"Ném đá" thích hơn !

author 07:23 21/02/2013

(VietQ.vn) - Các bạn trẻ ở cộng đồng mạng dường như thích "ném đá", thích phê phán hơn là góp ý xây dựng đất nước.

Những Bộ trưởng hay lắng nghe...

Dự án 13 nghìn tỷ của Bộ KHCN để đào tạo nhân tài, thúc đẩy KHCN nước nhà phát triển chắc chắn không "hot" bằng chuyện "Tứ đại ngu" của hai đại biểu Quốc hội là Dương Trung Quốc và Hoàng Hữu Phước trên truyền thông.

Ném đá bao giờ cũng dễ dàng hơn xây dựng. Ảnh: LĐ
Ném đá bao giờ cũng dễ dàng hơn xây dựng. Ảnh: LĐ

Người ta thích thú, người ta khoái chí "còm men" trên facebook, trên báo điện tử; rồi hồi hộp chờ đón phần 2, phần 3...của "cuộc chiến" mà truyền thông có vai trò quan trọng "thổi bùng lửa"...

Còn nhớ, hồi Bộ Công an ra Quy định phạt xe không chính chủ năm 2012, nhiều người dân đã "nhảy cẫng lên" phản ứng. Những từ "mỹ miều" nhất được "ném đá" cho các cơ quan công quyền, cho những người soạn luật.

Nhưng như nhận xét của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, TS Vũ Đức Đam: Nhiều quy định khi xin ý kiến của người dân thì ít thấy phát biểu, nhưng khi đi vào thực hiện lại thấy ý kiến...

Ít ai biết, vị lãnh đạo Văn phòng Chính phủ này xuất thân từ gia đình nông dân, nên lúc nào, ông cũng muốn lắng nghe tiếng nói từ quần chúng, từ những con người yếu thế nhất xã hội. 

Hôm trả lời VTV trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" xong, ông vẫn còn "lăn tăn" vì đã dùng những cụm từ như "lạm phát", "CPI" mà không phải là những lời giải thích dễ hiểu hơn, cho bà con nông dân rõ ý. Nhiều câu hỏi phóng viên gửi tới Chính phủ, vị lãnh đạo từng là nhà khoa học về công nghệ thông tin vẫn trân trọng cảm ơn và chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết sớm...

Những người lãnh đạo biết lắng nghe như Bộ trưởng Vũ Đức Đam không phải là hiếm.

Hồi Thanh tra Bộ KHCN công bố kết luận về vi phạm xăng dầu, chúng tôi đã góp ý với Bộ trưởng KHCN, đề nghị lần sau phải công khai các cây xăng vi phạm, chứ không chỉ thông báo về số tiền phạt là bao nhiêu, vì đó không phải là thông tin mà dân cần.

Trong cuộc họp sau đó, người đứng đầu ngành KHCN đã yêu cầu Thanh tra Bộ chỉ đạo các địa phương phải thực hiện điều đó ngay...

Những người thích...ném đá

"KHCN Việt Nam lạc hậu. Nhà khoa học Việt Nam chả làm được cái gì. Làm khoa học thì chết đói..." - người ta không khó để nghe những ý kiến rêu rao kiểu như vậy. Nhưng nếu hỏi kỹ về căn cứ, cách khắc phục tình hình...thì không phải ai cũng trả lời được.

Đã từng có tòa soạn đăng bài báo, đại ý nói rằng, số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học nước ta chỉ bằng 1/5 số lượng từ Thái Lan (14.594 bài trong cùng thời gian), 1/3 Malaysia ), 1/14 Singapore, ít hơn Indonesia (4.389 bài) và Philippines (3.901 bài)...

Nhưng dữ liệu trên lấy ở đâu, có uy tín và chính xác không...thì rất tiếc, tờ báo lại "quên" không làm rõ cho độc giả. Ngay cả nhà khoa học đó có hiểu rõ về KHCN của Việt Nam hay không, có biết đến những khó khăn về kinh phí khi những người làm nghiên cứu nước nhà muốn gửi tới các tạp chí chuyên nghành bên Tây....?

Thế là người ta lại..."ném đá", rằng nhà khoa học không bằng nông dân, không phát minh được cái gì có giá trị, toàn nghiên cứu xong rồi nhét vào ngăn kéo...

Ít ai chịu tìm hiểu về những thành tựu của KHCN Việt Nam hiện nay, như tăng năng suất lúa, làm giàn khoan dầu trên biển, chế tạo thành công thiết bị nâng hạ siêu trường - siêu trọng, đưa thủy điện Sơn La về đích sớm...

Ít ai biết các nhà khoa học đã đem lại biết bao giá trị gia tăng cho các nông sản, sản phẩm công nghiệp của Việt Nam, nhưng phần thưởng có khi chưa bằng 1% tiền công mà một ca sĩ được trả.

Rồi đến hôm nay, sau biết bao kiến nghị của các nhà khoa học về chế độ đãi ngộ, Bộ KHCN đã soạn thảo đề án xin 13 nghìn tỷ ngân sách, để bồi dưỡng và đãi ngộ nhân tài, thì nhiều người lại tỏ ra hờ hững.

PV Chất lượng Việt Nam đã gửi đường link bài viết xin ý kiến người dân về Đề án này, trên nhiều trang mạng, diễn đàn...nhưng đại đa số nhận được sự im lặng, hoặc những lời quá khích, thiếu xây dựng.

Hy vọng, đó không phải là đại diện của cộng đồng người Việt Nam trên toàn cầu.

Hy vọng, những bàn tay kiến thiết, những bàn tay xây dựng của người Việt lúc nào cũng nhiều hơn những bàn tay thích "ném đá", để đưa nước nhà tiến xa và nhanh hơn.

Hoàng Tuân

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang