Từ vụ MB24 liên tưởng đến trùm lừa đảo Allen Stanford

author 10:47 06/09/2012

Vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Cty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) khiến người ta liên tưởng đến cú lừa ngoạn mục của tỉ phú Allen Stanford – kẻ đã gây ra một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, “cuỗm” của các nhà đầu tư từ hàng trăm quốc gia số tiền lên đến 7 tỉ USD.

 

Allen Stanford.
Allen Stanford.

Khác với trùm lừa đảo Bernarrd Madoff, còn khá vô danh cho đến khi bị bắt, Allen Stanford lại là một người giàu “có số có má” và được khá nhiều người biết đến. Năm 2006, Stanford từng được Tạp chí Forbes xếp hạng thứ 605 trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới với tổng tài sản 2,2 tỷ USD. Stanford được biết tới khi bắt đầu làm giàu bằng việc buôn bán bất động sản hồi những năm 1980.

Allen Stanford đã gây dựng danh tiếng của mình bằng việc quyên hàng chục nghìn USD cho các quỹ từ thiện khắp thế giới. Standford thậm chí còn được phong tước Hiệp sỹ của đảo quốc Antigua & Barbuda năm 2002 vì những nghĩa cử hào phóng của hắn. Allen Standford cũng nổi tiếng trong giới chính trị với tư cách một nhà tài trợ hào phóng cho các quỹ vận động tranh cử, trong đó có Bill Nelson, nghị sĩ của đảng Dân chủ tại bang Florida.

Standford là một nhân vật có sức hút vô cùng lớn đối với những tờ báo lá cải ở Mỹ bởi những trò ăn chơi xa xỉ. Stanford sở hữu một đội bóng và thường tài trợ cho các giải đấu để khoa trương thanh thế. Trong một lần dự khai mạc giải đấu bóng đá, tất cả các những người có mặt trên sân bóng đã choáng váng khi Allen xuất hiện với trực thăng riêng, tay xách theo cả một vali bằng nhựa trong suốt chứa 20 triệu USD những tờ bạc mệnh giá 50$.

Hắn dùng số tiền trên phân phát cho cả chục cô bồ tháp tùng và thưởng cho những cầu thủ tâng bốc ông chủ, gọi hắn là “Ngài Stanford”. Người ta cho rằng tỉ phú này dường như bị ám ảnh bởi hình ảnh những ông trùm giàu có và đầy quyền lực trong các bộ phim Hollywood và luôn muốn “học đòi” các vị kia khi liên tục mua những biệt thự xa hoa, những du thuyền sang trọng và chuyên cơ riêng…

Nguồn gốc khối tài sản khổng lồ của Stanford được làm rõ gần như cùng lúc với sự sụp đổ của “trùm” lừa đảo Madoff. Năm 2009, nhà chức trách đã tiến hành bắt giữ Stanford sau khi xác định đối tượng này đã “giẫm đạp” lên những người không giàu có, bao gồm giáo viên nghỉ hưu, cựu chiến binh, công nhân, thậm chí theo như lời của một nạn nhân, Stanford “đã ăn cắp cả cuộc sống” của họ để làm giàu cho bản thân.

Đa số những người có mặt với tư cách người bị hại đều cảm thấy chưa thỏa mãn với mức án 110 năm tù mà thẩm phán đã đưa ra đối với Stanford tại phiên tòa ngày 14/6 vừa qua. Một thẩm phán gọi hành động của Allen nằm trong số những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử, giá trị tài sản lên tới 7 tỉ USD và thậm chí còn không thể truy ra nguồn gốc để hoàn lại cho các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia.

Hình thức lừa đảo của Allen Stanford thực chất là kinh doanh trá hình theo kiểu “mô hình Ponzi”, vay của người này trả cho người khác. Tỉ phú nước Mỹ đã mở rộng ngân hàng Stanford International của hắn thành một quỹ đầu tư toàn cầu, mời chào các nhà đầu tư những khoản lợi tức béo bở từ một dự án “ma”, hứa hẹn sẽ nhanh chóng và dễ dàng thu lãi cao.

Nhà đầu tư mờ mắt trước chiếc “bánh vẽ” ấy sẽ mua chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng, thực chất là đem tiền cho vay, rồi tiếp tục giới thiệu cho những người khác. Trong giới tài chính, “mô hình Ponzi” đã được chứng minh là không bền vững và tất yếu sẽ tới ngày vỡ nợ khi kẻ chủ mưu bị phát giác và các nhà đầu tư không thể thu lại được một đồng lãi nào từ dự án không có thật.

Theo điều tra, ngân hàng Stanford International sở hữu giá trị tài sản lên tới 8 tỉ USD nằm trong các nguồn dự trữ tiền mặt và bất động sản. Tuy nhiên, thay vì đầu tư số tiền đó, Stanford lại tiêu xài hết vào những trò ăn chơi, giải trí cá nhân. Cơ quan điều tra Mỹ đã bắt tạm giam Allen Stanford sau khi theo dõi các quỹ đầu tư của Allen.

Phiên tòa xét xử đối tượng này về tội danh lừa đảo mãi đến giữa năm 2012 mới kết thúc được sau nhiều lần bị hoãn lại vì các luật sư bào chữa cho rằng tỉ phú 62 tuổi bị mất trí nhớ khi đang chịu giam trong tù. Trong thời gian đó, Allen Stanford vẫn sống an nhàn tại đảo Antigua ở Caribe và còn tiếp tục lừa đảo thêm nhiều nạn nhân khác.

Đến nay “mô hình Ponzi” đã có thêm nhiều biến thể mới như kinh doanh kim tự tháp, bán hàng đa cấp… Trong đó những sản phẩm, dự án thường không có thật hoặc chất lượng thực tế khác xa quảng cáo nhưng lại được kêu gọi đầy hứa hẹn, càng nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào thì lợi nhuận càng cao và “dễ ăn”, khiến cho hàng trăm nghìn người thậm chí đã bị dồn vào bước đường cùng vì mơ ước làm giàu nhanh chóng.

Theo Phapluatvn

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang