Vũ khí đánh chặn đáng gờm nào đã hạ gục tên lửa Mỹ tấn công Syria?

author 11:00 14/04/2018

(VietQ.vn) - Trong cuộc tấn công Syria đã có 13 tên lửa của Mỹ bị hạ gục. Vậy nhiều nghi vấn đặt ra rằng, vũ khí nào đã đánh chặn được tên lửa uy lực nhất thế giới này của Mỹ?

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Trước đó, sau khi Mỹ đe dọa sẽ tấn công Syria, đáp lại, Điện Kremlin tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Mỹ bắn vào Syria nếu họ cảm thấy tính mạng của các cố vấn quân sự và quân nhân Nga ở Syria bị đặt trong tình trạng nguy hiểm.

Để ứng phó với sức mạnh cực kỳ đáng sợ của các tàu khu trục và tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, Nga đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và S-400 để tạo thành “lá chắn thép” bảo vệ vững chắc bầu trời Syria.

Theo các chuyên gia, hệ thống tên lửa S-300 và S-400 không chỉ sở hữu hệ thống tên lửa đánh chặn cực mạnh mà còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hết sức đáng gờm.

Chỉ có những binh sĩ ưu tú nhất từng vận hành nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa khác nhau ở Nga mới dám “mơ” được lựa chọn cho S-400.

 Hệ thống tên lửa S-400 có khả năng đánh chặn mọi tên lửa của Mỹ tấn công Syria? Ảnh: VOV

 Hệ thống tên lửa S-400 có khả năng đánh chặn mọi tên lửa của Mỹ tấn công Syria? Ảnh: VOV

 “Tuyến phòng thủ đầu tiên là hệ thống gây nhiễu bằng sóng vô tuyến với khả năng tác chiến điện tử hiệu quả. Hệ thống này sẽ khiến toàn bộ hệ thống điều khiển và dẫn đường điện tử của bất kỳ loại tên lửa nào “bị bịt mắt”, ông Viktor Murakhovsky, Tổng Biên tập tạp chí Kho Vũ khí của Tổ quốc tuyên bố.

Ông Murakhovsky cho biết, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Donald Cook đã từng một lần “bị mù” bởi hệ thống tác chiến điện tử của Nga hồi đầu năm 2014 khi chiếc tàu này tiến vào lãnh hải của Nga ở Biển Đen.

“Một trong những chiến đấu cơ S-24 của chúng tôi bay sát phía trên tàu khu trục Donald Cook và vô hiệu hóa các trang thiết bị bằng sóng vô tuyến trên chiếc tàu này bằng hệ thống tác chiến điện tử Khibiny có trên máy bay. Sau khi tàu này trở về Mỹ, nhiều thủy thủ trên tàu đã đệ đơn xin nghỉ việc”, ông Murakhovsky nhớ lại.

Cũng theo ông Murakhovsky, hệ thống tác chiến điện tử cực mạnh này cũng được lắp đặt trên hầu hết các loại máy bay và trực thăng khác nhau. Trong đó có chiếc IL-22 Porubshchik có kích thước rất lớn, chuyên thực hiện các nhiệm vụ tác chiến điện tử đặc biệt.

Nhóm thiết kế chiếc IL-22 Porubshchik cho biết, chiếc máy bay này có khả năng gây nhiễu “có chọn lọc” các thiết bị điện tử của đối phương và thậm chí khiến “kẻ bị bịt mắt” trở thành mục tiêu công kích của chính hệ thống tác chiến điện tử của chúng.

“Trước khi bật hệ thống gây nhiễu điện tử, IL-22 Porubshchik sẽ quét các tín hiệu vô tuyến trong khu vực hoạt động. Sau khi đã phát hiện ra tần số vô tuyến của thiết bị tác chiến điện tử của đối phương, các phi công trên IL-22 Porubshchik sẽ tiến hành gây nhiễu trên chính tần số đó”, một nhà thầu quốc phòng Nga giải thích.

Ngoài các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên máy bay, Nga còn triển khai hệ thống tác chiến điện tử Krasnukha-4 xung quanh căn cứ không quân Khmeimim ở Syria.

Mổ xẻ tên lửa bám theo đạn ‘bất khả chiến bại’ trên tàu chiến của Nga (VietQ.vn) - Tên lửa S-300FM Fort-M là vũ khí có tầm phát hiện mục tiêu tới 300 km và được coi là một trong những hệ thống phòng không trên tàu chiến mạnh nhất thế giới hiện nay.

Hệ thống tác chiến điện tử Krasnukha-4 có nhiệm vụ chặn đứng các đợt “nghe lén” và phá hoại hệ thống dẫn đường cho các loại vũ khí của đối phương. Krasnukha-4 có thể “làm mù” hệ thống radar của địch ở khoảng cách lên đến 250km.

Nga hiện đang triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-300 và S-400 để bảo vệ bầu trời Syria. Đây là những hệ thống phòng thủ tên lửa cực mạnh có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách từ 250-400km.

Ngoài ra, S-300 và S-400 có thể cùng lúc phát hiện và theo dõi tới 36 mục tiêu và bắn hạ tối đa 12 mục tiêu trong phạm vi từ 150-250km ngay cả khi mục tiêu này di chuyển với vận tốc lên tới 2,5km/giây.

Theo Giáo sư Vadim Kozyulin tại Học viện Khoa học Quân sự Nga: “Để hỗ trợ cho S-300 và S-400, Nga còn thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir-S1. Pantsir-S1 có nhiệm vụ bắn hạ các loại tên lửa “may mắn” không bị bắn hạ bởi các tên lửa tầm xa của S-300 và S-400”. Cũng theo Giáo sư Kozyulin, Pantsir-S1 có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách từ 10-15km.

Lần đầu tiên Nga đưa S-400 đến Syria là trong năm 2015 sau sự kiện căng thẳng trong tháng 11 cùng năm với Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga ở biên giới với Syria.

Với phạm vi hoạt động 400 km, hệ thống phòng không S-400 đóng vai trò như chiếc ô che chắn cho Syria. S-400 tại căn cứ không quân ở Latakia có thể chống đỡ cho không phận phía Tây và Trung Syria thậm chí đối đầu trực diện với căn cứ tại Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đồn trú phần lớn không lực của quân đội Mỹ trong khu vực.

Tờ Daily Mail (Anh) cho biết S-400 cùng một thời điểm có thể theo dõi hàng chục và bắn hạ 36 mục tiêu. Tên lửa thuộc S-400 có thể đạt vận tốc 17.700 km/h. Một khả năng đặc biệt khác của S-400 là hệ thống này sở hữu radar có thể định vị được máy bay tàng hình ở khoảng cách gần, khoảng vài chục km.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang