Vì sao quân Mông Cổ san bằng cả châu Âu nhưng đành ‘bó tay’ với Đại Việt?

author 06:52 16/03/2016

(VietQ.vn) - Quân Mông Cổ 3 lần thất bại trước Đại Việt do nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố khí hậu, thời tiết quyết định khá nhiều đến thắng lợi của quân ta.

Ba lần đánh bại Mông Cổ

Theo nhà sử học Đặng Hùng, tháng Chạp năm Ất Dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, chấm dứt giai đoạn nhà Lý cai trị Đại Việt và cũng là thời kỳ mở đầu của vương triều Trần ở nước ta. Trần Cảnh lên làm vua (Trần Thái Tông), phong cho Trần Thủ Độ là Thái sư thống quốc thành quân Chinh Thảo Sự.

Sau khi thay thế nhà Lý (ở giai đoạn này đã quá suy yếu về chính trị, quân sự, kinh tế) - Triều đình nhà Trần tích cực đẩy mạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp, quai đê lấn biển, tiêu diệt các thế lực chống đối, ổn định tình hình chính trị trong nước, chính quyền trung ương tập quyền được củng cố vững chắc hơn so với triều trước.

Ở đất nước Mông Cổ, năm 1206 Thành Cát Tư Hãn lên làm vua. Nhà nước phong kiến Mông Cổ được hình thành và phát triển, nhanh chóng trở thành một đế quốc lớn mạnh chưa từng có trong lịch sử thế giới từ trước đến giờ. Quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn đã xâm lược rất nhiều nước Châu Âu và Châu Á.

Ở Châu Âu vó ngựa Mông Cổ đã tiến đến Ba Lan và Đức, Hungari và tới sát Ý vào năm 1242, khiến cả Châu Âu chấn động.

3 lần đánh tan quân mông cổ

Trong lịch sử, lực lượng quân đội Nguyên triều được đánh giá là hùng hậu và có sức mạnh vô địch.

“Theo sử biên niên của nước Pháp thì mối lo sợ trước quân Mông Cổ đã làm đình trệ cả sự buôn bán”. Ở Đức xuất hiện bài kinh cầu nguyện “Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ của Tác-ta – Mông Cổ”.

Ở phía Nam quân Mông Cổ chiếm Trung Quốc, Cao Ly, tấn công Nhật Bản... Một đế quốc Mông Cổ rộng mênh mông được tạo lập từ bờ biển Hắc Hải đến tận Thái Bình Dương.

Quân đội Mông Cổ với lực lượng kỵ binh thiện chiến đánh đâu thắng đấy! Nhưng cả ba lần xâm lược Đại Việt, với 1 triệu quân, thì bị đánh cho đại bại. Chủ tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân lính “kéo” về Vân Nam. Toa Đô, dũng tướng khét tiếng của Mông Cổ bị rơi đầu. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bị bắt, trở thành vật tế sống ở mộ các vua Trần...

Về diễn biến các trận đánh, quý độc giả có thể tìm hiểu thêm. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến nguyên nhân tại sao một đội quân hùng hậu như Mông Cổ lại thất bại trước một nước nhỏ như Đại Việt.

‘Trời’ giúp Đại Việt

Nguyên nhân cơ bản cho chiến thắng này là chính sách đoàn kết nội bộ của những người lãnh đạo.

Ngoài ra phải kể tới trong thành công của nhà Trần là đội ngũ tướng lĩnh xuất sắc, nòng cốt lại chính là các tướng trong hoàng tộc nhà Trần. Dù xuất thân quyền quý nhưng các hoàng tử, thân tộc nhà Trần, ngoài lòng yêu nước - và bảo vệ quyền lợi dòng tộc - số lớn là những người có thực tài cả văn lẫn võ như Trần Quốc Tuấn, Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đều là những tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam. Đó là chưa kể tới Trần Thủ Độ, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản...

3 lần đánh tan quân mông cổ

Quân Mông Cổ tan vỡ trong trận Đông Bộ Đầu, tìm đường tháo chạy về phương Bắc.(tranh minh họa)

Bên cạnh đó, chiến thắng của nhà Trần có được nhờ rất lớn vào sự sáng suốt của các tướng lĩnh trong chiến thuật, đứng đầu là Trần Hưng Đạo. Trong khi tác chiến, các tướng lĩnh nhà Trần chủ động tránh lực lượng hùng hậu người Mông mà đánh vào các đạo quân người Hán bị cưỡng bức theo quân Mông sang Đại Việt. Tâm lý của những người mất nước và phải chịu sự quản thúc của người Mông khiến các đạo quân này nhanh chóng tan rã, sức kháng cự thấp. Một cánh quân tan rã có tác động tâm lý lớn tới các đạo quân còn lại trên toàn mặt trận.

Ngoài những nguyên nhân trên thì còn một nguyên nhân nữa vô cùng quan trọng khiến Mông Cổ phải chịu thất bại tại Đại Việt là thời tiết.

Nước ta trong mùa hè có khí hậu nóng ẩm, một loại khí hậu mà người Mông Cổ không ưa. Vào những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi; quân Mông Cổ không chịu nổi khí hậu này. Mùa này, cây cối nở hoa, làm các nhị hoa theo gió bay đi khắp nơi, quân Mông Cổ mới sang bị dị ứng chịu không nổi. Trong đất đai của từng địa phương cũng còn có các hóa chất khác nhau, bình thường thì ta không thấy gì, nhưng lúc mưa xuống chúng bị các phản ứng hóa học bay hơi hòa trong không khí, hít vào khó chịu. Thêm vào đó các vi khuẩn cũng tìm môi trường điều hòa nhất để sinh sống lúc giao mùa từ nóng sang lạnh hay ngược lại. Đó chính là cơ thể người, vì trong con người nhiệt độ không thay đổi. Nhiều vi khuẩn khác sống ở hoa ôi, rễ mục cộng thêm với hóa chất hòa tan chảy xuống sông, vào giếng uống vào sinh bệnh tật nhất là hay bị đau bụng. Dân ta sinh sống nơi đây lâu, sự miễn nhiễm tốt hơn nên ảnh hưởng ít. Quân Mông Cổ từ xa tới chưa được miễn nhiễm nên bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Quân Mông Cổ quen ở vùng khô lạnh, trong khi đi chiến đấu thường uống máu ngựa sống để tăng thêm sinh lực. Tuy nhiên ở miền Bắc Việt Nam, do khí hậu ẩm nên khi máu ngựa tuôn ra ngoài chứa đựng nhiều vi khuẩn có hại, quân Mông Cổ uống vào sinh bệnh tật, mất sức chiến đấu.

Khi quân ta nhận thấy quân địch bị yếu đau, liền cho quân phản công. Đó là chiếm lấy thiên thời. Qúy vị cứ tưởng tượng tới cảnh một người lính Mông Cổ đang nhức đầu chóng mặt hay đang lúc tháo dạ mà phải cầm vũ khí ra trận thì đánh nhau thế nào. 

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang