Kiến tạo năng suất cho doanh nghiệp tại hai 'đầu tàu kinh tế'

author 06:17 25/11/2020

(VietQ.vn) - 10 năm qua, Chương trình 712 đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế các địa phương trên cả nước, đặc biệt là đối với hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam.

Theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình 712, 10 năm qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực và có chiều sâu về thúc đẩy năng suất chất lượng (NSCL), Chương trình 712 đã góp phần tạo nên sự thay đổi lớn bộ mặt kinh tế-xã hội hầu hết các địa phương trên cả nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế các vùng, miền. Đặc biệt, những hiệu quả rõ nét từ Chương trình còn được thể hiện ở sự bứt phá về NSCL tại hai “đầu tàu kinh tế” của cả nước là Hà Nội và TP.HCM.

Tại Hà Nội, Chương trình 712 đã có nhiều hoạt động hỗ trợ việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến để nâng cao NSCL các doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2016 đã phê duyệt hỗ trợ 30 doanh nghiệp. Thực tế đã hỗ trợ 25 doanh nghiệp (ISO 14000:16 doanh nghiệp; ISO 2200:9 doanh nghiệp). 5 doanh nghiệp có tên trong danh sách được hỗ trợ nhưng lý do khách quan đã không tham gia dự án.

Năm 2017, phê duyệt hỗ trợ 30 doanh nghiệp. Thực tế đã hỗ trợ cho 28 doanh nghiệp trong đó có: ISO 14000 (16 doanh nghiệp), ISO 22000 (12 doanh nghiệp), 02 doanh nghiệp có tên trong danh sách được hỗ trợ nhưng do lý do khách quan đã không tham gia dự án).

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ chương trình nâng cao NSCL tại Hà Nội và TP.HCM.

 

Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2439/ QĐ-UBND ngày 21/5/2018 về việc phân bổ kinh phí hỗ trợ triển khai áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14000, 1SO 22000 đối với các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018 với kinh phí 03 tỷ đồng cho 50 doanh nghiệp (đang triển khai hỗ trợ cho 32 doanh nghiệp ISO 14000 và 18 doanh nghiệp ISO 22000, mỗi doanh nghiệp 60 triệu đồng).

Kể từ năm 2018 đến nay, Hà Nội vẫn duy trì các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ; Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng, theo các tiêu chuẩn ISO 9001:2008, ISO 14000 và ISO 22000 với mục đích trợ giúp các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế thế giới; Hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án nông thôn miền núi; Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thông qua việc cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm; Tiếp nhận đơn đặt hàng nghiên cứu của các doanh nghiệp để tìm các nhà khoa học thực hiện trong chương trình liên kết 4 nhà;

Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ thông qua dự án sản xuất thử nghiệm; Hỗ trợ kết nối cung cầu sản phẩm công nghệ…

Còn tại TP.HCM, riêng trong giai đoạn 2016-2018, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL được cụ thể hóa bằng các hình thức như thống kê danh mục doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa ưu tiên nâng cao NSCL; Tổ chức hội nghị, hội thảo (03), tập huấn (31 lớp), tin bài trên website; Tổ chức đào tạo kiến thức NSCL (576 doanh nghiệp với 1.743 học viên); Xây dựng tổ chức đánh giá sự phù hợp: 01 tổ chức; Điều tra, khảo sát nhu cầu doanh nghiệp (hơn 20 doanh nghiệp); Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất (14 doanh nghiệp với 21 nhiệm vụ); Giám sát doanh nghiệp duy trì hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến đã được tư vấn (15 doanh nghiệp).

Mặc dù đã đem lại những hiệu quả to lớn làm thay đổi bộ mặt kinh tế, đời sống xã hội tại hai địa phương “đầu tàu” của Việt Nam, tuy nhiên, theo Ban điều hành Chương trình 712, thời gian qua, việc triển khai chương trình vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn tại các địa phương.

Các sự kiện về kết nối cung cầu được tổ chức liên tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm.

 

Cụ thể, sự tham gia của các doanh nghiệp tại Hà Nội và TP. HCM còn thụ động. Đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất, trình độ quản lý sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ chuyên gia NSCL vẫn còn thiếu và yếu, đang trong quá trình hình thành, dẫn đến hiệu quả tư vấn chưa cao. Năng lực tự thân của doanh nghiệp trong nghiên cứu áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng còn thấp.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động nâng cao NSCL, chưa nhận thức đầy đủ vai trò kiến tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua hỗ trợ áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ. Thêm vào đó, nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình tại các địa phương trên cả nước nói chung và tại Hà Nội, TP.HCM còn hạn chế...

Chính vì vậy, theo chuyên gia, trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL tại hai thành phố cần được triển khai với quy mô rộng hơn, sâu hơn, đồng bộ hơn. Hệ thống chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan cũng cần vào cuộc để các giải pháp, hoạt động nâng cao NSCL được triển khai kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, đối với hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, cần có những ưu tiên, đầu tư cho một số doanh nghiệp có tiềm lực, có hoạt động cải tiến tích cực để tạo ra các mô hình điểm, có tính đột phá trong triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao NSCL, giúp minh chứng, từ đó tạo động lực lan tỏa cho các doanh nghiệp khác trong ngành, lĩnh vực và địa phương.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang