Tình hình Biển Đông ngày 2/10: Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho công cụ xâm lấn biển

author 06:33 02/10/2014

(VietQ.vn) - Trung Quốc dốc sức phát triển lực lượng tàu hải giám hòng bảo vệ cho cái gọi là “chủ quyền quốc gia” trên Biển Đông giữa lúc thế giới đang dồn sự chú ý vào tình hình bất ổn ở Ukraine và Trung Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí cho hay, nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc đang ra sức lợi dụng khủng hoảng Ukraine và tình hình bất ổn ở Trung Đông làm thời cơ để Trung Quốc thực hiện âm mưu bành trướng ở Biển Đông.

Trong thời gian tâm điểm chú ý của Mỹ - Nga đang dồn vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và tình hình Trung Đông, Trung Quốc vừa tăng cường các hoạt động phi pháp ở Biển Đông vừa quan sát phản ứng, thái độ của Mỹ, đồng thời lựa chọn thời cơ thích hợp nhất để xây đảo nhân tạo, tiếp đó lại "ném đá thăm dò" thái độ của Washington về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ không quân bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trung Quốc lợi dụng tình hình chính trị thế giới cho giấc mộng bá quyền

Tình hình Biển Đông ngày 2/10: Trung Quốc lợi dụng tình hình chính trị thế giới cho giấc mộng bá quyền. Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia phân tích, từ tháng 4 năm nay khi tình hình Ukraine ngày một nghiêm trọng hơn, bước sang tháng 5 khủng hoảng leo thang, tháng 6 Ukraine nổ ra nội chiến thực sự thì ngay sau đó truyền thông xuất hiện thông tin Trung Quốc đã và đang xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp) ở Trường Sa.

Trong tháng 8 khi Mỹ lần đầu tiên không kích vào thành trì của tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq, sang tháng 9 chính quyền Obama tiếp tục công bố không chỉ tấn công sào huyệt IS ở Iraq mà còn không kích chúng tại Syria khiến cả thế giới quan tâm. Đúng lúc này lại xuất hiện những thông tin Trung Quốc ngày đêm bơm cát đắp nền, xây dựng không nghỉ trên bãi Gạc Ma ở Trường Sa.

Vì lý do đó, không ít ý kiến khẳng định những động thái này của Trung Quốc không chỉ nhằm thăm dò phản ứng của Washington, mà trên thực tế đang lợi dụng tình hình địa chính trị khu vực và thế giới để đẩy nhanh hoạt động xây đảo nhân tạo, tiến tới xây dựng căn cứ không quân hòng có thể thực hiện giấc mộng độc chiếm Biển Đông.

Tàu Hải giám Trung Quốc và tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi trên biển Hoa Đông

Tình hình Biển Đông ngày 2/10: Tàu Hải giám Trung Quốc và tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi trên biển Hoa Đông. Ảnh minh họa

Cũng trong thời gian này, chính quyền Bắc Kinh tăng cường đầu tư và phát triển "Hạm đội trắng” (tên gọi của lực lượng tàu hải giám Trung Quốc), đồng nghĩa với việc tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ còn tiếp tục dậy sóng.

Được biết, hạm đội tàu hải giám Trung Quốc tất cả các tàu công vụ có lượng giãn nước lớn hơn  500 tấn và được đặt dưới sự điều hành của  các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải cấp nhà nước và cấp địa phương. Các tàu của “Hạm đội trắng” này vốn đã khét tiếng ở bãi cạn Scarborough và trong việc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam. Hạm đội này có nhiệm vụ thực thi điều mà giới phân tích gọi là "ngoại giao bán pháo hạm” của Trung Quốc và ngày càng táo tợn hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ này nhờ nhận được sự yểm trợ của các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bổ sung thêm 52 tàu công vụ mới để “bảo vệ quyền lợi” trên biển. Mùa thu năm 2010, Trung Quốc công bố kế hoạch đóng 36 tàu Hải giám mới và cung cấp cho các tỉnh ven biển. Chiếc đầu tiên trong số tàu công vụ nói trên là tàu Hải giám CMS 8002 có lượng giãn nước 1.600 tấn đã được chuyển giao trong tháng 2/2013. Đến cuối năm 2014, hầu hết trong số 36 tàu công vụ nói trên sẽ được chuyển giao cho các chủ sở hữu.

Tàu hải giám Trung Quốc tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam

Tình hình Biển Đông ngày 2/10: Tàu hải giám Trung Quốc tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh minh họa

Bình luận về điều này, nhiều chuyên gia khẳng định rõ ràng là, Trung Quốc không xây dựng hạm đội bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới để tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hoặc bảo vệ môi trường hay phục vụ cho các lợi ích kinh tế. Thay vào đó, trong hai năm qua, có một xu hướng rõ ràng là “Hạm đội trắng” được Trung Quốc sử dụng để cưỡng chế các bên có tranh chấp chủ quyền trên biển.

Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ bên nào cản trở nỗ lực “bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc sẽ bị  cưỡng chế. Tàu nước ngoài không tuân thủ “luật pháp Trung Quốc” sẽ bị đâm va và thủy thủ đoàn trên tàu sẽ bị “pháo kích” bằng vòi rồng hoặc bị tra tấn bằng “vũ khí âm thanh” cực mạnh. Lý do là bởi dường như lực lượng thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc đang hoạt động trên giả định rằng lực lượng này có thẩm quyền trên tất cả các vùng nước bên trong cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.

Minh Thùy

(tổng hợp từ Giáo Dục, Đời Sống Pháp Luật)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang