Khó khăn doanh nghiệp Việt thường gặp khi áp dụng công cụ Lean

authorHòa Lê 18:53 29/09/2016

(VietQ.vn) - Sản xuất tinh gọn (Lean manufacturing) là một trong những công cụ giúp tổ chức, doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Sản xuất tinh gọn hay sản xuất tiết kiệm (tiếng Anh: Lean manufacturing; viết tắt: Lean) là một trong những phương pháp quản trị hiện đại nhằm tinh gọn hóa sản xuất, giảm thiểu lãng phí trong doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh doanh nhờ đó giúp các tổ chức, doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.

Sản xuất tinh gọn chính là chiến lược sản xuất dựa vào kĩ thuật của hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System). Chiến lược sản xuất yêu cầu người lao động tham gia vào các cải tiến nhỏ để loại bỏ hao phí, tăng chất lượng và nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất. Chiến lược sản xuất tinh gọn tập trung vào nhu cầu của khách hàng về chất lượng và thời gian giao hàng.

Tại Việt Nam, những năm trở lại đây chứng kiến việc các doanh nghiệp cùng nhau thực hiện Lean, tùy vào tiềm lực và mô hình doanh nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp thành công, song bên cạnh đó cũng không ít tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn, thất bại.

Năng suất chất lượng: Thực trạng áp dụng Lean tại doanh nghiệp

 Chiến lược sản xuất tinh gọn tập trung vào nhu cầu của khách hàng về chất lượng và thời gian giao hàng

Ở bất cứ ngành sản xuất - kinh doanh nào, chi phí ẩn (Shadow costs of production – các chi phí phát sinh do lỗi trong hệ thống trong các hoạt động từ đầu vào, sản xuất, đến đầu ra) luôn gây tiêu tốn đáng kể chi phí sản xuất. Tại các nước châu Âu, chi phí ẩn thường chiếm từ 20 – 25% tổng doanh thu, tại Mỹ là từ 25 – 30% tổng doanh thu.

Tại Việt Nam, chi phí ẩn và lãng phí trong vận hành doanh nghiệp có thể chiếm tới 40% tổng doanh thu. Sản xuất tinh gọn Lean được xem là cách giảm thiểu chi phí ẩn hiệu quả, nên 20 năm qua, các doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất lẫn dịch vụ như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ ngân hàng, hành chính – văn phòng, dịch vụ cung ứng kho vận…

Theo ông Pieter Pennings - Giám đốc Phụ trách Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp vừa - nhỏ Việt Nam tại Vietnam Supply Chain, đa phần doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đang loay hoay trong cấp độ đầu tiên của ứng dụng “Sản xuất tinh giản”, rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam tiến đến giai đoạn “Doanh nghiệp tinh gọn” hoặc “Tư duy tinh gọn”.

Thực tế, không ít chủ doanh nghiệp suy nghĩ hiểu lầm rằng Lean là tinh gọn, nghĩa là bao gồm cả tinh giản nhân sự. Trong thực tế thì Lean không đề cập đến tinh giản nhân sự mà là tìm ra phương thức hoạt động hiệu quả nhất, nhanh nhất, chất lượng nhất cho quá trình liên quan đến các nhân sự đang phụ trách.

Những sai lầm tai hại khi ngủ khiến bạn ‘chết sớm’(VietQ.vn) - Những thói quen khi ngủ dưới đây, tưởng chừng "vô thưởng vô phạt" song lại chính là nguyên nhân khiến bạn "chết sớm".

Đối với các doanh nghiệp đã triển khai Lean thành công, họ sử dụng nhân sự dư ra sau khi tối ưu quá trình để thực hiện các trọng trách lớn hơn nhiều, đó là liên tục cải tiến tại nơi mình làm việc.

Năng suất chất lượng: Thực trạng áp dụng Lean tại doanh nghiệp

Không ít doanh nghiệp thiếu sự kiên trì, không đặt ra mục tiêu từng giai đoạn nên không đạt kết quả 

Trường hợp không đầu tư người cho công việc cải tiến liên tục toàn thời gian thì sẽ phát sinh thêm một hiểu lầm nữa là, việc triển khai Lean khiến nhân viên phải làm việc nhiều hơn.

Ông Pieter Pennings nói thêm: “Doanh nghiệp hầu như chưa thật sự nắm bắt tư duy, bản chất của Lean nên khi triển khai chỉ mang tính hình thức, thiếu chuẩn bị trong việc quản trị hoặc chỉ tập trung vào việc tinh giản chi phí bằng việc cắt giảm nhân sự. Khá phổ biến ở Việt Nam là việc doanh nghiệp ứng dụng Lean theo phong trào nên việc triển khai chưa tới nơi tới chốn hoặc sao chép một cách máy móc từ doanh nghiệp khác mà không thay đổi cho phù hợp với đặc điểm tình hình doanh nghiệp mình”.

Ông Đặng Hoàng Vũ - Quản lý điều hành tại Spiral Consulting với hơn 10 năm kinh nghiệm ứng dụng mô hình này nói: “Nhắc tới Lean, hầu hết các công ty đều mong muốn về một môi trường mới đẹp hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, hiệu quả lại không như mong đợi do yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Không ít doanh nghiệp thiếu sự kiên trì, không đặt ra mục tiêu từng giai đoạn nên không đạt kết quả. Đôi khi doanh nghiệp có đặt ra mục tiêu nhưng không cụ thể, thiếu sự cam kết, sự quyết tâm từ ban lãnh đạo doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp thì đội ngũ triển khai mỏng về số lượng và yếu chuyên môn, phương pháp triển khai mang nặng tính lý thuyết”.

Hòa Lê (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang