Người tiêu dùng Việt chi tiền triệu ăn trái cây ngoại còn trái cây trong nước thì sao?

authorHoàng Dương 15:15 10/06/2017

(VietQ.vn) - Nhiều người tiêu dùng Việt đang bỏ ra cả vài trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng mua 1kg trái cây ngoại về ăn. Trong khi đó, trái cây trong nước chỉ vài chục nghìn đồng một kilogam nhưng chất lượng không hề kém cạnh.

Sự kiện: tin tức thị trường

Theo thông tin trên báo Thanh niên, giá của một hộp nho đen không hạt Nhật Bản trọng lượng chưa tới 400gr được bán giá 1,04 triệu đồng, tức hơn 2 triệu đồng/kg. Hộp dâu tây Hàn Quốc 250gr, ngọt lịm, có chút vị chua thanh thanh, giá bán 250.000 đồng, tức 1 triệu đồng/kg. Dâu bạch tuyết Nhật giá trên 3 triệu đồng/kg... Cherry Mỹ được giới thiệu là hàng tuyển, quả lớn, mọng nước giá 619.000 - 750.000 đồng/kg. Một ký cà chua thân gỗ, tùy nơi hét giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/kg, nhưng phải đặt hàng trước cả tuần mới có... Tất cả những sản phẩm này đang được bán tại một số vựa trái cây ngoại tại TP.HCM và được giới khách hàng “sành ăn” yêu chuộng.

Theo thông tin bài báo, lâu nay, trái cây ngoại thống trị trong các siêu thị. Những quầy kệ đẹp nhất, vị trí bắt mắt nhất... là dành cho trái cây ngoại. Nếu trước kia, trái cây ngoại phổ biến là nho, táo, kiwi... thì bây giờ, từ trái thơm, dừa, chuối... những trái cây "lề đường" ở Việt Nam cũng có nhưng được ngoại nhập và bán rất chạy.

Đặc biệt, giá trái cây ngoại ngày càng rẻ và chủng loại ngày càng phong phú. Riêng táo cũng đến hàng chục loại, nhập ở nhiều nước như Mỹ, New Zealand, Nam Phi, Úc, Pháp; Nho, lê... cũng tương tự và liên tục có các chương trình giảm giá. Một số loại có giá ngang trong nước khiến "cây nhà lá vườn" ế ẩm. Nay lại thêm trái cây siêu đắt nhập về khiến trái cây ngoại gần như tấn công vào mọi ngóc ngách thị trường.

Đánh giá về chuyện này, một chuyên gia nông nghiệp cho rằng sở dĩ ngày càng nhiều người sẵn lòng móc hầu bao cho trái cây ngoại nhập, kể cả các loại siêu đắt như nói trên, vì lo ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. "Một vấn đề nữa là chất lượng. Lâu nay chúng ta cứ nói trái cây nội ngon, điều này không sai nhưng trái cây ngoại cũng không dở, thậm chí ngon hơn. Đặc biệt, chất lượng của họ đồng đều. Rất ít có chuyện hôm nay trái táo này ngọt, mai lại nhạt. Hôm nay trái to, mai trái nhỏ như ở ta", chuyên gia này nói.

Cũng theo vị này, nếu không khắc phục được cả vấn đề chất lượng, mẫu mã, chủng loại và đặc biệt gây dựng lại lòng tin về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với người tiêu dùng thì người Việt ngày càng "quay lưng" với trái cây nội.

Người tiêu dùng Việt chi tiền triệu ăn trái cây ngoại quay lưng với trái cây trong nước

Nhiều loại trái cây cao cấp nhập ngoại giá "sang chảnh" đang được nhiều người Việt mua dùng - Ảnh báo Thanh niên. 

Nói về trái cây trong nước, báo Kinh doanh và Pháp luật cho rằng, trong khi các doanh nghiệp trái cây ở trong nước đang nỗ lực thúc đẩy trái cây của Việt Nam ra thị trường quốc tế thì người tiêu dùng lại quay lưng với trái cây trong nước.

Theo bài báo, do nằm ở nước nhiệt đới, nên trái cây của Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Trong nhiều năm qua, trái cây của Việt Nam cũng đang dần từng bước và đã khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận trong khi các doanh nghiệp trái cây ở trong nước đang nỗ lực thúc đẩy trái cây của Việt Nam ra thị trường các nước trong khu vực và trên thị trường quốc tế thì người tiêu dùng Việt lại săn đón trái cây ngoại. Theo nhiều chuyên gia, ngoài yếu tố tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt còn có nguyên nhân của nội tại trong việc sản xuất, quảng bá thương hiệu trái cây….

Lý giải về việc trái cây ngoại nhập lấn chiếm thị trường như hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhung, Hội làm vườn Việt Nam cho hay, nhìn một cách tổng thể, trái cây Việt Nam còn hạn chế rất nhiều ngay từ khâu chăm bón, thu hoạch, vận chuyển, tiếp thị và quảng bá. Nếu như trái cây ngoại được bảo quản kỹ lưỡng, đóng thùng và được bảo quản ở môi trường lạnh để giữ độ tươi thì trái cây nội sau khi thu hái xong chủ đựng trong các sọt tre, bảo quản sơ sài, khi đến tay người tiêu dùng thì đa phần đã bị dập nát, trong khi đó trái cây ngoại thường được bảo quản tốt, chiếm những vị trí đắc địa trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thì việc trái cây nội bị “đẩy” ra lề đường đổ thành sọt, thành đống được bán với giá rẻ mạt là điều dễ hiểu. Chính vì thế, việc trái cây ngoại “lấn lướt” trái cây nội trên thị trường là điều dễ hiểu.

Người tiêu dùng Việt chi tiền triệu ăn trái cây ngoại quay lưng với trái cây trong nước

 Người tiêu dùng Việt chi tiền triệu ăn trái cây ngoại quay lưng với trái cây trong nước - Ảnh báo Kinh doanh và Pháp luật.

Với dân số 90 triệu dân, nếu biết khai thác tốt mạng lưới tiêu thụ thì đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ vì xét về chất lượng, nhiều loại trái cây Việt còn nổi trội hơn trái cây ngoại. Thiệt thòi lớn cho trái cây trong nước chính là khâu quảng bá chưa được quan tâm đầu tư; bên cạnh đó, quy trình sản xuất còn nhiều hạn chế. Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp, sinh học Việt Nam thì cho rằng tại các quốc gia như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,… hầu hết trái cây đều được sử dụng chất bảo quản trong quá trình trồng hoặc sau thu hoạch. Điều quan trọng chính là chất bảo quản đó đều có nguồn gốc sinh học, an toàn với người sử dụng. Đặc biệt, nông dân ở các nước đó tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và sản phẩm được kiểm nghiệm chặt chẽ ở tất cả các khâu...

Để nâng cao tính cạnh tranh và khẳng định lại vị thế tại thị trường trong nước, ngành sản xuất trái cây cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây chia sẻ, để có một dự án phát triển công nghệ bảo quản trái cây, cần đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Với mức đầu tư này sẽ có rất ít doanh nghiệp có nguồn lực để triển khai. Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác khiến nhà đầu tư "chùn bước" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trái cây. Bởi vậy, mong Nhà nước, các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, đầu tư hệ thống máy móc trong chế biến và bảo quản; cùng với đó, có sự bảo trợ cho các hoạt động: Tổ chức hội chợ, xúc tiến đầu tư, chú trọng quảng bá, giới thiệu trái cây Việt tới người tiêu dùng nhằm trước hết khai thác tiềm năng thị trường trong nước và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu...

Hoàng Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang