Luật sư nói gì về vụ chính quyền o ép thủ nhang ra khỏi đền?

author 07:10 29/11/2014

(VietQ.vn) - Viện dẫn rất nhiều điều khoản của pháp luật quy định, Văn phòng Luật sư Bảo Hiến - Đoàn luật sư Hà Nội đã đưa ra những lập luận về việc làm chưa phù hợp của Công an xã An Lâm với Thủ nhang hai đền Lang Khê và đền Vàng.

Theo ông Vũ Công Dũng - Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Hiến - Đoàn Luật sư Hà Nội, ngày 18/11/2014, ông Nguyễn Văn Phương - Thủ nhang hai đền Lang Khê (Nghè Dào) và đền - chùa Vàng thuộc hai thôn: Lang Khê và Hoàng Giáp xã An Lâm - Huyện Nam Sách (Hải Dương) được ông Vũ Huy Chiến - Trưởng công an xã An Lâm yêu cầu ký xác nhận biên bản làm việc có nội dung cơ bản như sau: "...Đến hết ngày 30/11/2014, ông Phương phải chuyển hết tài sản cá nhân khỏi khu di tích đền Vàng về thôn Lang Khê để ở, bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất của khu vực đền vàng cho lãnh đạo thôn Hoàng Giáp không được cư trú như gia đình ở khuôn viên di tích đền Vàng vì ông Phương có gia đình riêng ở thôn Lang Khê, hết thời hạn trên nếu ông Phương không thực hiện... Công an xã An Lâm sẽ thực hiện công tác kiểm tra, củng cố hồ sơ và xử lý theo pháp luật..."

Ông Phương đã không đồng ý ký biên bản này và yêu cầu Trưởng công an xã phải có quyết định theo quy định pháp luật nhưng không có. Công an xã chỉ viện dẫn quy định của Thông tư số 35/2014/TT - BCA thi hành Luật Cư trú cho rằng, không có ai được cư trú và đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo nên ông Phương và gia đình không được ở lại trong khu vực đền Lang Khê và đền - chùa Vàng.

Thủ nhang đền Lang Khê và đền - chùa Vàng được bầu hợp pháp, có xác nhận của cơ quan chức năng xã An Lâm trước đó, nhưng vì sao đến nay xã này lại phủ quyết điều đó?

Thủ nhang đền Lang Khê và đền - chùa Vàng được bầu hợp pháp, nhưng xã An Lâm lại không chấp thuận với niềm tin và sự đồng thuận của người dân, vì sao? Ảnh: N. N

Đến ngày 21/11/2014, ông Phương nhận được thông báo (không số) ghi ngày 21/11/2014 có nội dung Công an xã An Lâm thông báo như sau: Bà Nguyễn Thị Hương giúp việc cho ông Nguyễn Văn Phương ở tại Nghè Dào, Lang Khê, An Lâm, Nam Sách, Hải Dương là lưu trú bất hợp pháp phải di dời khỏi địa phương An Lâm trong ngày 21/11/2014 trước 22 giờ trong ngày.

Đến hết ngày 30/11/2014 ông Nguyễn Văn Phương phải chuyển toàn bộ đồ đạc cá nhân khỏi khuôn viên Nghè Dào, Lang Khê, An Lâm, Nam Sách, Hải Dương về gia đình ở thôn Lang Khê (nơi nhập khẩu lần đầu) để ở, không được cư trú như gia đình ở khu Nghè Dào.

Bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất khu Nghè Dào cho lãnh đạo thôn Lang Khê cử người có tinh thần trách nhiệm là công dân thôn Lang Khê ra trông coi 24/24 giờ để tránh mất mát tài sản của nhân dân, việc bàn giao phải được tiến hành trước 30/11/2014.

Sau khi nhận được hai văn bản này, ông Phương cho biết, bà Nguyễn Thị Hương và hai con của ông Phương liên tục hoảng sợ, hoang mang, phải lẩn trốn, bị khủng hoảng về tinh thần vì Công an xã bất ngờ xuất hiện, làm việc vào ban đêm và có thông báo không được vào ở tại khu nhà dành cho Thủ nhang của đền Lang Khê.

Với những diễn biến như vậy, Văn phòng Luật sư Bảo Hiến cho rằng, đối chiếu các quy định pháp luật liên quan đến quyền về tài sản, về cư trú; tôn giáo và tín ngưỡng và quy định về xử lý vi phạm hành chính áp dụng trong trường hợp của ông Phương cho thấy, Luật Cư trú tại Điều 12. Nơi cư trú của công dân: Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức và cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú....

Điều 13. Nơi cư trú của người chưa thành niên quy định: Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cứ trú của cha, mẹ; nếu cha mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

Với quy định như nói trên, nơi cư trú của công dân được xác định khi họ có nơi ở hợp pháp. Đối với hoàn cảnh của ông Phương, trước đây khi được tách sổ Hộ khẩu riêng thì có nhà đất riêng. Nhưng từ sau khi ông Phương bán diện tích nhà đất này để đầu tư xây dựng đền Lang Khê thì nơi cư trú của ông Phương là căn nhà của Thủ nhang được xây dựng hợp pháp trong quần thể đền và có tạm trú tại đền - chùa Vàng để thực hành tín ngưỡng theo quy định cũng như trực tiếp trông coi bảo quản và tiến hành hoàn thiện việc xây dựng theo đúng thiết kế.

Theo Văn phòng luật sư Bảo Hiến, chỗ ở hợp pháp còn được quy định rõ tại Nghị định số 31/2014/NĐ - CP của chính phủ. Theo quy định tại nghị định này, nơi ở của ông Phương nằm trong quần thể đền Lang Khê và đền - chùa Vàng đều là chỗ ở hợp pháp theo quy định tại khoản 2 điều 5 của Nghị định nói trên. Đối chiếu quy định nêu trên với nội dung ông Phương được tiếp nhận từ ông Trưởng công an xã An Lâm viện dẫn quy định tại Thông tư số 35/2014/TT- BCA, điều 15. Chỗ ở không được chuyển đến đăng ký thường trú; điều 5. Nơi cư trú của công dân. Với các quy định tại hai điều này, chỗ ở ông Phương xây dựng trong quần thể đền Lang Khê và đền - chùa Vàng không thuộc các trường hợp quy định tại hai điều này. 

Từ khi ông Phương làm Thủ nhang của Đền, người dân rất tín nhiệm và tin tường ủng hộ

Từ khi ông Phương làm Thủ nhang của Đền, nơi thờ cúng sạch sẽ, khang trang, người dân rất tín nhiệm và tin tường ủng hộ. Ảnh: N. N

Nếu cho rằng ông Phương đang ở trong "di tích lịch sử, văn hóa" thì không được đăng ký lưu trú. Xét nội dung quy định nêu trên cho thấy, quy định này không đăng ký thường chú cho công dân chuyển đến chỗ mới được tạo lập trái pháp luật khi nằm trong: Địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng. Hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng khu nhà ở cho Thủ nhang tại hai địa điểm di tích nêu trên thì khu nhà nằm trong quy hoạch tổng thể, không vi phạm quy định về xây dựng và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm về trật tự xây dựng. Do đó, quy định này được hiểu là cơ quan công an không đăng ký thường trú cho những người mới đến ăn ở sinh hoạt tại khu vực mà nhà ở được hình thành trái pháp luật.

Để rõ hơn quy định nói trên, điều 26 Luật Cư trú cũng quy định rất cụ thể. Và theo những quy định nêu trên thì ông Phương đã được chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền về quản lý tôn giáo, tín ngưỡng thừa nhận là Thủ nhang của đền Lang Khê (Nghè Dào) và đền - chùa Vàng thì đương nhiên ông Phương được cư trú và đăng ký thường trú và cấp Sổ Hộ khẩu cho nơi cư trú này.

Theo tín ngưỡng dân gian, những Thủ nhang có quyền lập gia đình riêng, nên ông Phương được quyền nhập hai người con vào sổ hộ khẩu của mình là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Do vậy, thông báo của Trưởng côn an xã An Lâm là chưa đúng pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do cư trú của công dân.

Trong trường hợp của bà Nguyễn Thị Hương - người giúp việc chông nom con nhỏ cho ông Phương, bà Hương đã làm thủ tục khai báo tạm vắng tại nơi đăng ký thường trú và tiến hành thủ tục khai báo tạm trú tại Công an xã An Lâm nhưng chưa được cấp Sổ tạm trú theo quy định. Do đó, việc Công an xã An Lâm tiến hành lập biên bản vào đêm 20/11/2014 và buộc bà Hương dời khỏi địa phương An Lâm trước 22 giờ ngày 21/11/2014 là không đúng các quy định hiện hành.

Về việc buộc ông Phương bàn giao tài sản hai khu đền nói trên, theo Luật sư Văn phòng luật sư Bảo Hiến, ông Phương được cử là Thủ nhang ở hai nơi nêu trên là được cán bộ và nhân dân hai thôn nhất trí đề cử và cơ quan có thẩm quyền công nhận hợp pháp. Sau đó ông Phương đã đầu tư tiền của cá nhân và vay mượn của một số cá nhân tổ chức khác mới xây dựng được hai quần thể tín ngưỡng này. Vì vậy việc quản lý và sử dụng những tài sản này hoàn toàn là quan hệ dân sự. 

Đối chiếu các quy định tại Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành về thẩm quyền của Công an xã nói chung và thẩm quyền của Trưởng Công an xã nói riêng thì khồng có bất kỳ quy định nào cho phép Trưởng công an xã có thẩm quyền buộc công dân đang quản lý sử dụng tài sản hợp pháp giao cho người khác, thẩm quyền này thuộc về Tòa án nhân dân có thẩm quyền và phải được giải quyết theo đúng trình tự thủ tục pháp luật. Chỉ khi có bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự không thực hiện thì chỉ có cơ quan thi hành án dân sự mới có thẩm quyền buộc đương sự phải giao tài sản cho người khác. Như vậy, thông báo của Trưởng Công an xã là vi phạm quy định của pháp luật và xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhóm Phóng viên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang