Uy lực bộ 3 'Thần chết, Thiên Nga trắng, Gấu Nga' không kích IS

author 08:31 19/11/2015

Nga đã điều bộ ba "bảo bối" tầm xa gồm Thiên Nga trắng Tu-160, Thần chết Tu-22M3 BackFire C và Gấu Nga Tu-95MS tham gia chiến dịch không kích tiêu diệt IS ở Syria.

Bộ 3 máy bay ném bom chiến lược dòng Tupolev của Nga tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria.

Theo tin của Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/11, lực lượng không quân chiến lược nước này đã điều phi đội máy bay ném bom tầm xa đến Syria để tăng gấp đôi số lần xuất kích, cho phép tấn công chính xác các vị trí của phiến quân Nhà nước Hồi giáo, ở sâu trong lãnh thổ nước này.

Bộ 3 máy bay ném bom chiến lược Nga bao gồm Tupolev Tu-22M3 Backfire C, Tu-95MS Bear-H và Tu-160 Blackjack đã trực tiếp tham gia chiến dịch không kích vào các mục tiêu IS ở Syria. Chúng đều xuất phát từ các sân bay Nga và trở về nhà sau mỗi lần không kích.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo, từ lúc 2h đến 2h30 GMT đêm 17-11 (từ 9h-9h30 sáng ngày 17-11), 12 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, Tu-22M3 và Tu-160, được sự hộ tống của các chiến đấu cơ Su-27 đã bay từ Nga sang không kích các mục tiêu IS ở tỉnh Raqqa và Deir Ezzor của Syria.

Theo đánh giá, với sự góp mặt của bộ ba vũ khí tối tân này, Không quân Nga đang triển khai thực hiện kế hoạch giáng đòn chí mạng vào các mục tiêu IS, tạo “bàn đạp” để Quân đội Chính phủ Syria mở cuộc tổng tiến công nhằm nhanh chóng tiêu diệt và chiếm lĩnh các trận địa mà IS đang chiếm lĩnh tại Syria.

“Thiên Nga trắng” Tu-160

Tupolev Tu-160 là một máy bay ném bom hạng nặng, có tốc độ siêu thanh được thiết kế bởi hãng chế tạo Tupolev, thuộc Liên bang Xô viết. Nó là bản thiết kế máy bay ném bom chiến lược cuối cùng của Liên Xô và là máy bay chiến đấu lớn nhất từng được chế tạo. Được đưa ra giới thiệu năm 1987, việc chế tạo máy bay này vẫn đang tiếp tục, với 14 chiếc hiện đang phục vụ trong Không quân Nga.

Tu-160 có thiết kế đặc biệt với cánh máy bay có khả năng thay đổi hình dạng, với góc nghiêng tùy chọn từ 20° tới 65°. Tu-160 sử dụng bốn động cơ phản lực cánh quạt đẩy NK-32, loại động cơ mạnh nhất từng được lắp cho máy bay chiến đấu, giúp nó có thể đạt vận tốc siêu thanh Mach 2.

Tu-160 được trang bị một hệ thống nạp nhiên liệu trên không cho phép tăng tầm hoạt động, dù nó hiếm khi được sử dụng bởi số lượng nhiên liệu nạp lớn lên tới 130 tấn, khiến không cần tái nạp nhiên liệu nó cũng có thể hoạt động 15 giờ.

Dù Tu-160 được thiết kế để giảm khả năng bị radar và các hệ thống hồng ngoại phát hiện, nó không phải là một máy bay tàng hình. Các nguồn tin Nga tuyên bố rằng nó có diện tích phản hồi radar (RCS) nhỏ hơn chiếc B-1 của Mỹ, nhưng điều này chưa từng được kiểm định độc lập, và có lẽ là không đúng bởi vì chiếc Tu-160 có cửa hút khí và diện tích cánh lớn hơn.

Sức mạnh của Tu-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ có thể mang các loại tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa có hướng dẫn tầm ngắn, bom hạt nhân, bom thông thường, địa lôi và thủy lôi, với tổng trọng lượng tối đa 40 tấn. Máy bay ném bom hạng nặng này có khả năng thực hiện các chiến dịch tầm xa vì nó thể tiếp nhận dầu trên không bằng loại máy bay chuyên dụng do Nga chế tạo IL-78 hay ZMS-2.

Thông số kỹ thuật: Chiều dài 54,1 m; Chiều cao 13,1 m; Sải cánh: 55,7 m; Diện tích bề mặt cánh 400 m²; Trọng lượng tối đa 275.000 kg. Máy bay có thể mang lượng nhiên liệu tối đa 171.000 kg. Trần bay 15.000 m; Tầm hoạt động: 14.000 km; Tốc độ bay tối đa 2.220 km/h.

“Gấu Nga” Tu-95MS

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 do hãng Tupolev nghiên cứu sản xuất từ đầu những năm 1950 trang bị cho Không quân Liên Xô (chính thức năm 1957). Ngày nay, nó vẫn phục vụ tích cực trong Không quân Nga và trở thành máy bay ném bom chiến lược duy nhất trên thế giới còn dùng động cơ cánh quạt.

Tu-95 trang bị 4 động cơ tuốc bin cánh quạt NK-12M, mỗi động cơ lắp 2 cánh quạt đồng trục quay ngược chiều giúp đạt tốc độ 830km/h – nhanh nhất trong thế giới máy bay cánh quạt. Máy bay đạt tầm bay xa đến 15.000km, trần bay 13.700m, vận tốc leo cao 10m/s.

Tu-95 được trang bị 2 pháo tự động 23mm AM-23 ở đuôi để chống tiêm kích địch bám đuôi và khoang trong thân chứa 15 tấn vũ khí gồm tên lửa (tên lửa hành chống tàu như Kh-22 hay tên lửa hành trình đối đất tầm xa như Kh-55/101) và bom thông thường.

Thông số kỹ thuật: Chiều dài 49,50m; chiều cao 12,2m; sải cánh 50,5m; diện tích cánh 310m2. Trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 187.700kg, bán kính chiến đấu 6.500km, trần bay 12.000m; vận tốc tối đa 925km/giờ.

Thần chết “Tu-22M3” BackFire C

Trong khi Tu-95 và Tu-160 nổi tiếng với kích thước khổng lồ và khả năng tấn công hạt nhân khủng khiếp thì Tu-22 lại được coi là một “sát thủ diệt tàu sân bay“ hàng đầu trên thế giới. Với phiên bản nâng cấp mới nhất là Tu-22M3, đã được cải thiện tính năng khí động học, trọng lượng và các đặc tính kỹ chiến thuật.

Nguyên mẫu đầu tiên của máy bay ném bom Tu-22M3 bay thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 6 năm 1977, và các bài kiểm tra nhà nước đã được hoàn thành vào năm 1981. Kể từ năm 1981 đến năm 1984, máy bay tiếp tục thực hiện cá chuyến bay thử nghiệm bổ sung với khả năng chiến đấu tăng cường. Năm 1978, máy bay bắt đầu sản xuất hàng loạt song song với Tu-22M2. Tổng cộng có 268 chiếc Tu-22M3 được sản xuất tại Hiệp hội Sản xuất Hàng không Kazan (KAPA).

Máy bay có khả năng mang tải trọng vũ khí 24 tấn trong đó tên lửa chống hạm tầm xa Kh-22N được xem vũ khí chủ đạo của Tu-22M3 với tầm bắn lên đến 600 km cơ số 2 tên lửa treo hai bên cánh> Máy bay cũng được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-15 với tầm bắn 300 km cơ số 6 tên lửa ổ quay bên trong thân.

Thông số kỹ thuật: Chiều dài 41,60 m; Sải cánh 23,17m; Trọng lượng cất cánh tối đa 92.000 kg; Tốc độ tối đa 1.510 km/h; Tầm hoạt động: 4.900 km; Trần bay 13.300m.

Theo Báo Giao thông


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang