Nhà máy đạm Ninh Bình sống 'lay lắt', sẽ bị ‘sờ gáy’ ngay trong tháng 6

author 06:32 07/06/2016

(VietQ.vn) - Bị tồn đọng rất lớn trong hoạt động điều hành sản xuất, làm ảnh hưởng đến Tập đoàn Hóa chất, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ bị thanh tra gấp trong tháng 6.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Tại cuộc họp giao ban trực tuyến vừa tổ chức.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thực trạng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của phân bón là vấn đề lớn cần lưu ý. Hiện Nhà máy đạm Ninh Bình đang gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ sản xuất đạm từ than, cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Hóa chất phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẩn trương đánh giá lại hiệu quả công nghệ sử dụng của hai nhà máy đạm là đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc, để từ đó tính toán và đưa ra dự báo về sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Riêng về nhà máy đạm Ninh Bình, Bộ Trưởng Bộ Công Thương cho biết đã có quyết định thanh tra nhà máy này.

“Nhà máy đạm Ninh Bình đã hoàn thành phần đầu tư xây dựng dự kiến, nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán nên trở thành tồn đọng rất lớn trong hoạt động điều hành sản xuất, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Vì vậy, thanh tra Bộ cần nhanh chóng để sớm có kết luận và đưa ra định hướng. Qua đó, giải quyết dứt điểm khâu đầu tư vào dự án, cũng như phát triển các nhà máy đạm”, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Nhà máy đạm Ninh Bình sống 'lay lắt', sẽ bị ‘sờ gáy’ ngay trong tháng 6Nhà máy đạm Ninh Bình sống 'lay lắt', sẽ bị ‘sờ gáy’ ngay trong tháng 6

Ngoài những vấn đề trên, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Cục Hóa chất và Tập đoàn Hóa chất chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường, xây dựng kế hoạch về đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng phân bón, hóa chất nhằm ổn định thị trường. Cùng với đó, các đơn vị phải chủ động kế hoạch phối hợp và lên phương án trình Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về vấn đề đấu tranh chống buôn lậu về phân bón giả.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khẩn trương rà soát các tồn tại của Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, chủ động đàm phán thanh lý Hợp đồng với nhà thầu EPC. Tuy nhiên, đến nay, việc quyết toán và bàn giao vẫn chưa xong.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem là chủ đầu tư có quy mô công suất 560.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 667 triệu USD, đặt tại Khu công nghiệp Ninh Phúc (Ninh Bình).

Dự án này sử dụng 100 triệu USD vốn tự có của Vinachem, 4,4 triệu USD vốn hỗ trợ của UBND tỉnh Ninh Bình, 250 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc và 312,6 triệu USD vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại.

Tổng thầu EPC của Dự án là China Huanqiu Contracting & Engineer Corp (HQCEC) của Trung Quốc. Trị giá hợp đồng EPC này là 88,8 triệu USD, cùng 17,512 triệu euro, 2.552 triệu nhân dân tệ và 752,55 tỷ đồng.

Bé sơ sinh bị mổ trúng đầu hiện đang rất yếu(VietQ.vn) - Sau 20 ngày sau ca mổ bắt ra khỏi bụng mẹ, bé sơ sinh bị mổ trúng đầu vẫn đang được nuôi dưỡng trong lồng ấp trong tình trạng sức khỏe rất yếu.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình sử dụng một số công nghệ, thiết bị tiên tiến của các nhà bản quyền lớn trên thế giới, như công nghệ khí hóa của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linde (Đức), công nghệ tổng hợp amoniac của Topsoe (Đan Mạch), công nghệ tổng hợp urea của Snamprogetti (Italy), công nghệ phân ly không khí của Air Liquide (Pháp).

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 1/2008, Dự án đã khởi công xây dựng vào tháng 5/2008, với kế hoạch hoàn thành xây dựng sau 42 tháng thi công.

Theo tính toán, sau khi hoàn thành vào giữa năm 2011, Nhà máy sẽ đạt sản lượng 1.760 tấn urea/ngày. Tuy nhiên, đến ngày 30/3/2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn phân đạm đầu tiên và vận hành thương mại từ ngày 15/10/2012.

Nhưng khi đi vào vận hành thương mại, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tháng 5/2014, Vinachem đã phải có văn bản cầu cứu các cơ quan hữu trách nhằm hỗ trợ hoạt động của Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Mới đây, nhà máy đã cho 400 công nhân tạm nghỉ việc (trong tổng số 1.000 cán bộ, công nhân). Như vậy, được đầu tư xây dựng với tổng số vốn 667 triệu USD, sau 4 năm hoạt động Nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang