Đã thực phẩm bẩn, nay lại cân 'điêu'!

author 17:23 14/10/2015

(VietQ.vn) - Tâm lý người mua hàng ở Việt Nam thường thích giá rẻ. Nắm bắt được điều này, không ít người bán hàng đã “câu khách” bằng cách chỉnh cân, thậm chí sẵn sàng trộn hàng ngon với hàng kém chất lượng với nhau để hạ giá thành sản phẩm.

1 cân ăn 2 lạng

Trên đường đi làm về, nhìn thấy một xe ô tô treo biển giảm giá: cam ngon giá 30.000 đồng/kg trên đường Nguyễn Xiển, chị Lương Kim Giang ở Linh Đàm (Hà Nội)  đã không ngần ngại dừng lại mua 3kg rồi trả tiền. Về đến nhà, chị khoe với mẹ chồng mua được cam rẻ. Ngay lập tức, mẹ chồng chị đặt túi cam lên chiếc cân của gia đình thì túi cam 3kg giờ chỉ còn lại đúng 2,5kg. Cân điêu, thịt lợn bơm nước là những chiêu trò mà các gian thương hay sử dụng, theo Bảo Vệ Pháp Luật.

Việc “độ” cân để ăn gian trọng lượng hàng hóa không phải là chuyện mới. Giới bán lẻ vẫn thường rỉ tai nhau về một cửa hàng chuyên “độ” cân trên phố Thuốc Bắc (Hà Nội). Chỉ chưa tới 10 phút, chiếc cân đã được “phù phép” để có thể ăn gian trọng lượng thực tế của hàng hóa. Mức độ “ăn gian” thì cũng tùy thuộc vào yêu cầu của từng người.

Với mỗi 1kg hàng, có người ăn bớt 1 lạng, có người bớt 2 lạng, thậm chí có người không ngại ngần bớt hẳn 3 lạng. Tuy nhiên, theo như người chuyên “độ” cân cho các gian thương “bật mí” đại đa số mọi người chỉ ăn bớt từ 1 – 2 lạng thôi, nếu ăn bớt nhiều dễ bị lộ, lần sau không có khách mua nữa.

Xưởng lên đời nạn cân điêu cho khách

Xưởng "lên đời" nạn cân điêu cho khách. Ảnh: Tuổi Trẻ

“Lên đời” cân gian

Nhiều năm nay, tiệm cân A Danh ở kế chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quốc lộ 1, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP. HCM) nổi tiếng khắp vùng với chiêu trò “độ” cân cho dân buôn và được mệnh danh là lò “độ” cân “uy tín, chất lượng”. Từ “tiếng tăm” này, trưa 7/7 trong vai người buôn bán trái cây dọc quốc lộ 13, PV Tuổi Trẻ xách chiếc cân loại 5kg còn “zin” đến tiệm A Danh. Ở phía ngoài tiệm này trưng bày hàng chục chiếc cân đủ loại lớn nhỏ, càng đi vào trong “lò” các bộ phận cân được tháo rời nằm ngổn ngang.

Tại “lò” lúc này có ba thợ 20 - 30 tuổi đang hí hoáy “lên đời” những cái cân cũ kỹ. Khi thấy PV xách chiếc cân, một thanh niên nhanh tay chộp lấy hỏi: “Cân còn mới, anh muốn chỉnh mấy lạng?”. PV còn lớ ngớ thì người này giải thích: “Ý là muốn chỉnh 1 lạng hay 3, 4 lạng. 4 lạng nghĩa là 1kg ăn 4 lạng”. “Thông thường chỉnh được mấy lạng?” - PV hỏi. “Cái đó tùy anh, muốn chỉnh bao nhiêu thì chúng tôi chỉnh bấy nhiêu”.

Sau khi thống nhất chỉnh “3 lạng”, người này chuyển cân cho một thợ khác ngồi trong góc và báo giá: “1 lạng là 10.000 đồng, cái này lấy 20.000 đồng”. Dưới bàn tay “ma quái” của thanh niên này, chiếc cân 5kg nhanh chóng được “mổ” bung ra từng bộ phận. Chỉ trong vòng vài phút, người này thoăn thoắt lấy lò xo dùng kìm kéo giãn rồi gắn lại và cho ra kết quả: “1,3kg”.

Bơm nước vào thực phẩm

Cùng một khối lượng nhưng do nạn cân điêu mà khối lượng của chai tương ớt đã độ  thêm 4 lạng

Cùng một khối lượng nhưng do nạn cân điêu mà khối lượng của chai tương ớt đã độ  thêm 4 lạng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây ít ngày ghé chợ Nghĩa Tân, chị đã mua nửa cân tôm, nhưng chị thấy có vẻ được ít hơn thường ngày. Tuy nhiên, khi được người bán “động viên” rằng tôm này to nên nửa cân được ít con thì chị Hương cũng vui vẻ trả tiền. Nhưng khi về đến nhà, chị đổ túi tôm ra một cái rổ để chế biến thì tôm lại ra nước nhiều hơn bình thường, chị cầm phần đầu và phần đuôi con tôm kéo thẳng ra thì thấy các khớp của con tôm khá rộng, nước chả tràn ra qua các khớp này, đặc biệt, đuôi của con tôm theo chị quan sát thì xòe ra và rất mọng.

Nghi ngờ tôm bị bơm hóa chất nên chị Hương đã đổ bỏ cả mẻ tôm hôm đó. Một lần khác, chị đi chợ mua thịt bò, do tin tưởng vào người bán hàng, chị cũng mua nhầm phải thịt lợn sề “đội lốt” thịt bò. Mỗi lúc như vậy, chị Hương chỉ biết lấy đó làm bài học để tự rút kinh nghiệm cho bản thân.

Không chỉ thịt lợn, tôm mà ngay cả thịt gà, vịt cũng là loại thực phẩm cảnh báo là được bơm nước nhiều nhất. Các gian thương thường chọn hai vị trí là đùi và lườn để bơm. Do đó, khi chọn gà, vịt, người mua nên quan sát kĩ hai vị trí này. Nếu thấy căng bóng, thớ thịt dày, to thì không nên mua. Nếu còn nguyên con, người mua nên cầm dốc ngược con gà, vịt lên, nếu thấy nó biến dạng nhiều thì đã bị bơm nước.

Tiểu Quyên (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang