Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất: Rút ngắn con đường đến thành công

authorHòa Lê 06:16 13/05/2019

(VietQ.vn) - Cách mạng công nghiệp 4.0 buộc doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh, tổ chức, quản trị và văn hóa kinh doanh.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay cách mạng 4.0 được kỳ vọng sẽ trở thành động lực cho sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp. Vì thế, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý đều nỗ lực để doanh nghiệp có thể chuyển mình, bắt kịp xu thế thời đại.

Tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã đầu tư dây chuyền tự động hóa một số khâu trong quá trình sản xuất. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, trong 2 - 3 năm trở lại đây, đơn vị đã đầu tư hệ thống cân đóng bao; thiết bị điều khiển ép; máy ly tâm tự động; hệ thống điều khiển lò hơi; hệ thống điện tại nhà máy điện sinh khối… Việc tự động hóa đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Theo báo cáo của đơn vị, trong tổng số 48.416 tấn đường kính trắng niên vụ 2017 - 2018, đường chất lượng cao đạt 21.144 tấn; đường loại 1 đạt 25.602 tấn… Bên cạnh việc đầu tư cho dây chuyền sản xuất, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng quy trình cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với từng địa bàn để giảm nhanh lao động thủ công; xây dựng các mô hình tưới tiên tiến, tưới chủ động tại các vùng trọng điểm ở Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và Chiêm Hóa…

Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất: Rút ngắn con đường đến thành công

 Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã đầu tư dây chuyền tự động hóa một số khâu trong quá trình sản xuất

Hay tại Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Viên Châu - một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch lớn và lâu năm của tỉnh, vốn có truyền thống về sử dụng lao động thủ công cũng đã bắt nhịp với tự động hóa trong một số khâu sản xuất. Bà Phạm Thị An, Phó Giám đốc Công ty cho biết, để giảm bớt số lượng lao động làm việc, nâng cao năng suất lao động, Công ty đã đầu tư máy nâng, đầu kéo palet hỗ trợ tạo hình, vận chuyển gạch mộc, bốc xếp sản phẩm… Từ khi đầu tư máy nâng xếp tự động, năng suất lao động tăng lên trên 30%, số lượng lao động trong khâu này giảm hơn 20 người. Tuy nhiên, theo bà An, việc tiếp cận các công nghệ hiện đại tại đơn vị hiện vẫn còn hạn chế do tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp chưa đủ mạnh.

Theo ông Hoàng Vĩnh Trường – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An hiện có gần 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động, việc doanh nghiệp quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ cốt lõi của công nghiệp 4.0 vào điều hành và quản lý doanh nghiệp là chưa nhiều. Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang diễn ra ở mọi lĩnh vực, mọi nơi và đang tạo ra sự đột phá cho doanh nghiệp. Vậy nên, doanh nghiệp Nghệ An cần chủ động hơn nữa nắm bắt cơ hội, nếu không sẽ bị tụt hậu trong hội nhập quốc tế.

Rút ngắn con đường đến thành công

Theo bà Nguyễn Hương Giang, đại diện Chi nhánh VCCI Nghệ An khẳng định, cuộc CMCN sẽ là cách ngắn nhất đưa nhân loại đi lên con đường hiện đại và thịnh vượng, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tại các quốc gia, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. “Để doanh nghiệp tiếp cận với CMCN lần thứ tư này cần phải có sự hỗ trợ, tiếp sức từ phía chính quyền bằng những chính sách, lộ trình cụ thể nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh và hội nhập quốc tế”, bà Giang nhấn mạnh.

Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất: Rút ngắn con đường đến thành công

 Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang diễn ra ở mọi lĩnh vực, mọi nơi và đang tạo ra sự đột phá cho doanh nghiệp

Còn theo ông Đỗ Khắc Cương – Giám đốc phụ trách Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Microsoft Việt Nam cho biết, nếu cuộc CMCN 3.0 về máy tính và Internet đã thực sự thay đổi thế giới thì Cách mạng 4.0 lại là cuộc Cách mạng về Kỹ thuật số (Digital) mà những yếu tố cốt lõi của nó chính là: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Với các công cụ của Microsoft, “văn phòng” làm việc giờ đây nằm trọn trong chính chiếc điện thoại smart phone vừa lọt thỏm trong lòng bàn tay, và nhân viên sẽ không cần thiết phải có mặt tại văn phòng mới có thể xử lý được công việc của mình, tiết kiệm được thời gian đáng kể.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang