Vụ gần 9 tỉ đồng gửi ngân hàng ‘bốc hơi’: Những tình tiết cần làm rõ

authorĐỗ Thu Thoan 16:51 28/03/2017

(VietQ.vn) - Việc một khách hàng mất gần 9 tỉ đồng gửi gân hàng có nhiều tình tiết cần làm rõ. Các chuyên gia, lãnh đạo NH cũng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không ký khống vào các loại giấy tờ, không ‘rút gọn’ quy trình giao dịch để tránh rủi ro.

Theo báo Người lao động, nhiều Ngân hàng (NH) thừa nhận không ít khách hàng VIP thường giao dịch từ xa và ‘khoán’ 1 số quy trình giao dịch cho nhân viên NH. Đây là một kẽ hở dẫn đến rủi ro.

Báo Người Lao Động dẫn lời chuyên gia tài chính NH, TS Bùi Quang Tín phân tích, có nhiều tình tiết cần làm rõ trong giải thích của NCB. Trong trường hợp này, theo NCB, 17 giao dịch phát sinh từ sổ tiết kiệm (STK) của bà Mai giai đoạn năm 2012 đến tháng 1/2016 đều có chữ ký của khách hàng và theo đúng quy trình của NH nhưng có đúng chữ ký của bà Mai hay bị giả, việc ký đó có tự nguyện hay bị ép buộc? Khách hàng có hiểu rõ nội dung ký hay ký khống vào giấy trắng do tin tưởng NH?

vu-9-ti-dong-gui-ngan-hang-boc-hoi-nhung-tinh-tiet-can-lam-ro

Vụ 9 tỉ đồng gửi Ngân hàng ‘bốc hơi’, nhiều tình tiết cần làm rõ - Ảnh minh họa

‘Đặc biệt, sau khi bà Mai ký tất toán STK thì ai là người nhận số tiền này? Thủ quỹ trả tiền cho khách hàng có đúng người không và nếu có sai sót, NH cũng phải có trách nhiệm liên đới trong trường hợp này dưới góc độ đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan’ – vị TS phân tích.

Ngay cả sau khi chuyển từ STK sang chứng từ dạng sản phẩm bảo lãnh NH lãi suất 13%/năm và NCB cho rằng không hạch toán vào hệ thống nhưng NH cũng có trách nhiệm trong việc quản lý con dấu. Theo các chuyên gia, không thể có chuyện trưởng PGD được cầm, quản lý con dấu. Ngay cả khi kiểm soát viên - người giữ con dấu - đi ra ngoài, giao cho trưởng phòng giữ thì ai chịu trách nhiệm khi xảy ra sai sót? ‘Nếu không có con dấu, khách hàng sẽ không tin tưởng nên NH có lỗi trong quy trình kiểm soát con dấu’ - TS Bùi Quang Tín nêu rõ.

Trước đó, trao đổi với Zing, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, rất ngạc nhiên với sản phẩm có tên ‘chứng chỉ bảo lãnh’ mà nguyên trưởng PGD 14, NCB thông báo để chào mức lãi suất 13%/năm cho khách hàng Nguyễn Bạch Mai.

Luật sư cũng cho rằng trong vụ việc này, mỗi bên đều có lỗi nhưng theo nguyên tắc, khi khách hàng gửi tiền vào NH thì phải được bảo đảm an toàn. Dù nhân viên có sai phạm và chuyển cơ quan điều tra nhưng NH cũng có phần trách nhiệm khi không kiểm soát, để nhân viên có cơ hội sai phạm.

Vụ việc đã gây ảnh hưởng đến uy tín của NH, niềm tin của dân chúng, xuất phát từ vấn đề nguyên tắc, pháp luật cũng như cách thức xử lý.

Luật sư nói gì về vụ việc gần 9 tỷ đồng gửi ngân hàng ‘không cánh mà bay’(VietQ.vn) - 'Chứng chỉ bảo lãnh’ mà nguyên trưởng phòng giao dịch số 14, NCB thông báo để chào mức lãi suất cao cho khách hàng Nguyễn Bạch Mai đã khiến luật sư vô cùng ngạc nhiên.

Cũng theo Người lao động, để tránh những vụ việc tương tự, theo các chuyên gia NH, cả NH thương mại và khách hàng tuyệt đối không ‘rút gọn’ quy trình giao dịch, kể cả đối với những khách hàng VIP để bảo vệ NH và khách hàng.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM cho biết thông thường, người gửi từ 1-2 tỉ đồng trở lên sẽ trở thành khách hàng VIP. Tuy nhiên, không vì vậy mà khách hàng ‘khoán trắng’ hoặc tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ NH nào, ngay cả trưởng PGD, vì vị trí này không thể làm thay tất cả như nhân viên giao dịch, kiểm soát viên, ngân quỹ...

Đối với các giao dịch có số tiền lớn, khách hàng cần biết tự bảo vệ mình, như thường xuyên kiểm tra tài khoản, đến PGD, chi nhánh khi làm thủ tục gửi tiền, tất toán và kiểm tra đầy đủ các quy trình có chữ ký, con dấu.

Trước đó, trong đơn tố cáo gửi tới Thanh Niên, bà Nguyễn Bạch Mai (Cầu Giấy, HN) cho biết, từ năm 2012 đến 6/1/2016 đã gửi vào NCB chi nhánh Hà Nội, PGD số 14 (Trần Khát Chân, HN) tổng tiền cả gốc lẫn lãi hơn 8,7 tỉ đồng. Ban đầu được gửi tiết kiệm, sau đó được bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng PGD số 14 tư vấn, nên bà Mai đã chuyển sang bảo lãnh NH với lãi suất 13%/năm. Hàng tháng PGD 14 đều chuyển cho bà bảng kê tiền gửi và tính lãi hàng tháng của NCB có chữ ký của Trưởng PGD và đóng dấu đỏ của NH.

Đến tháng 1/2017, bà Mai đến PGD 14 rút tiền thì được thông báo toàn bộ số tiền đã bị rút hết. Trong khi, bà khẳng định, từ khi gửi tiền bà chưa rút, cũng không nhận 1 đồng lãi. Theo bà Mai, bà chỉ 2 lần lên NH đổi tiền và không thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền cũng như ký vào giấy tờ gì. Thế nhưng 8,7 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi đã không cánh mà bay vô cùng khó hiểu.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang