Tình hình Biển Đông ngày 28/10: Ngư dân Trung Quốc đang bị tận dụng triệt để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền

author 06:34 28/10/2014

Từ 2006, Trung Quốc bắt đầu cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính lớn để khuyến khích ngư dân đóng tàu to, khai thác xa bờ.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Báo Học giả ngoại giao có trụ sở tại Nhật Bản ngày 25/10/2014 đăng tải bài viết của tác giả Zhang Hongzhou – một học giả nghiên cứu hợp tác về chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), trực thuộc Đại học công nghệ Nanyang Singapore.

Nội dung bài báo đưa ra nhận định cá nhân của tác giả khi cho rằng các vấn đề liên quan đến chiến lược của giới cầm quyền Bắc Kinh không phải là những nhân tố duy nhất dẫn đến các trường hợp va chạm giữa ngư dân Trung Quốc và lực lượng thực thi pháp luật của các nước láng giềng thời gian gần đây.

Nhận thấy bài viết có thể cung cấp cho độc giả một góc nhìn khác, nhỏ và chi tiết hơn (nhưng không phản ánh toàn bộ bản chất tham lam của chính quyền Trung Quốc) về những gì đang thúc đẩy ngư dân nước này ngày càng tham gia nhiều vào các chiến dịch, hoạt động đánh bắt thủy hải sản trái phép tại một số vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)của các nước láng giềng bên cạnh lý do chính là do chính sách của Bắc Kinh thúc đẩy, cổ vũ.

Đây cũng là thông tin tham khảo giúp các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi gặp phải các trường hợp tàu cá nước ngoài vi phạm pháp luật, đánh bắt cá trái phép trên các vùng biển của nước ta chủ động tìm hiểu, nhận biết lý đo để từ đó đưa ra các biện pháp xử lý thích đáng, hợp tình, hợp lý đối với tàu thuyền của ngư dân nước ngoài, trong đó có tàu thuyền của ngư dân Trung Quốc.

Ngư dân Trung Quốc thường xuyên đánh bắt trái phép trên biển Đông và các vùng biển nước khác

Ngư dân Trung Quốc thường xuyên đánh bắt trái phép trên biển Đông và các vùng biển nước khác. Ảnh Yonhap News

Mở đầu bài viết của mình tác giả Zhang Hongzhou có điểm qua một số vụ việc nghiêm trọng liên quan đế hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của ngư dân Trung Quốc tại các vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngày 10/10, một ngư đân Trung Quốc bị lực lượng bảo vệ bờ biển của Hàn Quốc sử dụng súng bắn chết khi gây ra một vụ đụng độ xuất phát từ việc ngư dân này tổ chức đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hàn Quốc. Vụ việc này ngay sau đó đã tạo ra căng thẳng ngoại giao và dư luận giữa Hàn Quốc và láng giềng có công dân bị bắn chết.

Chỉ sau thời điểm 10/10/2014 chỉ 1 tuần, lại xảy ra một sự việc đáng chú ý đó là cảnh sát biển Nhật Bản tiến hành bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc vì con tàu ngày đã đánh cá trái phép trên vùng biển gần quần đảo Ogasawara của Nhật.

Trong những năm gần đây, các vụ va chạm, xung đột, bắt giữ như hai trường hợp ngư dân Trung Quốc ở Hàn Quốc và Nhật Bản xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực. Số lượng các vụ việc có sự liên quan của ngư dân Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng.

Các biến cố này là một trong những nhân tố gây ra căng thẳng hàng hải giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng. Đôi khi, chúng là nguyên nhân chính tạo ra các cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và các nước khác.

Theo tác giả Zhang Hongzhou, để ngăn chặn và giải quyết ổn thỏa các vụ việc va chạm liên quan đến ngư dân Trung Quốc, điều quan trọng mà các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cần biết đó là thấu hiểu các nhân tố thúc đẩy sự hiện diện ngày càng nhiều của tàu cá Trung Quốc trên các vùng biển giáp ranh cũng như ở một số vùng biển nóng đang tồn tại các tranh chấp chủ quyền, thậm chí là cả trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia cùng khu vực.

Bênh cạnh các phân tích, phán đoán của giới nghiên cứu, học giả quốc tế cho rằng chính quyền trung ương Trung Quốc là lực lượng chủ mưu, chủ động vũ khí hóa, trang bị, hỗ trợ cho ngư dân nước này để họ có thể yên tâm hoạt động ở các vùng biển tranh chấp, thậm chí cả trong  các vùng EEZ của các nước yếu thế hơn để thông qua đó củng cố yêu sách chủ quyền (yêu sách đường lưỡi bò phi lý ở Biển Đông, tranh đoạt đảo Senkaku trên biển Hoa Đông với Nhật Bản).

Ngoài những lý do như sự bành trướng của tàu cá Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc cố tuyên bố chủ quyền xuất phát từ âm mưu chính trị chiến lược do Bắc Kinh điều khiển dựa trên mô hình được tờ Học giả ngoại giao trích dẫn gọi là “đánh cá, hộ vệ, tranh cướp và chiếm đóng” chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm các nguyên nhân khác như:

Các cân nhắc chiến lược

Mang bản chất của các hoạt động xuyên biên giới, từ xưa đến nay ngành đánh bắt, khai thác hải sản đôi khi mang theo cả các thông điệp chính trị và ngoại giao, đặc biệt là tại các vùng nước thực tế đang có tranh chấp chưa phân thắng bại.

Trong hàng thập kỷ nay, thực tế này không còn gì gọi là bí mật, Trung Quốc cũng giống như một số nước khác sử dụng lực lượng ngư dân để củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình. Chỉ có điều, Trung Quốc hành động trắng trợn, ngang ngược và ngày càng quyết liệt và vô nhân đạo hơn.

Tại Trung Quốc, các nghiệp đoàn nghề cá có tổ chức thường nhận được sự hỗ trợ kể cả về chính trị lẫn tài chính để tiến hành mở rộng các hoạt động đánh bắt cá ở các khu vực biển có tranh đoạt với nước khác.

Đối với các sự kiện mang nhiều màu sắc chính trị cũng vậy, ngư dân Trung Quốc được hỗ trợ rất lớn để phục vụ chủ trương của nhà cầm quyền. Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong tháng 5/2014 vừa qua cũng là một ví dụ điển hình.

Trong sự kiện triển khai trái phép giàn khoan dầu nước sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng tàu cá của ngư dân nước này để hình thành vòng vây yểm hộ, cản phá hoạt động thực thi pháp luật của tàu chức năng Việt Nam bên cạnh các tàu chiến, máy bay quân sự làm nhiệm vụ canh giác, phản ứng khi có biến động.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng không phải tất cả các hoạt động liên quan đến ngư dân Trung Quốc ở các vùng EEZ, vùng tranh chấp ở nước ngoài đều do chính quyền Bắc Kinh xúi giục, một số ít trường hợp trong số này xuất phát từ các động cơ tự phát như mục tiêu kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hải sản của dân địa phương… Để củng cố cho nhận định của mình, tác giả Zhang Hongzhou cho rằng, đầu tiên, phải thừa nhận rằng tất cả các biến cố liên quan đến tàu thuyền của ngư dân Trung Quốc không chỉ xảy ra ở các vùng biển có tranh chấp liên quan đến những tuyên bố yêu sách (vô lý) của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Những sự cố này xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau từ Biển Đông (với Việt Nam, Philippines) đến Biển Hoa Đông (với Nhật Bản, Hàn Quốc) và thậm chí cả ở vùng biển giáp Nga, Bắc Triều Tiên, Indonesia và Palau.Thứ hai, thực tế là quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc và các nghiệp đoàn đánh bắt hải sản ở nước này cũng hết sức phức tại. Chính quyền Trung Quốc nhiều khi cũng bất lực, cảm thấy khó khăn để tiến hành ngăn chặn, kiểm soát ngư dân nước này không đi đánh cá trái phép.

Trái lại, ngư dân Trung Quốc không phải lúc nào cũng tin miệng chính quyền, trong chiến dịch chống tham nhũng mới đây nhất nhằm vào các quan chức quản lý đánh bắt cá của nước này ở tỉnh đảo Hải Nam, hàng tá quan chức Trung Quốc đã bị buộc tội biển thủ và ăn bớt tiền hỗ trợ nghiên liệu mà chính quyền Trung Quốc cung cấp cho ngư dân Hải Nam.

Thứ ba, nhiều trường hợp chính quyền Trung Quốc không trả tiền đền bù và hỗ trợ tài chính cho một số trường hợp ngư dân của nước này khi đánh cá trái phép ở nước ngoài bị bắt giữ và phá hủy tài sản mặc dù trước đó cũng có các trường hợp sau khi quay trở về nước, ngư dân Trung Quốc bị bắt, phá tài sản thường được chính quyền hỗ trợ các khoản trợ cấp không nhỏ.

Thứ tư, trong giai đoạn hiện nay, trong lúc Trung Quốc dường như ngày càng quyết liệt hơn khi muốn thể hiện các tuyên bố chủ quyền (bất hợp pháp ở Biển Đông) của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông thì mục tiêu duy trì ổn định hàng hải khu vực cũng vấn là một trong những mục tiêu được Bắc Kinh ưu tiên hàng đầu.

Hơn nữa, hiện nay, với sự quay lại châu Á – Thái Bình Dương của ảnh hưởng Mỹ, Bắc Kinh thừa hiểu rằng sẽ là điều bất lợi để đơn phương tiến hành các hành động thúc đẩy như dân của nước này đến các vùng biển tranh chấp để quấy lên căng thẳng, chuốc thêm oán ghét từ các quốc gia láng giềng.

Đây cũng có thể là một phần (nhưng không phải toàn bộ) mục đích của việc Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm ngư dân nước này đến đánh bắt cá gần khu vực bãi cạn Scarborough sau xảy ra đụng độ giữa nước này và Philippines vào năm 2012.

Nó cũng có thể là nguyên nhân khiến Bắc Kinh đột ngột không cung cấp hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân đến quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông đánh cá mặc dù ngư dân và giới học giả nước này đang rất trông chờ điều đó.

Có thời điểm số tàu cá Trung Quốc trên biển Đông lên tới hơn 4 vạn

Có thời điểm số tàu cá Trung Quốc trên biển Đông lên tới hơn 4 vạn. Ảnh minh họa

Những thay đổi cấu trúcTheo số liệu thống kê của Trung Quốc, năm 1985, gần 90 % tổng sản lượng đánh bắt hải sản của Trung Quốc đều được khai thác từ các khu vực ven bờ. Sản lượng này chủ yếu được ngư dân Trung Quốc đánh bắt tại hai vùng biển Bột Hải và Biển Vàng. Việc đánh bắt xa bờ khi ấy chỉ diễn ra với số lượng nhỏ tại khu vực Biển Hoa Đông và quanh Biển Đông (chiếm khoảng 10%).

Đến năm 2002, sản lượng đánh bắt gần bờ của Trung Quốc giảm xuống 65% trong khi đó sản lượng cá đánh bắt xa bờ đã tăng lên 35%. Kể từ mốc 2002 trở đi sản lượng đánh bắt xa bờ của Trung Quốc liên tiếp tăng và lấn át sản lượng đánh bắt gần bờ mặc dù trong năm 2002 Trung Quốc không công số số liệu chính thức về sản lượng khai thác hải sản gần và xa bờ.

Theo tác giả Zhang Hongzhou, sự thay đổi về cơ cấu, sản lượng đánh bắt từ gần bờ chuyển sang xa bờ của ngư dân Trung Quốc là kết quả của nhiều tác động hợp lại trong đó nhấn mạnh hai yếu tố là sức ép thị trường và chính sách đánh bắt cá của chính quyền Bắc Kinh.

Khi thu nhập tăng cao cũng là lúc người Trung Quốc ngày càng tiêu thụ nhiều hơn các sản vật từ biển. Trong hai thập kỷ qua, bình quân tiêu thụ hải sản của người Trung Quốc đang tăng khoảng 100%. Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản tăng nhanh chóng  buộc phải đáp ứng bằng các hoạt động nuôi trổng, đánh bắt hải sản xa bờ. Thực tế ở xã hội Trung Quốc hiện nay, tầng lớp Trung Quốc càng ngày càng mở rộng, chính tầng lớp này là khách hàng ưu thích của các loại sản phẩm hải sản đánh bắt xa bờ vốn được cho là an toàn hơn so với các sản phẩm được người Trung Quốc nuôi, trồng tồn dư nhiều loại chất cấm.

Sản lượng đánh bắt gần bờ của Trung Quốc cũng bị tác động mạnh bởi các nhân tố như nhu cầu tiêu thụ quá lớn, môi trường biển gần ô nhiễm cá không sống nổi hoặc xuất hiện ít hơn. Vì lợi nhuận kinh tế mà ngư dân nước này bị kích thích, họ muốn đến các vùng biển xa, thậm chí tới cả những nơi đang tranh chấp và vùng EEZ của nước khác để khai thác bất hợp pháp.

Nhu cầu tiêu thụ hải sản của một thị trường gồm hơn 1,4 tỷ dân không phải là lý do duy nhất dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc trong lĩnh vực khai thác hải sản tại Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ là nơi tiêu thụ, sản xuất các sản phẩm thủy, hải sản lớn nhất thế giới mà nước này cũng là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp xuất khẩu các sản phẩm thủy, hải sản lớn nhất hành tinh.

Thêm vào đó, trong những năm gần đây, ở Trung Quốc xuất hiện lĩnh vực kinh doanh mới trong đó lấy các sản vật từ biển như vỏ sò, san hô cỡ lớn làm măt hàng kinh doanh. Loại hàng hóa sau khi được thợ thủ công gia cố này được bán cho các nhà giàu muốn sử dụng các loại sản vật biển này làm đồ trang trí, quà tặng biếu xén lẫn nhau. Với những sản vật này, không nơi nào thích hợp hơn là những bãi đá, đảo ở Biển Đông.

Một ví dụ cho thấy, trong vài năm gần đây, chính vì nhu cầu khai thác vỏ sò lớn để làm đồ thủ công tăng mạnh mà tại một thị trấn trên đảo Hải Nam Trung Quốc đã hoàn toàn bỏ nghề đánh cá truyền thống chuyển sang chuyên săn tìm các loại sò lớn để lấy vỏ về bán và sản xuất đồ thủ công. Trong khi lượng sò vỏ lớn sinh sống ven biển Trung Quốc ngày càng ít đi do khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường thì ngư dân Trung Quốc tự tìm các mon men đến các vùng biển xa, thậm chí của nước ngoài để đánh bắt trộm. 

Chính sách của chính quyền

Trung Quốc trả tiền, hỗ trợ phương tiện khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ trên biển Đông

Trung Quốc trả tiền, hỗ trợ phương tiện khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ trên biển Đông. Ảnh minh họa

Đối mặt với thực tế gia tăng nhu cầu tiêu thụ hải sản tại nội địa và phục vụ mục tiêu xuất khẩu trong lúc sản lượng đánh bắt gần bờ đang ngày càng suy giảm, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành các bước đi đánh chú ý để giải quyết vấn đề, tiếp tục tham vọng.

Từ cuối những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đối với một phần Biển Đông, tuy nhiên, do biết vùng quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) không phải của mình kiểm soát nên Trung Quốc không cấm ngư dân đến đây đánh cá mà ngược lại còn khuyên khích ngư dân xuống khu vực này đánh bắt cá một cách bất hợp pháp.

Trung Quốc làm như vậy để đạt hai mục đích, thứ nhất là bảo vệ nguồn thủy sản trên biển Đông (khu vực quanh đảo Hải Nam cũng như vùng đánh bắt ở Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam, tự nhận đó là của mình, đơn phương ban lệnh trái phép), ép ngư dân của nước này muốn đánh cá thì hay xuống vùng quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam) để đánh bắt.

Trước những năm 90, Trung Quốc từng có chủ trương thu nhỏ các hạm đội đánh bắt cá đồng thời hướng dẫn ngư dân nước này chuyển đổi ngành nghề, trong đó nhấn mạnh chuyển sang các công việc trên bờ.

Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 1990 đến 2006 Trung Quốc đã ban hành các quyết định lịch sử, trong số đó có việc bỏ thuế, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Riêng lĩnh vực khai thác hải sản được đầu tư, chú ý mạnh, Trung Quốc bắt đầu (từ 2006) cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính lớn để khuyến khích ngư dân đóng tàu to, khai thác xa bờ.

Các khoản hỗ trợ tài chính được chính quyền Trung Quốc chuyển đến tay các chủ tàu cá theo định kỳ hàng năm dựa trên chỉ số mã lực hay công suất của con tàu mà người đó sở hữu. Gần như những chủ tàu này không phải bận tâm đến tiền mua nhiên liệu vận hành tàu cá.

Chính sách này của Trung Quốc đã tạo ra một cú hích mạnh, khuyến khích các ngư dân bỏ tàu cũ đóng tàu mới to, công suất lớn hơn tàu cũ để nhận tiền trợ cấp. Theo một số thống kê số chủ tàu nhận trợ cấp nhiên liệu tử chính phủ Trung Quốc đã tăng 7 lần từ mốc 2006 đến 2012. Riêng năm 2012, số trợ cấp mà chính quyền Trung Quốc cấp cho ngư dân nước này đã chạm mốc 3,8 tỷ USD.

Trợ cấp thông qua chi phí nhiên liệu của Trung Quốc hiện nay chiếm thành phần chính trong hoạt động hỗ trợ của chính quyền đối với ngành khai thác hải sản Trung Quốc. Chính sách của Bắc Kinh hiện cũng được một số quốc gia láng giềng của nước này áp dụng đối với các hạm đội đánh bắt cá trong nước.

Tại Trung Quốc, chi phí để mua nhiên liệu duy trì hoạt động đánh bắt cá xa bờ của ngư dân chiếm khoảng 1 nửa tổng thu nhập bình quân của họ. Điều này cho thấy sự hỗ trợ về tài chính của chính quyền Bắc Kinh đối với các hạm đội đánh cá xa bờ của nước này là cực lớn, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở khắp nơi, thậm chí cả ở các vùng EEZ của nước khác.

Tóm lại, thông qua bài viết của học giả,  Zhang Hongzhou chúng ta có thể nhận thấy rằng, những ngư dân Trung Quốc vì lợi ích mưu sinh, tự phát, tự tìm cách tiến hành các hoạt động đánh bắt xa bờ, đánh bắt trộm hải sản tại các vùng biển không phải của Trung Quốc, thậm chí trong vùng EEZ của nước ngoài không quá nhiều.

Thứ đáng lo ngại và đang ngày càng phát triển đó là những ngư dân đang được Bắc Kinh chỉ huy thông qua các khoản hỗ trợ rất lớn. Họ sẵn sàng, được cung cấp phương tiện, điều kiện để đến các vùng biển xa thuộc nơi đang có tranh đoạt, thậm chí là vùng EEZ của nước khác để đánh bắt cá, hải sản trái phép.

Thông qua hoạt động của lực lượng ngư dân, Trung Quốc nhân cơ hội đó phô trương thanh thế, củng cố các tuyên bố chủ quyền bất chấp tất cả luật pháp quốc tế, quy định cộng đồng để tìm kiếm lợi ích, thực hiện tham vọng riêng của mình.

Chính vì thế, theo dự đoán, trong thời gian tới, tàu cá của ngư dân Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục lần mò đến các vùng biển xa không phải của mình để đánh bắt trộm hải sản, thông qua đó là truyền tải, hỗ trợ các thông điệp, tuyên bố, hành động gia cố cái gọi là "chủ quyền và yêu sách lãnh thổ" bất hợp pháp của Bắc Kinh và đây sẽ là bài toán khó giải, khó ứng phó của những quốc gia láng giềng với Trung Quốc trong khu vực.

Theo Giáo Dục

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang