Nỗi sợ hãi mang tên tội phạm công nghệ cao

author 06:08 13/08/2013

(VietQ.vn) - Sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng...tội phạm công nghệ cao đã chiếm đoạt thành công hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi đã xâm phạm đến các lĩnh vực an ninh quốc gia, hình sự, kinh tế nước nhà.

Cùng quan điểm đó Đại tá Mai Tiến Dũng, Phó Chánh văn phòng Interpol Việt Nam, tính riêng trong năm 2012 đã có hơn 2.000 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị tấn công, chủ yếu thông qua các lỗ hổng trên hệ thống mạng. Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam cho biết, năm 2012, Việt Nam xếp thứ 15 về lượng phát tán mã độc, thứ 10 về tin rác, thứ 15 về zombie (máy tính bị mất kiểm soát). Công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao (TPSDCNC) diễn ra hằng ngày, hằng giờ và nhiều cam go.

Phá băng nhóm lừa đảo lên đến 6.000 tỷ đồng

Ngày 1/6, nguồn tin C50 thuộc Bộ Công an cho biết cơ quan điều tra tiến hành mở rộng vụ án, tiếp tục truy bắt những đối tượng liên quan trong đường dây tội phạm công nghệ cao và tổ chức cá độ bóng đá, lô đề cực lớn. Theo C50, đường dây này rất phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, có cả người nước ngoài, và địa bàn hoạt động trên toàn cầu. 
 
Hai đối tượng liên quan đến vụ án
Hai đối tượng liên quan đến vụ án
 
Theo điều tra ban đầu, băng nhóm người Việt cấu kết với tội phạm quốc tế để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của nhiều cá nhân, tổ chức kinh tế khắp nơi trên thế giới. Hành vi nhóm này thực hiện diễn ra trong khoảng hơn 2 năm và số tiền chiếm đoạt cực lớn (ước tính hơn 6.000 tỷ đồng).
 
Thủ đoạn của băng nhóm này là dùng công nghệ cao để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của các cá nhân, tổ chức thương mại trên khắp thế giới. Sau đó thông qua mạng rao bán thông tin thẻ tín dụng đánh cắp được cho người khác, chủ yếu là hacker.
 
Băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia này đã hoạt động được nhiều năm. Cách đây 2 năm, cảnh sát của Anh, Mỹ và Việt Nam phối hợp mở cuộc điều tra, đến nay mới phá được các mắt xích quan trọng. Trước những bằng chứng cơ quan công an đưa ra, 8 người bị bắt giữ đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
 
Bắt nghi phạm sử dụng công nghệ cao trộm tiền trong tài khoản cá nhân
 
Ngày 10/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) thực hiện lệnh bắt tạm giam Đinh Xuân Lợi (32 tuổi, trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa). Lệnh khám nhà nghi can cũng đã được thực thi.
 
Lợi bị công an bắt giữ
Lợi bị công an bắt giữ
 
Trước đó hồi tháng 7, Lợi đã cùng đồng phạm dùng CMND giả, sau đó đến các đại lý yêu cầu nhân viên nhà mạng thay đổi thông tin thuê bao rồi thực hiện hành vi 'cướp sim'. Có trong tay số điện thoại di động, chúng dùng mã số thẻ ngân hàng (OTP) của chủ thuê bao rồi thực hiện các giao dịch mua hàng qua mạng Internet.
 
Ngày 10/5, trong phi vụ thứ nhất, Lợi cùng đồng phạm đã chiếm đoạt 30 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của anh Đặng Thanh Hải (ở quận 6, TP HCM). 5 ngày sau, nhóm này tiếp tục chiếm đoạt gần 75 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của anh Vũ Minh Nhật (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội).
 
Hành trình đánh cắp mã nguồn của một sinh viên công nghệ
 
Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 12-72013, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Quách Công Sơn, (28 tuổi, quê Đăk Lăk) 2 năm tù về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
 
Theo cáo trạng, năm 2008, Quách Công Sơn vào làm việc tại công ty TNHH Hãy Trực Tuyến (chủ quản của website “www.tienganh123.com). Trong quá trình làm việc tại công ty, Sơn được phân công phát triển phần mềm học tiếng Anh trực tuyến.
 
 Tháng 10-2009, chương trình phần mềm bước đầu hoàn thiện và đưa vào sử dụng, các thẻ học tiếng Anh trực tuyến được bán trên mạng internet. Khi viết xong mã thẻ, Sơn gửi các tệp chứa mã thẻ học tiếng Anh cho công ty qua hộp thư điện tử. Gửi xong Sơn không xóa cơ sở dữ liệu trong hộp thư của mình mà nảy sinh ý định trộm cắp các mã thẻ học tiếng Anh đem bán.
 
Để thực hiện ý định, Sơn dung cơ sở dữ liệu của website  www.tienganh123.com khai thác mã thẻ còn lưu trong hộp thư của mình để lọc ra khoảng 250 mã thẻ chưa bán. Tháng 1-2012, Sơn nghỉ việc ở công ty và trộm cắp bộ mã nguồn của trang web, sao chụp trộm cơ sở dữ liệu. Sau đó, Sơn vẫn tiếp tục truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu của công ty TNHH Hãy Trực Tuyến trộm cắp số mã thẻ do công ty tự phát triển, chiếm đoạt khoảng 1000 mã thẻ cào chưa bán để rao bán trên mạng.Sơn khai, từ tháng 4-2012 đến tháng 8-2012, Sơn đã bán cho khách khoảng 320 thẻ học tiếng Anh của Cty TNHH Hãy Trực Tuyến và chiếm đoạt khoảng 48 triệu đồng.
 
Cảnh sát công nghệ cao và cuộc săn tìm “tội phạm tàng hình”
 
Vụ đấu tranh với đường dây tội phạm cá độ bóng đá xuyên quốc gia do Phạm Văn Cường (Cường “tỉnh”), 39 tuổi, trú ở phố Lý Đạo Thành, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đã kết thúc tốt đẹp, để có được thành tích đó lực lượng Cảnh sát công nghệ cao cũng đã tốn nhiều công sức, trí tuệ…
 
Nhiều tháng trời, các trinh sát Cục C50 cũng phải lần theo dấu vết đối tượng, thu thập mọi tài liệu chứng cứ về hành vi phạm tội của chúng, cũng lăn lộn Hà Nội - Bắc Ninh không quản ngày đêm.
 
 Hôm tổ chức phá án, trinh sát Cục C50 phải triển khai quân từ 3h sáng để lắp đặt các thiết bị nghiệp vụ, bởi các anh hiểu rằng, trong việc phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì việc thu được chứng cứ điện tử là quan trọng nhất.
 
Chính vì vậy, nếu không bắt quả tang, khống chế ngay được đối tượng, chúng sẽ tắt máy, xóa dấu vết, việc củng cố chứng cứ sẽ gặp nhiều khó khăn. Cùng với việc bắt Cường, các mũi trinh sát khác đã đồng loạt bắt 6 đối tượng.
 
Không chỉ lực lượng Cảnh sát, Cục An ninh thông tin, truyền thông (A87) Tổng cục An ninh 2 Bộ Công an được thành lập ngày 15/1/2010 đã góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh với loại tội phạm tàng hình này. Ít ai biết rằng, mỗi lần có vụ việc phát sinh, các trinh sát Cục A87 lại lên đường, bước vào cuộc chiến thầm lặng nhưng quyết liệt trên mạng để tìm những hacker giấu mặt.
 
Bắt nhóm người Trung Quốc dùng công nghệ cao lừa đảo
 
Sáng 6-12-2012, Công an TP.HCM đã bắt giữ tổng cộng 52 người, chủ yếu mang quốc tịch Trung Quốc, để làm rõ về hành vi sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo xuyên quốc gia.
 
Thời điểm trên, hơn 50 cảnh sát thuộc các lực lượng Công an TP.HCM đã ập vào 2 căn biệt thự ở đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, bắt quả tang, tạm giữ 52 người, chủ yếu mang quốc tịch Trung Quốc, đang sử dụng công nghệ cao để lừa đảo. Công an cũng thu giữ 21 máy tính xách tay, 18 modem internet, 58 voice IP, 77 điện thoại bàn, 25 ĐTDĐ, gần 80 triệu đồng, 6.000 USD, hơn 127.000 NDT, hơn 200 kịch bản sử dụng cho mục đích lừa đảo. 
 
Theo đại diện cơ quan điều tra, nhóm người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam bằng con đường du lịch, chia thành nhiều tổ nhỏ khác nhau. 
 
Nạn nhân chúng nhắm đến cũng là người Trung Quốc đang sinh sống ở Trung Hoa đại lục, Đài Loan hay Hoa kiều ở các nước Đông Nam Á khác. Thủ đoạn là gọi điện đến những người có tiền, có tài khoản ngân hàng, giả là người của cục cảnh sát, thuế vụ, ngân hàng…
 
Theo nhận định của cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, mỗi ngày nhóm lừa đảo quốc tế nói trên thực hiện hàng chục nghìn cuộc gọi lừa đảo, do vậy có thể số lượng nạn nhân và số tiền mà chúng chiếm đoạt được rất lớn.
 
Mai Anh Tuân
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang