Không để sữa trẻ em bị làm giá, trục lợi

author 06:14 30/09/2013

(VietQ.vn) - Mặt bằng giá các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được thiết lập lại, thấp hơn so với hiện tại.

Đó là kỳ vọng của đông đảo người dân, trong đó, những người nuôi con nhỏ có thu nhập thấp rất chờ đợi từ hành động quyết liệt của Chính phủ thời gian tới về việc hàng loạt các sản phẩm sữa và từ sữa, vì “thay tên, đổi họ” mà nằm ngoài bình ổn giá, tăng giá vô tội vạ.

Sua thiet lap mat bang gia moi

Giá sữa sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu người dùng. (Ảnh minh họa)

Không phải tới lúc này, việc quản lý và giá sữa nói chung và sữa bột nói riêng mới “dậy sóng”, mà liên tục trong những năm gần đây, người tiêu dùng than vãn, giá sữa quá cao và cần phải có biện pháp chấn chỉnh lại. Mặc dù biết rằng giá sữa quá cao, nhưng chẳng người tiêu dùng nào có thể phân tích cặn kẽ quy trình khiến giá sữa lên cao. Chỉ khi, gần đây Truyền hình Việt Nam phát phóng sự, phân tích tường tận vì sao giá sữa nhập về thấp nhưng bán trên thị trường gấp 5 – 10 lần, người tiêu dùng mới “té ngửa”, con cháu mình đang dùng phải những sản phẩm bị làm giá, trục lợi bất chính.

Trong khi giá các sản phẩm sữa nhập ngoại tăng cao bất thường, không ít doanh nghiệp sữa trong nước lại cam kết bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung và chất lượng chẳng thua kém gì sản phẩm nhập ngoại. Đi tiên phong trong các doanh nghiệp đó, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đầu tư bài bản cả về dây truyền công nghệ hiện đại, kênh phân phối và các chính sách giá hợp lý cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì các hãng sữa ngoại chiết khấu cao và có các "thủ đoạn" kích cầu, hấp dẫn người tiêu dùng nên các doanh nghiệp sữa trong nước vẫn phải cạnh tranh rất khó khăn với các sản phẩm nhập từ nước ngoài.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều ngày 29/9/2013, Bộ trưởng – Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Tôi đã xem phóng sự (trên VTV) và trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 2 Bộ (Tài chính và Y tế) phải báo cáo ngay và tìm giải pháp.

“Chưa nói tới xử lý, rõ ràng đây là việc quản lý không tốt và phải đề ra biện pháp. Sau đó, VTV lại tiếp tục có phóng sự nữa khi 2 Bộ gửi báo cáo. Ngay sáng nay, khi đi công tác về, tôi đã ký văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng là yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tại điều 15 khoản 2 mục H của Luật giá có quy định sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống phải thuộc diện kiểm soát giá. Các Thông tư của Bộ Y tế từ trước tới nay chỉ liên quan tới các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống (tức là vẫn còn khoảng trống từ 36 tháng tuổi đến 6 tuổi).

“Lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải ban hành ngay 1 danh mục đầy đủ cho sữa và các sản phẩm từ sữa cho trẻ 6 tuổi trở xuống. Và dựa trên danh mục đó, Bộ Tài chính phải kiểm tra chặt, trên tinh thần không thể để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị “làm giá”. Thái độ của Chính phủ là rất nghiêm túc. Tôi có trực tiếp hỏi Bộ trưởng Y tế là liệu gấp như vậy, đến ngày 5/10 thì có làm được không, Bộ trưởng Bộ Y tế nói là sẽ làm được. Còn chuyện xử lý như thế nào, các cơ quan chức năng sẽ làm”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.

Quan ly chat che thi truong sua VN

Người tiêu dùng sẽ hết lo giá sữa tăng cao? (Ảnh minh họa)

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến câu hỏi của PV về việc ở Trung Quốc phạt 10 triệu USD khi các doanh nghiệp sữa làm giá tại thị trường này, còn ở nước ta xử lý thế nào, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, ở Việt Nam, phạt bao nhiêu, như thế nào thì theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng thái độ là chúng ta nghiêm túc. Trước đây chúng ta đã nói đến chuyện giá, chuyện lãi thật, lỗ giả để trốn thuế, chúng ta hôm nay nói đến chuyện các doanh nghiệp, tôi tạm dùng từ lợi dụng kẽ hở của pháp luật, kẽ hở của sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để “làm giá”, trục lợi. Chúng ta phải kêu gọi tất cả, kêu gọi các doanh nghiệp, chúng ta sống trong một thời đại xây dựng xã hội dân giàu- nước mạnh- dân chủ- công bằng- văn minh hãy làm giàu một cách văn minh và chúng ta làm việc gì cũng phải có tấm lòng.

Cũng liên quan đến vấn đề giá sữa, trong một trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định của Luật giá có hiệu lực từ 1/1/2013, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước bình ổn giá. Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động bất thường.

Tuy nhiên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành thì thời gian vừa qua, một số sản phẩm dinh dưỡng và thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 6 tuổi không đạt tiêu chuẩn độ đạm để gọi là sữa nữa. Để khắc phục tình trạng này và bảo đảm lợi ích người tiêu dùng và bảo đảm ổn định thị trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giao Bộ Y tế hai việc.

Thứ nhất là Bộ Y tế ban hành ngay danh mục sữa và các chế phẩm từ sữa thuộc mặt hàng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của luật giá. Từ đó Bộ Tài chính sẽ điều hành, quản lý giá sữa theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành thông tư quy định mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá.

“Chúng tôi cũng phải khẳng định là mặt hàng sữa vẫn phải quản lý theo cơ chế thị trường, nghĩa là theo giá thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Nhà nước chỉ can thiệp khi có yếu tố độc quyền hoặc vi phạm luật cạnh tranh và chỉ thực hiện bình ổn giá theo quy định của luật giá”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Trong vài tháng trở lại đây, trên thị trường Việt Nam không còn sản phẩm gọi là sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, mà thay vào đó là thực phẩm chức năng hay là thực phẩm bổ sung với giá tăng vù vù. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Y tế giải quyết rốt ráo. Mới dây, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ nhi đồng LHQ đã có khuyến nghị mạnh mẽ, nếu khái niệm này không phân định rõ ràng thì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ em Việt Nam.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang