Thứ trưởng Bộ Công Thương: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đầu tư dự án điện gió và điện mặt trời

author 06:42 28/02/2019

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, với cơ chế giá hấp dẫn, hiện nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào dự án điện gió và mặt trời của Việt Nam.

Tại Hội thảo "Đối tác Công – Tư Việt Nam – Nhật Bản về Công nghệ năng lượng sạch", ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, hệ thống năng lượng của Việt Nam hiện nay đã phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội và người dân. Đến cuối năm 2018, hệ thống điện của Việt Nam xếp thứ 2 trong tổng số 10 nước  Đông Nam Á, xếp thứ 23 trên thế giới về công suất hệ thống điện. Đến nay, chúng ta đã đạt gần 50.000 MW. 

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương. 

“Trong nhiều năm qua, chúng ta đã đáp ứng cơ bản điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trên 10% một năm. Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề không nhỏ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước như môi trường bị ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên... Chính những thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hạn chế, nhưng vẫn phải đảm bảo hệ thống điện phát triển đáp ứng sự phát triển của đất nước. Chúng ta đã ban hành nhiều chính sách về điện năng lượng sạch. Cuối 2018, tổng công suất nhà máy thuỷ điện đạt 22.000 MW. Công suất nhà máy điện mặt trời, gió vào cuối 2019 dự kiến tương ứng đạt 1000 MW điện mặt trời, 1500 MW điện gió. Mức dự kiến từ thực tế này vượt mức mục tiêu đặt ra được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2016, đó là dự kiến năm 2020 sẽ đạt 800 MW điện gió và 850 MW điện mặt trời”, Thứ trưởng Vượng cho hay.

Thứ trưởng Vượng cho biết thêm: “Với cơ chế giá hấp dẫn, hiện nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào dự án điện gió và mặt trời của Việt Nam. Bộ Công Thương đã nhận được nhiều đề xuất phát triển điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên từ 1/1/2019, Luật quy hoạch mới của Việt Nam mới đi vào hiệu lực, chúng tôi đang đợi văn bản hướng dẫn của Chính phủ, hy vọng trong quý 1/2019  sẽ có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, như vậy các nhà đầu tư sẽ được tiếp tục triển khai. Từ đó, số lượng các dự án điện gió vào năm 2020, 2021 sẽ nhiều hơn nữa, nhiều khả năng vượt mốc 20% trong năm 2030 mà Chính phủ đặt ra”. 

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng sạch cũng có những hạn chế nhất định như không ổn định, khả năng giải toả công suất thấp vì không phải chỗ nào cũng xây dựng được, việc chỉ tập trung nhiều dự án ở 1 số địa điểm sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành hệ thống điện. Thêm nữa là việc phát triển năng lượng tái tạo cũng làm tăng chi phí hệ thống và tăng giá điện đến người tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp để phát triển một cách hiệu quả hơn.

Theo đó, trong thời gian tới chúng ta sẽ phát triển nhanh hơn mà vẫn đảm bảo an toàn, ổn định trong vận hành hệ thống điện. Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt về lâu dài với chi phí hợp lý, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước. Đến nay chúng ta đã có 2 chương trình về tiết kiệm điện. Chương trình thứ nhất vào năm 2005 - 2015, chia làm 2 giai đoạn.

Từ năm 2005 - 2010, chúng ta đã tiết kiệm được 3,4% tổng năng lượng sử dụng, tương ứng 4,9 triệu tấn dầu quy đổi. Giai đoạn từ năm 2011 - 2016, chúng ta đã tiết kiệm gần 6%, tương ứng 11,2 triệu tấn dầu quy đổi. Chương trình tới đây Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hy vọng quý 1/2019 sẽ được phê duyệt với mục tiêu từ năm 2019 - 2030 phải tiết kiệm được 8 - 10%, tương ứng 60 triệu tấn dầu quy đổi”.

Cùng với đó, ông Daisuke Okabe, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ: “Về hoạt động giữa 2 nước trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Kinh tế Công nghiệp Nhật Bản cùng Bộ Công Thương Việt Nam đã tiến hành nhiều hội đàm cấp Bộ trưởng. Vào  tháng 11/2017, hai Bộ đã kí kết biên bản ghi nhớ về năng lượng sạch. Đến tháng 7/2018, bắt đầu tiến hành đối thoại chính sách, triển khai hoạt động của tổ công tác lần thứ 1.

Những hoạt động triển khai được giới thiệu trong hội thảo hôm nay là thành quả trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi mong muốn đây là nơi tạo ra nhiều hoạt động về công nghiệp carbon thấp, kiến tạo giải pháp Chính phủ cần làm gì tiếp theo, các khối liên kết cần làm gì... Hiện nay, trọng tâm tiêu thụ năng lượng đang dịch chuyển sang châu Á, trong đó có Việt Nam, do đó Việt Nam cần triển khai đang ngày càng có hiệu quả hơn các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sách. Tôi mong muốn Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa việc chuyển đổi năng lượng”. 

Mô hình cho vay trực tuyến 'nổi cộm' nhiều vấn đề, Bộ Công Thương liên tục đưa cảnh báo(VietQ.vn) - Trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có tới 2 lần đưa ra cảnh báo về hoạt động của mô hình cho vay trực tuyến tại Việt Nam.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang