Buôn lậu thiết bị điện tử, máy tính xách tay diễn biến phức tạp

author 11:57 13/05/2018

(VietQ.vn) - Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến phức tạp và chủ yếu vào các mặt hàng như ma túy tổng hợp, ô tô, máy tính xách tay, điện thoại, thiết bị âm thanh...

“Nóng” nạn buôn lậu thiết bị điện tử

Theo đó, hàng loạt các vụ việc điển hình liên quan đến nhập lậu điện thoại di động, thiết bị điện tử…. như ngày 27/02/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 1 đối tượng về hành vi nhập khẩu 257 chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng hiệu Samsung Galaxy và iPhone các loại trái quy định của người nhập cảnh. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 1 tỷ 556 triệu đồng.

Trong tháng 3 năm nay, Hải quan Quảng Ninh cũng đã phát hiện và bắt giữ lô điện thoại trị giá 600 triệu đồng nhập lậu vào Việt Nam. Lô hàng này do ông Lê Văn Xô, trú tại phường Hải Hòa, Móng Cái vận chuyển, gồm 128 chiếc smartphone không xuất trình được chứng từ nhập khẩu hợp pháp.

Một vụ khác cũng nổi cộm trong đầu năm, cụ thể là trong tháng 1 năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh và TP.HCM đã phát hiện và bắt giữ lô hàng gần 400 chiếc điện thoại di động không giấy tờ và 1.800 laptop cũ nhập khẩu vào Việt Nam.

Tại Quảng Ninh, hàng hóa vi phạm thu giữ được gồm 398 điện thoại di động hiệu THT phone do Trung Quốc sản xuất mới 100% (trong đó 300 chiếc có pin, không có ốp lưng máy, không sạc; 98 chiếc không có pin; không có ốp lưng máy, không sạc). Trị giá lô hàng ước tính khoảng 74 triệu đồng.

Tại TPHCM, lực lượng chức năng phát hiện công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tin học Nguyên Thảo và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phong Nhi (TP.HCM) có hành vi nhập khẩu hàng cấm, khai khống hàng có trị giá lớn để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Hai lô hàng được doanh nghiệp mở tờ khai hải quan từ ngày 18/12/2017. Trên tờ khai hải quan, công ty Nguyên Thảo khai báo hàng hóa nhập khẩu gồm adaptor vi tính Dell, vỏ máy vi tính, phần mềm quản lý nhân sự, tờ giấy chứa phần mềm, tất cả hàng hóa mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Trị giá lô hàng trên 1,8 triệu USD.

Qua khám xét, lực lượng chức năng phát hiện số lượng hàng không khai báo hải quan lên tới 1.873 máy tính xách tay, 51 ổ cứng, 21 CPU, 2 chiếc iPad. Tất cả đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Hàng khai khống có trị giá lớn gồm phần mềm quản lý nhân sự và phần mềm kế toán trị giá hơn 3,67 triệu USD. Nhưng kết quả kiểm tra thực tế không có hai phần mềm này.

'Nóng' nạn buôn lậu thiết bị điện tử, máy tính xách tay, điện thoại. Ảnh minh họa

Tăng cường giám sát, mạnh tay xử lý hàng hóa vi phạm

Theo Tổng cục Hải quan, từ giữa tháng 12/2017 đến giữa tháng 4/2018, lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 4.518 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 94,2 tỷ đồng.

Qua xử lý vi phạm, hải quan đã đóng góp vào ngân sách 63,8 tỷ đồng, khởi tố 13 vụ án hình sự và chuyển cơ quan điều tra để nghị khởi tố 11 vụ. Đáng chú ý, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tập trung vào các mặt hàng như ma túy tổng hợp, máy tính xách tay, điện thoại, thiết bị âm thanh...Ngoài ra còn có một số mặt hàng vi phạm như ô tô du lịch đã qua sử dụng, xe tải mới, xe đạp...

Cụ thể, tuyến cảng hàng không, bưu điện quốc tế, mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, giá trị cao, dễ cất giấu như điện thoại, ma túy, vàng, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm… Đối tượng là doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu tuyến hàng không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, bưu điện, hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích chuyến đi,…

Ngoài ra, tuyến biển, cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế là những tuyến đường có lưu lượng hàng hóa rất lớn nên cũng dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu bị buôn lậu trên tuyến biển là thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng, xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã…

Nhằm thắt chặt tình hình, trong văn bản mới nhất chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan đề nghị tăng cường quản lý hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam. 

Các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng, đảm bảo tiêu chuẩn định mức miễn thuế hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định. Trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn hàng hóa vượt định mức tiêu chuẩn miễn thuế, hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu nhưng không khai báo thì thực hiện kiểm tra thực tế lô hàng theo quy định.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chỉ đạo 5 Bộ gồm Bộ Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tăng cường quản lý đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam; khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý số lần miễn thuế theo định mức đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động kinh doanh hàng hóa gắn mác “xách tay”, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

 Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang