Phải chôn cá chết hàng loạt ở chỗ xa khu dân cư

author 06:22 04/05/2016

(VietQ.vn) - Đối với cá chết hàng loạt, cần chôn lấp cách xa và không làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học.

Sự kiện: Toàn cảnh vụ cá chết ở miền Trung

Thông tin mới nhất về vụ việc cá chết hàng loạt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám vừa ban hành Công văn 3441/BNN-TCTS về việc hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung bộ.

Chôn cá chết hàng loạt xa khu dân cư

Phải chôn cá chết hàng loạt xa khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 1/5 tại Hà Tĩnh với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với tình trạng cá chết hàng loạt.  

Thu gom và xử lý hải sản chết bất thường và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là hải sản chết bất thường dạt vào bờ hoặc do người dân vớt được trên các vùng biển ven bờ; Hải sản đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Đối với những hải sản này, tuyệt đối không sử dụng làm thực phẩm cho con người hoặc chế biến làm thức săn cho vật nuôi. Xử lý bằng cách chôn lấp theo nguyên tắc: Nơi chôn lấp hải sản phải cách xa và không làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu du lịch…; bảo đảm phù hợp với khối lượng hải sản phải tiêu hủy.

Khi chôn lấp phải xử lý bằng cách bổ sung hóa chất (như vôi bột, các loại hóa chất chuyên dụng, được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản).

Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau khi kết thúc việc chôn hủy nhằm bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường.

Người dân có hải sản khai thác được cơ quan chức năng xác định không an toàn thực phẩm, buộc phải tiêu hủy và được hỗ trợ theo quy định.

Trong công văn hỏa tốc về các giải pháp ứng phó với cá chết hàng loạt, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh có biện pháp xử lý đối với các khu nuôi trồng. Cụ thể, trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện một số giải pháp kỹ thuật tạm thời.

Đối với các cơ sở nuôi cá lồng, tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân. Thường xuyên theo dõi cá nuôi và hàng ngày quan trắc, kiểm tra các yếu tố môi trường như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3 nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Tạm thời di chuyển lồng cá đến khu vực nước sâu hơn, đảm bảo đáy lồng cách nền đáy ít nhất 1m. Nên san thưa đối với những lồng nuôi dày, giữ cá với mật độ thích hợp theo quy định (không quá 10 kg/m3); giãn thưa khoảng cách giữa các lồng nuôi.

Hạn chế sử dụng thức ăn tươi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nên thay bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao, kết hợp trộn thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá. Khẩn trương thu hoạch đối với cá nuôi đạt kích thước thương phẩm để hạn chế thiệt hại.

Đối với các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm trong ao đầm ven biển, tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân, tập trung xử lý, cải tạo ao đầm, chuẩn bị con giống. Đối với các ao đầm đang thả nuôi, cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3… nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tăng cường vệ sinh/ siphon đáy ao, sử dụng các loại chế phẩm sinh học có khả năng cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi. Hạn chế cấp nước bổ sung trong khi chưa xác định nguyên nhân. Trong trường hợp bắt buộc phải lấy nước biển vào vùng nuôi, cần tuân thủ theo các hướng dẫn sau: Chỉ lấy nước tầng mặt, lúc đỉnh triều; Không cấp trực tiếp nước biển vào ao đầm, bể nuôi; Phải lấy nước biển qua ao chứa, ao lắng và thực hiện quy trình xử lý nước trước khi cấp vào ao đầm, bể nuôi.

Cách xử lý nước biển trong ao chứa, ao lắng: Xử lý nước biển trong ao chứa bằng các loại chất có khả năng hấp thụ khí độc, kim loại nặng (ví dụ EDTA) nhưng phải xử lý lặp lại 2-3 lần. Sử dụng quạt nước hoặc sục khí mạnh, liên tục từ đáy ao và phơi nắng tối thiểu 10 ngày. Tốt nhất lọc nước qua hệ thống lọc cát trước khi cấp bổ sung vào ao đầm, bể nuôi. Trước khi cấp nước vào ao nuôi cần thử bằng cách thả cá, tôm giống trực tiếp vào mẫu nước đã xử lý lấy từ ao lắng. Đối với vùng nuôi tôm chuẩn bị xuống giống, nên áp dụng hình thức vèo giống (ương tạm trong giai hoặc ao nhỏ khoảng 30-45 ngày trước khi chuyển ra ao nuôi thương phẩm) nhằm đảm bảo thời vụ, hạn chế sử dụng nước, tiết kiệm chi phí và kiểm soát các yếu tố môi trường trong giai đoạn đầu.

Về việc xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn, Bộ NN&PTNT hướng dẫn các tàu khai thác tại vùng biển an toàn (nằm ngoài khu vực có chiều rộng từ 20 hải lý trở ra tính từ bờ của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Ngay sau khi tàu vào cảng, chủ tàu có trách nhiệm thông báo cho Chi cục thủy sản địa phương biết. Chi cục Thủy sản cử cán bộ giám sát việc lên cá, xác nhận khối lượng cá theo từng loài. Chủ tàu hoặc thuyền trưởng trình đưa cán bộ giám sát các giấy tờ sau: Sổ hành trình được cơ quan biên phòng xác nhận phù hợp với hoạt động của tàu. Nhật ký khai thác. Cán bộ giám sát có trách nhiệm cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển an toàn. Giấy xác nhận an toàn được thành lập thành 2 bản. Chủ tàu một bản,  một bản được lưu tại Chi cục Thủy sản.

Đối với các tàu thu mua vận chuyển xuất bến trước ngày công văn này được ban hành, Chi cục Thủy sản địa phương không yêu cầu chủ tàu xuất trình Nhật ký thu mua, vận chuyển.

Đối với hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý tính từ bờ: khi phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, Chi cục Quảng lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo ngay về Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý tính từ bờ: khi phát hiện mấu không đạt yêu cầu, Chi cục  Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cần báo cáo ngay cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh để có biện pháp tiêu hủy, hỗ trợ cho ngư dân theo quy định và khuyến cáo ngư dân không tiếp tục khai thác tại vùng biển có mẫu phát hiện không đạt yêu cầu.

Toàn cảnh vụ cá chết hàng loạt sau gần một tháng: Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân

Như vậy, vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung đã xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung đã được gần một tháng. Các cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ nguyên nhân chính xác của hiện tượng này.

Ngày 4/4/2016 phát hiện cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh. Theo thống kê sơ bộ, số lượng cá chết gom được khoảng 10-15 tấn.

Ngày 10/4, tại vùng biển Quảng Bình xuất hiện cá chết bất thường dần xuống cửa biển Nhật Lệ. Lượng cá chết thu gom được khoảng 25 tấn.

Ngày 19/4, khu vực cửa Việt, cửa Tùng Quảng Trị người dân cũng vớt được hàng tấn cá chết trôi dạt vào bờ. Đến ngày 21/4, theo báo cáo sơ bộ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh này, người dân ven biển đã thu gom được khoảng 30 tấn cá chết.

Cùng ngày 19/4, hiện tượng cá chết cũng xuất hiện tại vùng biển Thừa Thiên Huế. Số lượng cá chết tại đây được thu gom ước tính khoảng 6.000 con.

Ngày 20/4: Bộ NN & PTNT ra công văn hỏa tốc chỉ đạo lấy mẫu giám sát tìm nguyên nhân và tác nhân làm thủy sản chết hàng loạt 1 cách bất thường.

Chiều 20/4, đại diện Bộ NN&PTNT chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh về việc cá lồng bè, cá tự nhiên chết tại vùng biển thị xã Kỳ Anh.

Ngày 22/4, Thanh niên và một số báo khác đưa tin: một số ngư dân đã tự trang bị phương tiện, lặn tìm và phát hiện một đường ống xả thải phun ra thứ nước vàng đục, hôi thối tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh). Một trong những người tham gia lặn xuống biển Vũng Áng truy tìm đường ống xả thải của KCN Formosa là anh Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, trú tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Cũng trong ngày 22/4, trước “Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, làm rõ các thông tin liên quan.

Chiều tối ngày 22/4, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã ký văn bản gửi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa về việc cử đoàn công tác vào làm việc với nội dung sẽ kiểm tra việc sản xuất và kiểm soát ô nhiễm của công ty này.

Trong văn bản, mặc dù không nói ra nghi vấn và lý do thanh tra, tuy nhiên, Bộ Công thương nêu rõ mục tiêu là “làm việc về tình hình sản xuất, bảo vệ môi trường”.

Ngày 24/4: Tại Hà Tĩnh, các bộ liên quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tại buổi làm việc, cơ quan chức năng đã loại trừ nguyên nhân cá chết do: dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm, động đất.

Ngày 24/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thị sát hai xã Kỳ Hà, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh).

Ngày 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các biển miền Trung; báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.

Ngày 27/4: chủ trì buổi họp báo diễn ra vào lúc 20h, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Một là do tác động của độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Hai là do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà trên thế giới gọi là thủy triều đỏ. Tại buổi họp báo này, Thứ trưởng Nhân cũng cho hay: "Chưa có bằng chứng kết luận mối liên hệ của Formosa đến cá chết hàng loạt. Số liệu quan trắc cho thấy các thông số môi trường chưa vượt chuẩn quy định". Các chuyên gia phản ứng với kết luận cá chết do tảo nở hoa

Ngày 28/4: Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên - môi trường khẳng định cá chết không liên quan đến tảo nở hoa, nguyên nhân cá chết do độc chất là có cơ sở nhất.

Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà có buổi làm việc tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và nhận khuyết điểm.

Ngày 30/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà buộc Formosa đưa ống xả thải lên để tiện việc giám sát.

Ngày 1/5: Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường) công kết quả quan trắc môi trường chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, khẳng định đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ được tổng hợp từ các Trung tâm Quan trắc môi trường đã thực hiện ngày 29-4 tại các bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh và so sánh với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển để đánh giá cho thấy, nước biển ven bờ tại các khu vực được phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép.

Chiều 1/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã làm việc với lãnh đạo các địa phương để tìm biện pháp khắc phục hiện tượng cá chết và khẳng định không ai bao che trong vụ việc này.

Ngày 2/5, ông Lê Ngọc Châu – Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh đã chính thức xác định hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cyanide trong hải sản ở Hà Tĩnh đều nằm trong ngưỡng cho phép.

>>Tàu đổ bộ lớn thứ hai của Pháp vừa cập cảng Cam Ranh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang