Trung Quốc thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông nhằm mưu đồ gì?

author 06:47 21/11/2014

Tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 6 vừa diễn ra ở Đà Nẵng, Cựu Phó Đô đốc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Joji Koda đã kêu gọi chung tay ngăn chặn Trung Quốc thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông

Tình hình ở Biển Đông cực kỳ nguy hiểm

Như tin đã đưa, trong hai ngày 17 – 18/11 vừa qua tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, thu hút hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đến từ các nước ASEAN, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Đài Loan tham dự.

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang ra sức thay đổi nguyên trạng Đá Gạc Ma

Trong gần 40 tham luận và hơn 80 ý kiến thảo luận tại hội thảo đã có nhiều đại biểu tập trung làm rõ việc Trung Quốc đang ra sức làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông và những hậu quả do hành động này gây ra. Đáng chú ý trong số đó là tham luận “Những lĩnh vực hợp tác quân sự tiềm năng ở Biển Đông” của Cựu Phó Đô đốc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Joji Koda.

Mở đầu tham luận, ông nêu rõ, việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường sức mạnh hải quân, có quan điểm đơn phương, riêng biệt, sai lệch và có phần ích kỷ về chủ quyền lãnh thổ, các quyền ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia ven biển, đồng thời tiến hành một loạt hành động ngang ngược và quyết đoán ở các vùng biển châu Á, đặc biệt là ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đã tạo ra những quan ngại rất lớn về an ninh.

Cựu Phó Đô đốc Joji Koda nhấn mạnh: “Nguy cơ bùng phát xung đột quân sự giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông lớn hơn nhiều so với ở Biển Hoa Đông. Chúng ta phải thừa nhận rằng tình hình ở Biển Đông là cực kỳ nguy hiểm”. Từ đó ông đưa ra những đánh giá về một số thực thể có tầm chiến lược quan trọng ở Biển Đông, đặc biệt là xét từ góc độ sức mạnh biển:

Những thay đổi nguyên trạng đang diễn ra trên Biển Đông

Dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc, cựu Phó Đô đốc Joji Koda cho hay, tháng 10/2014, Trung Quốc đã hoàn tất việc cải tạo đường bằng dài 2.400m trên đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa (nằm cách Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 700km về phía Đông Nam và cách Đà Nẵng, Việt Nam 440km về phía Đông), cho phép tiếp nhận các máy bay vận tải quân sự và máy bay do thám cỡ lớn.

“Mặc dù Trung Quốc có kế hoạch xây dựng Phú Lâm thành một khu nghỉ dưỡng nhưng đảo này được coi là mắt xích quân sự hết sức quan trọng đối với Hải quân và Không quân Trung Quốc, bởi diện tích và cơ sở hạ tầng ở đây khá tốt. Hòn đảo này là bước đệm quan trọng để Trung Quốc mở rộng yêu sách ở Biển Đông cũng như phát triển và quản lý quần đảo. Như vậy Phú Lâm có tầm quan trọng chiến lược không chỉ đối với Trung Quốc mà còn cả các quốc gia khác trong khu vực” - Cựu Phó Đô đốc Joji Koda nói.

Đối với quần đảo Trường Sa, ông cho hay, Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực đầy tham vọng là cải tạo đầm phá lớn ở Đá Gạc Ma mà họ đã chiếm đoạt bằng vũ lực từ Việt Nam vào năm 1988. Rạn đá này có kích thước khoảng 4,5km tính từ Bắc xuống Nam và 2km tính từ Đông sang Tây, có một kênh nước sâu chạy từ Bắc xuống Nam ở phần trung tâm của đầm phá với cửa vào ở phía Bắc. Hiện Trung Quốc đang tiến hành hoạt động cải tạo đất ở nửa phía Đông của đầm phá và xây dựng một đường băng dài 2.500m có khả năng tiếp nhận máy bay phản lực cùng một số bến cảng, cầu tàu để tiếp đón tàu trọng tải lớn.

Theo cựu Phó Đô đốc Joji Koda, công việc cải tạo đất và xây dựng công trình kể trên dự đoán sẽ hoàn tất trong một vài năm tới. Giống như đảo Phú Lâm, Đá Gạc Ma sau khi cải tạo nhiều khả năng sẽ được quân đội Trung Quốc sử dụng trong tương lai. Nếu tham vọng này được hiện thực hóa, Trung Quốc có thể lần đầu tiên thiết lập vị thế vững chắc ở quần đảo Trường Sa với thực thể (đảo, đá ngầm, bãi cạn...) có kích thước và giá trị lớn hơn nhiều so với 13 thực thể còn lại mà 4 bên tranh chấp khác đang kiểm soát.

Nhân tố làm thay đổi “cuộc chơi” ở Biển Đông

Ông cho rằng Đá Gạc Ma chắc chắn sẽ là nhân tố thay đổi “cuộc chơi” ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ có hai bàn đạp và cứ địa trung tâm ở Biển Đông là Phú Lâm ở phía Bắc và Gạc Ma ở phía Nam nếu công việc cải tạo được hoàn tất. Cần lưu ý, khoảng cách từ Tam Á, đảo Hải Nam tới Gạc Ma khoảng 1.200km. Thêm vào đó, vị trí nằm ở giữa quần đảo Trường Sa khiến Gạc Ma trở thành nơi lý tưởng để theo dõi và kiểm soát hầu hết các tuyến hàng hải trên biển (SLOC) cùng những hoạt động hải quân diễn ra ở Biển Đông.

Như vậy, chuỗi đảo chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, nhân tố thúc đẩy chính sách và chiến lược Biển Đông nhằm thâu tóm toàn bộ khu vực bên trong yêu sách “đường chín đoạn”, sẽ được hình thành. Việc Trung Quốc thực hiện được tham vọng này sẽ tác động rất lớn đến chiến lược của các quốc gia ven Biển Đông, Mỹ và Nhật Bản.

“Chúng ta không nên bỏ qua và đánh giá thấp ý nghĩa thực sự của những nỗ lực âm thầm này. Tính đến ngày 1/11/2014, những hành động trên vẫn được che giấu đằng sau hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra vào tuần thứ 2 của tháng 11 tại Bắc Kinh. Trung Quốc lợi dụng việc cộng đồng quốc tế tập trung chú ý vào sự kiện APEC đang diễn ra ở Bắc Kinh để tiếp tục đẩy nhanh hoạt động cải tạo đất” - cựu Phó Đô đốc Joji Koda nói.

Hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng

Theo ông, khi đánh giá về cán cân quyền lực ở Biển Đông cần nhận ra lợi thế mà Trung Quốc có thể đạt được khi kết nối Tam Á – Hải Nam, đảo Phú Lâm và Đá Gạc Ma thành một trục thẳng từ Bắc xuống Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ có trục nối Bắc – Nam này thì chưa đủ để Trung Quốc thiết lập kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Trục liên kết này chỉ giúp Trung Quốc kiểm soát và phát huy tầm ảnh hưởng về phía Nam.

Tất nhiên, khi kết nối được cứ địa Tam Á với khu vực quần đảo Hoàng Sa và phần quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc kiểm soát, giá trị chiến lược của trục liên kết này là rất lớn, nhưng hiện tại họ vẫn chưa thiết lập được căn cứ để kiểm soát phần phía Đông của Biển Đông. Qua đó có thể thấy việc năm 2012 họ dùng mưu mẹo chiếm đoạt bãi can Scarborough mà Philippines đã kiểm soát lâu nay là để phục vụ mục đích này.

Tham vọng của Trung Quốc về một “tam giác chiến lược” trên Biển Đông

Bãi cạn Scarborough có hình dạng tam giác với kích thước mỗi cạnh khoảng 23km x 15km x 16km, có đủ diện tích để Trung Quốc cải tạo đất và xây dựng thành căn cứ quân sự như ở Gạc Ma. Theo ông Joji Koda, để hiện thực hóa ý tưởng hình thành một trục Bắc – Nam, Trung Quốc sẽ cải tạo bãi cạn Scarborough giống như điều đang làm ở Gạc Ma.

“Nếu hoàn tất tham vọng này, Trung Quốc sẽ tạo nên một tam giác chiến lược với ba đỉnh là đảo Phú Lâm, Đá Gạc Ma và bãi cạn Scarborough ở phần trung tâm của Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ không có một căn cứ quân sự nào ở Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực giữa Okinawa – Nhật Bản và Singapore. Quân đội Mỹ hiện chỉ được triển khai luân phiên ở các căn cứ tại Philippines và Úc mà không có căn cứ thường trực ở các quốc gia đồng minh này” – ông Joji Koda nói.

Đặc biệt, ông chỉ rõ, Hải Nam và Phú Lâm nằm ở vị trí lý tưởng để bao quát bờ biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam, quốc gia có vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực, cũng như vịnh Bắc bộ. Hai đảo này cũng thích hợp nhất để giám sát và triển khai các biện pháp quân sự khi xảy ra biến cố ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vị trí của Gạc Ma nằm ở giữa quần đảo Trường Sa, khi được liên kết với đảo Phú Lâm và Tam Á - đảo Hải Nam cũng là nơi lý tưởng để theo dõi chặt chẽ các tuyến hàng hải trên Biển Đông.

Tương tự như vậy, vị trí của Việt Nam, về phương diện chính trị và chiến lược, sẽ quan trọng hơn trước đây. Đặc biệt, một số vị trí chiến lược trọng yếu như vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng có đủ khả năng để kiểm soát vịnh Bắc bộ và khu vực phía Tây Biển Đông. Các vị trí chiến lược này chắc chắn là đối trọng chính trước động thái trên biển của Trung Quốc, đặc biệt là tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Quốc tế cần chung tay ngăn chặn trước khi không thể cứu vãn!

Trước tình hình này, Cựu Phó Đô đốc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Joji Koda kêu gọi tất cả các bên liên quan cần phải phối hợp hành động chống lại nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc tiến hành hoạt động cải tạo đất ở Đá Gạc Ma và trong tương lai có thể là ở bãi cạn Scarborough.

Ông Joji Koda nhấn mạnh: “Hiện chỉ có đảo Phú Lâm có khả năng đáp ứng hoạt động của máy bay chiến đấu nên không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc bắt đầu cải tạo đất tại Đá Gạc Ma từ cuối năm 2012 và có thể làm điều tương tự ở phần phía Đông của bãi cạn Scarborough. Khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng căn cứ quân sự trên hai nơi này thì cán cân quyền lực chiến lược ở Biển Đông cơ bản sẽ bị phá vỡ và không thể cứu vãn”.

Theo ông, các bên tranh chấp đối với Đá Gạc Ma (Việt Nam và Trung Quốc) và bãi cạn Scarborough (Philippines và Trung Quốc) nên tránh các hành động đơn phương, bao gồm cả hoạt động cải tạo đất. Hơn nữa, việc cảo tạo bề mặt của rạn san hô và sử dụng các rạn san hô làm nơi đổ phế thải từ các rạn san hô khác sẽ phá hủy môi trường tự nhiên của khu vực.

“Vì những lý do này, tất cả các quốc gia liên quan, đặc biệt là Mỹ cùng với Nhật Bản, Úc phải phối hợp đưa vấn đề trên ra diễn đàn quốc tế để xem xét. Đặc biệt, các hành động ngang nhiên của Trung Quốc trước nỗ lực bảo vệ môi trườn tự nhiên ở Biển Đông, cụ thể là đơn phương phá hoại và tận diệt các quần thể san hô ở Đá Gạc ma, phải bị ngăn chặn, hoặc ít nhất được coi là vấn đề quốc tế, từ đó kêu gọi các quốc gia quan tâm triệu tập một hội nghị quốc tế để thảo luận về vấn đề này” - .cựu Phó Đô đốc Joji Koda kêu gọi.

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang