Nếu bà Hilary đắc cử, lập trường của Mỹ về Biển Đông sẽ thay đổi ra sao?

author 19:00 13/06/2016

(VietQ.vn) - Tạp chí Forbes nhận định, bà Hillary sẽ thể hiện một lập trường cương quyết hơn với Trung Quốc về vấn đề tình hình Biển Đông nếu đắc cử Tổng thống Mỹ.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Tin Tức (kênh thông tin của Chính phủ do TTXVN phát hành), tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ cuối tuần qua đăng bài viết dưới tựa đề “Tổng thống Hillary Clinton sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”, trong đó nhận định vị cựu Ngoại trưởng này sẽ thể hiện một lập trường cương quyết hơn chính quyền Tổng thống Barack Obama nếu bà đắc cử tổng thống sau cuộc bầu cử vào ngày 8/11 tới.

Tạp chí Forbes nhận định nếu đắc cử tổng thống, chính quyền Hilary Clinton sẽ cứng rắn hơn đối với tình hình Biển Đông hiện nay

Tạp chí Forbes nhận định nếu đắc cử tổng thống, chính quyền Hilary Clinton sẽ cứng rắn hơn đối với tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh AP

Các nhà phân tích chính sách của Washington về châu Á nhận định bà Hillary Clinton, người giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 - 2013 trong chính quyền của ông Obama, tối thiểu sẽ mở rộng các chính sách của ông Obama trong vấn đề Biển Đông và có thể sẽ theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn.

Ông Sean King, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn Chiến lược Park tại New York, nói: “Một vị tổng thống như bà Hillary Clinton sẽ mở rộng các chính sách của chính quyền Obama tại Biển Đông, thậm chí cứng rắn hơn. Bắc Kinh đang lo sợ khi nghĩ tới việc bà Hillary trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Nước Mỹ do bà Hillary lãnh đạo sẽ không phát động một cuộc chiến thật sự liên quan tới các nguồn lợi hải sản hay dầu khí ở Biển Đông, hoặc liên quan tới 500 đảo nhỏ ở vùng biển này. Thay vào đó, chính quyền Clinton sẽ tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu của chính quyền Obama đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông cho các tàu Mỹ, đồng thời duy trì hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á đang quan ngại hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc.

Chính quyền mới của bà Clinton có thể sẽ đi xa hơn với việc chống lại Trung Quốc thông qua các tổ chức quốc tế hay những thỏa thuận mà hai nước cùng tham gia. Chính quyền Hillary có thể cũng sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ với hai đối thủ chỉ trích Bắc Kinh thẳng thắn nhất ở Biển Đông là Việt Nam và Philippines".

Các thực thể mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng trái phép ở Biển Đông

Các thực thể mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ảnh CSIS/IHS Jane’s

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Các vấn đề Quốc tế thuộc Đại học Murdoch tại Australia, ông Ben Reilly nhận định: “Hồ sơ về Hillary cho thấy Mỹ sẽ có cách phản ứng cương quyết hơn. Sẽ không có chuyện Mỹ gây chiến vì các bãi đá hay đảo san hô, song Washington sẽ khiến Bắc Kinh phải trả những cái giá đắt hơn tại các thực thể quốc tế mà nước này tham gia, cũng như trong các vấn đề toàn cầu nói chung”.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, một nhóm gồm 15 công dân Philippines và 1 công dân Mỹ đã bơi thuyền tới bãi cạn Scarborough do Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hôm 12/6, sau đó bị tàu Trung Quốc ngăn chặn, báo Người Lao Động đưa tin theo Inquirer.

Theo đó, 15/16 người nói trên, thuộc nhóm Kalayaan Atin Ito, khởi hành từ tỉnh Zambales – Philippines vào chiều 11/6 (giờ địa phương) trên một chiếc thuyền đánh cá. Kalayaan Atin Ito chính là nhóm tố giác tàu Trung Quốc đổ hóa chất giết cá ở đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) gần đây.

Khi nhóm này vừa đến khu vực bãi Scarborough vào lúc 7h30 sáng 12/6, 2 tàu cao tốc và 3 tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện với ý định ngăn chặn. Khoảng 11h trưa cùng ngày, 5 trong số các thành viên quyết định bơi vào bãi cạn để cắm cờ Philippines.

Công dân Philippines, Mỹ tới Biển Đông để phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc

Công dân Philippines, Mỹ tới Biển Đông để phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Ảnh Inquirer

“Trong lúc chúng tôi đang bơi, tàu Trung Quốc liên tục phun vòi rồng. Dù không cắm được cờ nhưng 2 người trong nhóm vẫn tiếp cận được bãi cạn” - luật sư Joy-Ban-eg, đồng sáng lập Kalayaan Atin Ito, cho biết. Luật sư Ban-eg cho biết họ muốn phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Cho đến giữa trưa, toàn bộ 16 người quyết định quay về trong khi tàu hải cảnh Trung Quốc canh chừng cho đến khi họ rời khỏi. Được biết, tháng 12 năm ngoái, Kalayaan Atin Ito cũng là nhóm bơi thuyền tới đảo Thị Tứ. Kể từ đó, luật sư Ban-eg nói rằng họ đã tham gia tổ chức ‘Đi lại trên biển dựa theo luật pháp quốc tế’ (SAIL). Tổ chức này khuyến khích giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế dựa trên cơ sở pháp lý và hòa bình.

Công dân Mỹ đi cùng 15 người Philippines của nhóm Kalayaan Atin Ito cũng đến từ SAIL. Năm 2012, họ cũng định bơi thuyền ra bãi cạn Scarborough nhưng bị Tổng thống Benigno Aquino III khi ấy kêu gọi hủy bỏ kế hoạch vì các cuộc đàm phán giữa Manila và Bắc Kinh đang diễn ra.

Bãi cạn Scarborough nằm cách tỉnh Zambales khoảng 124 hải lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines ở Biển Đông. Trung Quốc duy trì sự kiểm soát bãi cạn từ năm 2012.

Cận cảnh những vũ khí làm nên đế chế ‘khét tiếng’ mang tên khủng bố IS(VietQ.vn) - Dù đang phải gánh chịu vô số tổn thất nặng nề nhưng khủng bố IS vẫn nắm trong tay những vũ khí khiến các cường quốc trên thế giới phải e ngại.

Phan Huyền (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang