Nếu không thấy xác nạn nhân thẩm mỹ viện, khi nào "xử" Nguyễn Mạnh Tường?

author 06:52 02/11/2013

(VietQ.vn) - "Trong trường hợp không tìm thấy xác nạn nhân thì phải mất ít nhất 05 năm mới có thể xét xử được bị can về tội danh xâm phạm tính mạng", Luật sư Hoàng Văn Thạch phân tích.

 

 

Xung quanh câu chuyện khởi tố tội danh của Công an Hà Nội đối với bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường)  người ném xác phi tang chị Lê Thị Thanh Huyền, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Thạch (Văn phòng Luật sư Trí Minh, Hà Nội)

Thưa ông, mới đây cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố 2 tội danh đối với bác sỹ Tường trong khi chưa tìm thấy xác nạn nhân là chị Lê Thị Thanh Huyền. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

LS Hoàng Văn Thạch: Nếu trong một vụ án mà bị can  có dấu hiệu phạm vào một trong các tội danh xâm phạm tính mạng của người khác nói chung (giết người, vô ý làm chết người….) mà không tìm thấy xác nạn nhân thì lúc này chứng cứ để khẳng định nạn nhân đã chết chỉ có thể là lời khai của bị can hoặc các nhân chứng.

Tuy nhiên các lời khai này cũng chỉ có thể xác nhận nạn nhân đã chết thông qua mắt thường, đôi khi đó có chỉ là trang thái hôn mê hay chết lâm sàng. Những trường hợp này cần phải có sự giám định y khoa mới có thể khẳng định được nạn nhân đã chết chắc hay chưa? Mà nếu không tìm thấy xác thì không có đủ cơ sở để khẳng định nạn nhân đã chết.

Luật sư Hoàng Văn Thạch trả lời cơ quan báo chí

Vì không thể khẳng định được nạn nhân đã chết nên mọi lời nhận tội của bị can đều không đủ cơ sở để khẳng định lời khai, lời nhận tội đó phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Do vậy theo quy định tại Khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự thì lời nhận tội của bị can không thể coi là chứng cứ. Còn lời khai của nhân chứng thì không đủ cơ sở như đã phân tích.

Lúc này nếu không tìm thấy xác nạn nhân thì chỉ có thể khởi tố tội danh theo nhận định ban đầu để điều tra làm rõ. Còn chưa thể truy tố cũng như xét xử bị cáo về tội danh đó được.

Vậy nếu cơ quan chức năng không tìm thấy xác nạn nhân thì phải đảm bảo điều kiện gì mới có thể truy tố và xét xử đối tượng Nguyễn Mạnh Tường và những người có liên quan trong vụ án này?

Trường hợp chưa tìm thấy xác nạn nhân thì cũng đồng nghĩa với việc không có tin tức gì về nạn nhân. Lúc này cơ quan điều tra cần hướng dẫn người thân của nạn nhân làm thủ tục tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Sau 02 năm nếu vẫn không có tin tức gì thì tiếp tục làm thủ tục tuyên bố người đó mất tích.

Sau 03 năm kể từ ngày tuyên bố người đó mất tích mà vẫn không có tin tức gì thì làm thủ tục tuyên bố người đó đã chết (hoặc có thể không qua thủ tục tuyên bố mất tích nhưng phải đợi 06 năm kể từ ngày người đó biệt tích – tức ngày có tin tức cuối cùng của nạn nhân). Sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó đã chết thì lúc này quyết định của Tòa án là văn bản pháp lý chứng minh nạn nhân là đã chết, viện kiểm sát sẽ ra quyết định truy tố bị can về tội danh tương ứng với cách hành vi của bị can mà cơ quan điều tra xác định được và Tòa án xét xử bị cáo về tội danh này.

Như vậy có thể thấy trong trường hợp không tìm thấy xác nạn nhân thì phải mất ít nhất 05 năm mới có thể xét xử được bị can về tội danh xâm phạm tính mạng.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm là thời gian 05 năm quá dài, trong khi thời hạn điều tra tối đa theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) cũng chỉ có 20 tháng. Hết 20 tháng mà vẫn chưa tìm được xác nạn nhân thì cơ quan điều tra đình chỉ vụ án. Khi nào Tòa án ra quyết định tuyên bố nạn nhân đã chết thì cơ quan điều tra có quyền phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 165 BLTTHS.

Nếu sau khi Tòa án tuyên bố người đó đã chết, bị cáo cũng bị xét xử về tội danh tương ứng và bản án đã có hiệu lực mà nạn nhân còn sống trở về thì sao?.

Trong trường hợp này thì sự trở về của nạn nhân có thể coi là tính tiết mới làm cho việc giải quyết vụ án không đúng, làm thay đổi cơ bản nội dung bản án và bản án sẽ được kháng nghị và xem xét lại theo thủ tục tái thẩm. Bản án sẽ bị hủy để điều tra, xét xử lại hoặc đình chỉ (nếu bị cáo đã chết). Khi xét xử lại thì tùy vào các hành vi của bị can mà có thể chuyển tội danh hoặc vẫn giữ nguyên tội danh cho bị can (nhưng ở mức hình phạt thấp hơn).

Các cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp này cũng có thể không phải bồi thường cho bị cáo. Vì: Nếu bị cáo không làm chết nạn nhân nhưng cố ý khai là như vậy để che dấu một tội phạm khác hoặc để nhận tội thay người khác thì được coi là bị cáo đã cố tình khai báo gian dối và theo quy định tại Điều 27 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà Nước thì đây không thuộc trường hợp được bồi thường. Trường hợp nạn nhân chưa chết nằm ngoài ý chí chủ quan của bị cáo mà khi nạn nhân còn sống trở về dẫn đến phải chuyển tội danh cho bị cáo sang tội danh khác nhẹ hơn thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường cho bị cáo theo quy định chung.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi

Trả lời báo chí bên lề kì họp Quốc hội, Giám đốc công an Hà Nội, Nguyễn Đức Chung khẳng định cơ quan điều tra không bỏ cuộc. Hiện vẫn có 10 thợ lặn tìm kiếm xác chị Huyền dọc từ đầu cầu Thanh Trì (Hà Nội) đến cầu Yên Lệnh (Hưng Yên).

Tướng Chung nhận định, đủ cơ sở để tin rằng chị Huyền đã bị ném xuống sông theo lời khai của nghi can Tường. "Chúng tôi có nhân chứng về việc này", ông nói.

Người đứng đầu Công an Hà Nội cho biết, không còn cách nào khác tìm xác nạn nhân ngoài biện pháp mò lặn, thả câu. “Chúng tôi quyết bằng mọi giá phải tìm được xác nạn nhân”, tướng Chung khẳng định.

Ông cho hay theo tổng kết kỹ thuật hình sự thế giới, với người chết đuối thường 5-7 ngày xác sẽ nổi lên, điều này tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nóng hay lạnh. Tuy nhiên, với những trường hợp xác bị ném, có thể phải từ 18 đến 25 ngày mới nổi.

Theo một số chuyên gia luật hình sự, tài liệu, chứng cứ của vụ án đủ cơ sở để xác định bị can đã phạm tội Giết người. Do đó, việc phải tìm thấy thi thể nạn nhân không còn là điều kiện bắt buộc. 

Trao đổi với phóng viên báo Nguoiduatin luật gia Giang Văn Quyết, chi hội luật gia Đông Đô, Thành hội luật gia Hà Nội cho biết: "Việc cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội khởi tố ông Nguyễn Mạnh Tường hai tội danh Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật hình sự) và hành vi xâm phạm thi thể (Điều 246 Bộ luật hình sự) có thể chưa làm “vừa lòng” nhiều người. Tuy nhiên, hiện tại cũng rất khó để kết luận bác sỹ Tường có dấu hiệu của một tội danh khác. Việc khởi tố một người về tội danh Giết người thì phải có đủ căn cứ về cả mặt động cơ, mục đích, hậu quả thực tế xảy ra cũng như những chứng cứ thuyết phục. Việc cơ quan điều tra thay đổi tội danh khởi tố đối với hành vi của bác sỹ Tường như hiện tại là hợp lý”.

Riêng đối với bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường, Đào Quang Khánh (sinh năm 1996), luật gia Giang Văn Quyết chia sẻ: Mức án cao nhất của tội Xâm phạm thi thể là 5 năm tù, tuy nhiên do khi bị bắt Khánh chưa đủ 18 tuổi vì vậy theo quy định tại khoản 1, Điều 74 Bộ luật hình sự thì khung hình phạt mà đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi này sẽ "không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định".

"Như vậy mức phạt cao nhất mà Khánh có thể phải đối mặt là 3 năm, 7 tháng tù giam. Tuy nhiên, nếu bị kết tội Xâm phạm thi thể Khánh có thể được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ khác và mức án có thể nhẹ hơn.", Luật gia Quyết cho biết thêm

 

 

 

 


 

Tuyết Sơn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang