Toyota gia hạn bảo hành cho xe máy dầu do bộ lọc khí thải dính lỗi

author 14:42 28/10/2020

(VietQ.vn) - Nhiều ôtô sử dụng động cơ Diesel của Toyota ở Australia đã gặp vấn đề ở bộ lọc khí thải khiến nhà sản xuất Nhật Bản phải tăng gấp đôi thời gian bảo hành cho các mẫu xe bán tải và SUV.

Mới đây, Toyota Australia đã tăng gấp đôi thời gian bảo hành từ 5 năm thành 10 năm và không giới hạn số km cho những chiếc xe bị ảnh hưởng bởi vấn đề xảy ra đối với bộ lọc khí thải Diesel (DPF). Điều này có được nhờ phản ánh của các khách hàng về hệ thống DPF của các khối động cơ Diesel 1GD-FTV 2.8L và 2GD-FTV 2.4L, trong đó gồm những mẫu xe như Toyota Hilux, Land Cruiser Prado và Fortuner từ năm 2015.

Nhiều xe ô tô máy dầu có bộ lọc khí thải bị lỗi tại Australia

Theo đó, việc gia hạn bảo hành sẽ được "áp dụng cho các khách hàng đã gặp lỗi với hệ thống DPF có thể xuất hiện khói trắng đáng kể thải ra trong quá trình tái tạo hoặc đèn báo sự cố (MIL) có thể sáng và trong một số trường hợp sức mạnh động cơ có thể bị giảm như một biện pháp phòng ngừa (Chế độ Limp Home)".

Công ty luật Bannister Law đang tiến hành vụ kiện Toyota, với hơn 250.000 chiếc xe bán ra từ ngày 1/10/2015 đến 23/4/2020 bị ảnh hưởng. DPF là một trong những bộ phận thuộc hệ thống xả động cơ Diesel, có nhiệm vụ giữ các hạt bắn ra từ dòng khí thải và "đốt cháy" định kỳ chúng trong quá trình có tên gọi "tái sinh". Bộ lọc khí thải cực kỳ cần thiết đối với động cơ Diesel trong bối cảnh quy định về khí thải ngày càng thắt chặt.

Nhiều khách hàng mua xe Toyota đã bị các Cơ quan Bảo vệ Môi trường phạt tiền sau khi bị một số tài xế khác tố giác về vấn đề xả khói.

Toyota Hilux 2021

Một báo cáo độc lập gần đây, được viết bởi chuyên gia do tòa án chỉ định cho thấy thiết kế của hệ thống DPF cho động cơ Diesel Toyota đã bị lỗi và dễ tắc nghẽn khi sử dụng thường xuyên.

Điều này khiến khói trắng bị thải ra quá nhiều, đồng thời đèn cảnh báo cũng xuất hiện trên bảng táp-lô và trong một số trường hợp, xe sẽ bị chuyển về chế độ Limp Home. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy, chỉ những biện pháp đối phó gần đây nhất mới có hiệu quả hạn chế các vấn đề, những nỗ lực trước đó vào các năm 2016 và 2018 được cho không hiệu quả.
 
Mặc dù những vấn đề này chưa khiến Toyota phải triệu hồi xe nhưng nhà sản xuất Nhật bản đang tiến hành kiểm tra dịch vụ khách hàng, với việc liên hệ tất cả các chủ xe có khả năng bị ảnh hưởng và tổ chức đến kiểm tra các đại lý.
 
Một bản cập nhật gần đây của động cơ Diesel 2.8L tăng áp đã cải thiện công suất lên 201 mã lực, mô-men xoắn 500 Nm, trong đó có thay đổi về phần cứng và phần mềm. Theo Sean Hanley, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing và Bán hàng của Toyota Australia, điều này sẽ "tiếp tục cải thiện cách vận hành của DPF".
Bảo Linh
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang