%; thời kỳ 1996 – 2000 tăng 7,9%, thời kỳ 2001 – 2005 tăng 11,8%, thời kỳ 2006 – 2010 tăng 15%.

Tốc độ tăng TMBLHH thấp đã góp phần làm tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 11 chỉ tăng 0,47%, 11 tháng chỉ tăng 6,52% và sau 1 năm chỉ tăng 7,08%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm.

Đặc biệt, tốc độ tăng TMBLHH thấp đã trở thành điểm nghẽn, làm cho tồn kho còn ở mức cao, kéo dài và lan rộng ra nhiều ngành, lĩnh vực. Các ngành hàng, sản phẩm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, đến bất động sản, tiền vốn ở ngân hàng thương mại... đều chịu ảnh hưởng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng thấp. Ảnh minh họa

Đặc biệt hơn, điểm nghẽn về tồn kho, nhất là trong các ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng... là tiền đề, cộng hưởng với nợ xấu trở thành hai điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay. Tác động xấu đến tăng trưởng tín dụng, đến tăng trưởng kinh tế, đến công ăn việc làm...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc giải quyết hai điểm nghẽn này vừa khó khăn, vừa tốn kém thời gian, vừa tốn kém kinh phí và nếu không khéo léo, có liều lượng phù hợp thì sẽ tác động xấu đến lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, từ con số báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tốc độ tăng của TMBLHH dù thấp nhưng ngày càng có xu hướng cao lên so với đầu năm và là yếu tố quan trọng góp phần làm cho tốc độ tăng tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến có xu hướng giảm dần qua các thời điểm từ đầu tháng 3 tới nay (từ trên 34% còn 20%). Đây cũng là yếu tố góp phần làm cho tốc độ tăng GDP cao lên qua các quý và cao hơn tốc độ tăng GDP (9 tháng đạt 4,73, dự báo cả năm tăng 5,2%).

Cơ cấu TMBLHH theo ngành hoạt động đã có sự chuyển dịch nhất định. Ngành thương nghiệp - bán lẻ hàng hóa thuần túy vẫn chiếm thị phần cao nhất 77,1%, nhưng cũng tăng thấp nhất so với các ngành và tăng thấp hơn tốc độ tăng chung. Các ngành dịch vụ gồm khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ khác tuy chiếm tỷ trọng còn thấp 22,9%, nhưng đã có tốc độ tăng khá cao. Điển hình như du lịch tăng 31,3%, dịch vụ tăng 18,7%, khách sạn, nhà hàng tăng 18,6%. 

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang