Ung thư phổi: Căn bệnh gây tử vong hàng đầu

author 05:36 09/09/2016

(VietQ.vn) - Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu dễ dẫn đến tử vong

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu dễ dẫn đến tử vong. Có kiến thức về triệu chứng ung thư phổi ở giai đoạn đầu thì sẽ giúp chúng ta phát hiện ra bệnh. Từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả nhất.

Theo báo Vietnamnet thì hiện tại, Việt Nam đang là nước có tỷ lệ mắc ung thư thuộc loại cao nhất thế giới. Rất nhiều trường hợp khi nhập viện đã rơi vào giai đoạn cuối, không thể điều trị. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh thông qua các triệu chứng điển hình là rất quan trọng. Một điều an ủi là tỷ lệ sống sót của các bệnh nhân ung thư phổi cao hơn so với người ta vẫn tưởng. Có tới 45-50% bệnh nhân giai đoạn 1 sống được ngoài 5 năm sau khi điều trị, thế nhưng tỉ lệ này đối với các bệnh nhân giai đoạn 4 chỉ còn vẻn vẹn 1%.

Câu hỏi đặt ra những triệu chứng của căn bệnh chết người này là gì? Cần nhớ rằng kể cả khi bạn không hút thuốc, việc hiểu và ghi nhớ các triệu chứng phát hiện bệnh sớm cũng rất quan trọng. Theo thống kê, tại thời điểm này, 50% số bệnh nhân mắc ung thư phổi từng hút thuốc lá, nhưng cũng có 15% bệnh nhân chưa từng hút thuốc trong đời. Ung thư phổi cũng có thể xảy ra ở thanh thiếu niên.

Dấu hiệu của bệnh ung thư phổi

Theo Vietnamnet có 5 dấu hiệu để phát hiện ra ung thư phổi sớm nhất

1. Bệnh ho dai dẳng

Nhiều người bỏ qua hoặc chọn cách sống chung với trận ho dai dẳng, cho rằng nó xuất phát từ việc cảm cúm thông thường, viêm họng, thậm chí dị ứng. Thế nhưng nếu bạn bị ho kéo dài vài tuần mà không khỏi thì lại là dấu hiệu đáng lo ngại hơn nhiều.

Đây có thể là một trong những triệu chứng sớm của ung thư phổi nhưng rất dễ bị bỏ qua, nhất là khi bạn có tiền sử bệnh dễ gây nên ho như dị ứng, suyễn... Ho ra máu là một triệu chứng thường thấy của ung thư phổi nhưng khác với trên phim, lượng máu chảy ra khá ít và thường là bệnh đã diễn tiến sang giai đoạn sau. Do đó, chỉ cần bị ho kéo dài, bạn vẫn nên đến bác sĩ ngay để kiểm tra.

Những thói quen đơn giản hàng ngày giúp ngăn ngừa ung thư(VietQ.vn) - Chính những thói quen sống và chế độ ăn uống tưởng chừng như nhỏ nhặt hàng ngày, lại có ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển ung thư

2. Khó thở khi hoạt động

Một triệu chứng phổ biến nữa để nhận biết sớm ung thư phổi là cảm giác khó thở khi bạn hoạt động mạnh.

Tuy nhiên, triệu chứng này rất dễ bị đánh đồng với việc bạn nhiều tuổi, người thừa cân hay huyết áp thấp... Tuy nhiên, nếu mỗi lần đi bộ, làm "chuyện ấy" đều khiến bạn mệt mỏi, khó thở thì độ ẩm không khí có lẽ không phải là tội đồ duy nhất. Hãy ngay lập tức lên một cuộc hẹn với các bác sĩ.

3. Đau vai, lưng, ngực hoặc cánh tay

Các khối u phổi có thể chèn ép lên những dây thần kinh ở khu vực này, khiến cho bạn cảm thấy đau tức ở ngực, vai, lưng hoặc một bên cánh tay, trước cả khi chúng gây ra ho hay khó thở. Nếu như bạn phát hiện thấy hiện tượng đau ở các khu vực nói trên của cơ thể mà không liên quan gì đến chấn thương, hoặc kéo dài một cách khả nghi thì hãy đến bệnh viện. Khoảng 50% bệnh nhân ung thư phổi bị đau ngực hoặc vai tại thời điểm phát hiện ra bệnh, nhất là khi những cơn đau tăng dần cùng với hiện tượng ho.

4. Liên tục bị viêm phế quản hoặc viêm phổi

Việc nhiều người điều trị các triệu chứng của bệnh viêm phế quản, viêm phổi nhiều lần rồi phát hiện ra mình mắc ung thư phổi không phải là hiếm. Nếu như khối u nằm ở gần đường thở, nó có thể gây tắc nghẽn hô hấp, từ đó dẫn đến các loại bệnh viêm nhiễm nói trên. Nếu như bạn bị viêm phế quản hoặc viêm phổi theo kiểu chữa khỏi lại bị với tần suất dày chỉ trong một thời gian ngắn, hãy tham khảo bác sĩ.

5. Bất cứ triệu chứng bất thường nào hoặc sức khỏe tự nhiên suy yếu

Nếu như bạn để ý thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra với mình, nhất là nếu như bạn có tiền sử hút thuốc thì rất cần tham khảo bác sĩ. Dù chỉ là những triệu chứng có vẻ không liên quan như đau đầu gối, nhưng chúng đều có thể là dấu hiệu báo hiệu ung thư phổi. Các triệu chứng chung như mệt mỏi, ăn kém ngon, cân nặng tụt không lý do, hay trầm cảm đều đáng lo ngại.

Nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi. Những người hút thuốc lá lâu dài sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư

Bị bệnh phổi mãn tính

Những người bị bệnh phổi mãn tính, chẳng hạn như lao có khả năng bị mắc ung thư cao. Ngoài ra, viêm phế quản và các bệnh phổi mãn tính có thể gây ung thư

Do cơ địa

Những người có tiền sử gia đình có bệnh ung thư phổi di truyền, chức năng miễn dịch kém cũng làm giảm hoạt động trao đổi chất, gây rối loạn nội tiết, dẫn đến các bệnh về phổi.

Bệnh nghề nghiệp

Những người có công việc phải tiếp xúc lâu dài trong môi trường có các chất như uranium, radium và các chất phóng xạ khác.

Những môi trường sản xuất và chế biến liên quan đến các chất như asen, crôm, niken, đồng, thiếc, sắt, nhựa, than đá, nhựa đường, dầu, amiăng và các chất khác có thể gây ra ung thư phổi.

Cách phòng ngừa ung thư phổi

Theo báo VnExpress có 7 cách phòng ngừa ung thư phổi

Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF), 85% số người mắc bệnh có hút thuốc. Khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc, trong đó có 69 chất gây ung thư bằng cách làm tổn hại DNA của tế bào. Vì vậy, không hút thuốc lá là cách tốt nhất phòng ngừa ung thư phổi.

Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá

Tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi 20-30%. Khói thuốc gây hại cho sức khỏe con người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì chức năng phổi chưa hoàn thiện. Để phòng ngừa bệnh, hãy khuyên các thành viên trong gia đình từ bỏ thói quen này và tránh xa nơi có khói thuốc lá.

Tránh xa không khí ô nhiễm

Không khí ô nhiễm, nước thải sinh hoạt, khói xe cộ... đều chứa các chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Vì vậy, bạn nên chú ý khử trùng nơi ở, sử dụng các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp như đeo khẩu trang khi tham gia giao thông...

Giảm phơi nhiễm hóa chất

Có hơn 40 chất gây ung thư liên quan đến công việc như amiăng, thạch tín, crom và niken… Nếu thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại tại nơi làm việc, bạn nên tuân thủ chỉ dẫn an toàn và bảo hộ lao động.

Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra mức radon trong nhà. Radon là một chất khí phóng xạ nguy hiểm, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Radon được hình thành do uranium phân hủy tự nhiên, mà uranium lại có thể xuất hiện trong đất, nước, đá xung quanh nhà bạn.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây tươi cũng cấp các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cần thiết. Nhờ vậy, hệ miễn dịch sẽ hoạt động tốt, hỗ trợ cơ thể phòng chống ung thư.

Tập thể dục đều đặn

Cùng với dinh dưỡng, chế độ tập luyện đều đặn mỗi ngày cũng giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa ung thư.

Tầm soát ung thư phổi

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Đoàn Hữu Nghị - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, nguyên Giám đốc Bệnh viện E Trung ương), các biện pháp phòng chống ung thư đạt hiệu quả ở mức tương đối. Vì vậy, ngoài việc thay đổi lối sống lành mạnh, vẫn nên tầm soát ung thư phổi định kỳ, đặc biệt là người hút thuốc lá lâu năm, người trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi…

Các phương pháp chụp CT liều thấp, X-quang, xét nghiệm máu… có thể phát hiện ung thư phổi từ giai đoạn sớm, khi người bệnh chưa có triệu chứng. Điều trị ngay ở giai đoạn đầu sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

Thùy An (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang