Tình hình biển Đông 4/7: Trung Quốc đưa ra đạo luật chống xâm nhập vùng biển

author 06:49 04/07/2014

Tình hình biển Đông 4/7 ghi nhận việc Trung Quốc đưa ra đạo luật chống xâm nhập vùng biển...

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tình hình biển Đông 4/7 nóng lên tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm qua.

Theo tin tức TTXVN, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: Những hành động leo thang gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc mở rộng cảnh báo bão trên toàn Biển Đông không thể làm thay đổi thực tế chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 

Việt Nam sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tiếp tục nhấn mạnh: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bởi vậy, trước thông tin Trung Quốc vừa đưa ra đạo luật chống xâm nhập vùng Biển cấm do nước này đơn phương đặt ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, phía Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề này.

 

Tình hình biển Đông 4/7: Trung Quốc vừa đưa ra đạo luật chống xâm nhập vùng

Tình hình biển Đông 4/7: Trung Quốc vừa đưa ra đạo luật chống xâm nhập vùng 

“Hoạt động của các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tôn trọng quyền, chủ quyền và quyền tài phán; không làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định và hoạt động dân sự trong khu vực,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Phía Việt Nam cũng sẽ tiếp tục kiên trì các biện pháp đấu tranh hòa bình ở nhiều cấp khác nhau. 


Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, biện pháp đấu tranh pháp lý cũng đã được phía Việt Nam tính đến. Bởi đây là biện pháp hòa bình văn minh được Hiến chương Liên hợp quốc ủng hộ.

“Việt Nam sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,” ông Lê Hải Bình nói.

Mặc dù vậy, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các bên vẫn cần phải ngồi vào bàn đàm phán dựa trên tinh thần tôn trọng luật pháp và những chuẩn mực quốc tế.

Thông tin thêm về chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert F. del Rosario tại Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết cả hai nước đã thống nhất yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Hai bên cũng kêu gọi các nước kiềm chế, giảm căng thẳng và thực hiện nghiêm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC.)

Cũng theo ông Lê Hải Bình, cơ quan chức năng đã biết thông tin máy bay Mỹ có mặt tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và đang đề nghị xác minh thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế gồm nhiều nước trong khu vực cũng như các nước liên quan đều ủng hộ những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông của Việt Nam.

Giới phân tích lên án Trung Quốc

Theo tin mới của VTV, Ông  Gregory Pooling, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á- Viện nghiên cứu chính sách chiến lược quốc tế Mỹ ISIS cho biết: “Đường 9 đoạn thật sự là sai trái và đi ngược lại luật pháp quốc tế vì nó không dựa trên cơ sở gì, chúng ta thậm chí còn không biết nó nghĩa là gì. Trung Quốc giải thích về đường 9 đoạn cũng rất khác nhau, lúc thì thế này, lúc thì thế khác. Tôi cho rằng, Chính phủ Trung Quốc không chỉ chủ trương yêu sách toàn bộ vùng biển trong đường 9 đoạn mà họ còn muốn thôn tính nguồn lợi về ngư nghiệp và dầu mỏ trong đó. Rõ ràng điều này đi ngược lại luật pháp quốc tế. Thật khó có thể nhìn thấy một lý lẽ nào thuyết phục từ phía Bắc Kinh và tôi cho rằng, quan điểm đó là sai trái”.

Tiến sỹ Issac Kardon, Chuyên gia Luật Quốc tế, Đại Học Cornell, Mỹ nói: “Với khía cạnh pháp lý về đường 9 đoạn, tôi nghĩ rằng, nó rất đáng ngờ, và không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Còn trên thực địa, chúng ta thấy các lực lượng thực thi luật pháp của Trung Quốc, cả hải quân Trung Quốc đều hành xử như thể khu vực trong đường 9 đoạn là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Nói tóm lại, tôi thấy tuyên bố chủ quyền của đường 9 đoạn là phi lý, vô nghĩa và nhập nhằng”.

Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện luật pháp Hoa Kỳ- châu Á chia sẻ: “Cá nhân tôi cho rằng, tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là hoang tưởng và  mơ hồ. Tôi cho rằng, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho yêu sách đường 9 đoạn của mình. Dư luận quốc tế đang chờ đợi để Trung Quốc đưa ra lập luận chứng minh yêu sách của họ, nhưng Trung Quốc không làm được điều đó”.

Các nhà phân tích gọi sự leo thang trong các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là chiến lược cắt lát salami trên Biển Đông và họ đã lên án mạnh mẽ chính sách này của Trung Quốc.

Tiến sỹ Patrick Cronin, Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ mới CNAS cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc có một chiến lược rất rõ ràng, họ muốn thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, họ muốn củng cố và duy trì những khu vực mà họ bành trướng trên Biển Đông theo yêu sách đường 9 đoạn và họ đang thực hiện điều đó một cách nhanh chóng. Họ đang leo thang căng thẳng từng bước một. Như ở trên biển, họ sử dụng hành động đâm va vào các tàu của Việt Nam, ngăn cản tàu Việt Nam hoạt động ở khu vực. Đó là một cách hành xử tồi tệ. Và nó gây bất ổn ở vùng biển Đông”.

Giáo sư Leszek Buszynski, Chuyên gia Trường An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Australia nói: “Tôi nghĩ điều nguy hiểm hơn là họ đang muốn đi xa hơn tuyên bố chủ quyền về đường 9 đoạn. Đường 9 đoạn chỉ là một phần trong  yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông. Từ đường 9 đoạn họ coi Biển Đông là vùng biển lịch sử của họ”.

Các hành động của Trung Quốc như việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam là một bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn. Đây là những tính toán mang tính sách lược và nó nằm trong một chiến lược tổng thể của Trung Quốc muốn vươn lên là một cường quốc Biển ở châu Á- Thái Bình Dương.

Chiến lược này đang được Trung Quốc tiến hành theo từng tầng nấc bắt đầu từ những yêu sách về chủ quyền cho tới những hành động biến các vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp để từ đó hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông. Việt Nam cùng với dư luận thế giới đang lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về luật biển. Chỉ có việc tuân thủ luật pháp quốc tế mới có thể là lời giải cho những bất đồng trên Biển Đông hiện nay.

 

 

Đan Phong (Tổng hợp từ TTXVN, VTV)

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang