Nứt cầu Vàm Cống: Cần công bố rõ ràng nguyên nhân

author 09:20 01/04/2018

(VietQ.vn) - PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho rằng ông bố rõ ràng nguyên nhân vụ việc nứt dầm cầu Vàm Cống.

Nứt dầm thép là sự cố hy hữu

Liên quan đến sự cố nứt dầm thép cầu Vàm Cống nối tỉnh Đồng Tháp với TP.Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đến nay đã tìm ra nguyên nhân nhưng chưa thể công bố. Theo đại diện Bộ này, đây là sự cố hãn hữu trên thế giới. Thông tin trên được ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - đưa ra tại cuộc họp báo định kỳ Bộ GTVT chiều 29/3.

Ông Thành cho biết: “Vàm Cống là cầu dây văng, sự cố nứt dầm treo trên đỉnh trụ là một sự cố rất hãn hữu trên thế giới”.

Cầu Vàm Cống, nơi xảy ra sự cố nứt dầm thép. Ảnh: ANTĐ 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, hiện nay Bộ GTVT vẫn đang tìm nguyên nhân để đưa ra phương án tối ưu nhất.

“Dự án đã huy động tư vấn quốc tế để khảo sát điều tra đánh giá nguyên nhân nhưng đến nay đã có nhận định ban đầu. Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ GTVT đang cùng Bộ Xây dựng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá về sự cố và dự kiến tháng 4 sẽ công bố kết quả.” – ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, sự cố xảy ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ. Đây là 1 tuyến nhưng có 3 tiểu dự án thành phần. Dự kiến dự án cầu Cao Lãnh và đường kết nối tháng 4 sẽ thông xe, riêng cầu Vàm Cống sẽ phải lùi tiến độ.

Quá vội vàng

Ngày 31/3, khi trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn công nghệ và quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc khẳng định là sự cố hy hữu khi chưa có kết luận nguyên nhân là quá vội vàng.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các công trình, ông Thám phân tích: "Nói sự cố hy hữu tức là rất hiếm, nhưng phải thấy rằng nếu nguyên nhân không lường trước được mới là hy hữu, còn nguyên nhân lường trước được thì không thể là hy hữu.

Ở đây, công trình bị không nứt ở phần dưới mà lại nứt ở dầm trên đỉnh, dầm ngang bên dưới chưa nứt mà dầm trên đỉnh đã nứt. Khi xây dựng thì không nứt mà đưa vào sử dụng một thời gian rồi mới nứt.

Tất nhiên phải công bố rõ ràng nguyên nhân, chuyên gia nào nhận định, bây giờ chưa công bố nên họ cũng mới chỉ nêu tên chung chung là các chuyên gia của bên này, bên kia. Phải có biên bản đánh giá, nghiệm thu hiện trường, các chuyên gia nào kiểm tra ra sao, sau đó công bố kết luận ra, chứ giờ vẫn chỉ chung chung.

Hiện tại cũng chỉ biết Bộ GTVT đã mời các chuyên gia Hàn Quốc và ADB trợ giúp tìm nguyên nhân, khảo sát vết nứt, mà không ai biết đó là ai, họ đã làm gì, kết quả ra sao".

Nhiều ý kiến cho rằng cần công bố rõ ràng nguyên nhân nứt dầm cầu Vàm Cống. Ảnh: Baodatviet 

Cũng theo ông Thám, về phía ADB cho vay vốn thì họ sẽ không tham gia giám sát, chỉ giám sát tiến độ, dự án, mục tiêu dự án, chứ không phải tiến độ. Dù nguyên nhân là gì thì cũng phải nêu nguyên nhân, nguyên tắc các sự cố xảy ra phải có đánh giá, công bố, rút kinh nghiệm cho lần sau, chứ không phải giấu đi, lặp lại trường hợp khác, thậm chí phổ biến cho công trình khác sẽ không vướng phải.

Do yếu tố con người

Qua việc quan sát hình ảnh vết nứt, theo ông Thám, nhìn xa thì tưởng dầm thép, nhưng nhìn gần lại là dầm bê tông, nếu dầm thép việc nứt là rất hiếm, còn nếu dầm bê tông, tại vị trí bên trong lại không có cốt thép nào thì nứt là dễ hiểu.

"Tôi thấy vết nứt khá to, mà lại cắt ngang dầm, mà dầm nhìn cũng không rõ, nếu không có cốt thép là sai. Còn nếu nứt dầm ngang là do lỗi đúc đầm tại nhà máy hoặc hơi bị chéo khi hợp long.

Nhìn hình dáng trụ cầu thì nguyên nhân gây nứt đầm trên theo tôi dự đoán là do cẩu tháp thi công rung lắc gây ra, dạng hình học hai trụ cáp không đều và sức căng cáp không đều. Có nghĩa chỉ có yếu tố kỹ thuật, do con người cẩu thả gây ra chứ không phải nguyên nhân khách quan nào", ông Thám nhận định. Cũng theo vị chuyên gia trên, đây là do sai sót của đơn vị thiết kế hoặc thi công chứ không phải chuyên môn kỹ thuật không làmđược.

"Ở đây chỉ có thi công hoặc thiết kế sai, nên để khắc phục phải chỉ rõ nguyên nhân mới khắc phục được, nguyên nhân thiết kế sai xử lý hơi khó, còn thi công sai xử lý dễ hơn. Thiết kế sai thì vào bản chất kết cấu, còn thi công sai khiếm khuyết ở đâu thì sửa ở đó", ông Thám cho biết thêm.

Cầu Vàm Cống thuộc Dự án thành phần 3 - Dự án kết nối Khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông, sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án được thực hiện bởi các nhà thầu của Hàn Quốc là Tư vấn thiết kế - giám sát Hàn Quốc là Liên danh Dasan - Kunhwa - Pyunghwa; nhà thầu thi công Hàn Quốc là Liên danh Công ty GS E&C và Hanshin.

Với kết cấu dầm treo dây văng, cầu Vàm Cống đã hợp long nhịp chính. Hồi tháng 11 năm ngoái, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị Tư vấn, Nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.

Kết quả kiểm tra, đo đạc thời điểm phát hiện sự cố cho thấy, cầu không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại các vị trí dầm được kiểm tra (ngoại trừ dầm ngang có xuất hiện vết nứt nêu trên), kích thước hình học của công trình phù hợp với hồ sơ thiết kế. Qua đó cho thấy, kết cấu công trình vẫn đảm bảo ổn định.

Bảo Bình (T/h)

Đuổi việc ngay cán bộ, nhân viên nhận mãi lộ tại phà Vàm CốngĐó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện khi trao đổi với Báo Giao thông.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang