Vụ làm oan ông Nguyễn Thanh Chấn: ‘Không thể chỉ một người chịu trách nhiệm’

author 08:54 03/10/2014

Bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao đã hứa trước Quốc hội sẽ xử lý nghiêm khắc những người gây ra oan, sai.

Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một thẩm phán TAND Tối cao xử phúc thẩm làm oan người vô tội đã bị khởi tố. Phóng viên đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, xung quanh chuyện này.

Trả lời phỏng vấn của Phóng viên, bà Lê Thị Nga(ảnh) nói:


Việc kết tội oan ông Nguyễn Thanh Chấn đặt trong bối cảnh Hiến pháp mới đề cao vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các nghị quyết về cải cách tư pháp cũng đang được triển khai một cách khẩn trương. Đồng thời, áp lực của Quốc hội, của cử tri, của dư luận về việc xem xét trách nhiệm của người gây ra oan, sai là rất lớn. Bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao cũng đã hứa trước Quốc hội sẽ xử lý nghiêm khắc những người có lỗi gây ra oan, sai. Tôi cho rằng việc xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự các cán bộ làm oan trong vụ án này là thể hiện sự tích cực và nghiêm túc của các cơ quan có thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và cử tri.

Trách nhiệm của những người liên quan

Phóng viên: Khi xảy ra án oan, việc cả kiểm sát viên, điều tra viên và thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đều bị khởi tố là việc chưa từng xảy ra. Vì sao vụ Nguyễn Thanh Chấn làm được điều này, thưa bà?

+ Theo tôi, đầu tiên dễ nhận thấy là sai ở đây khá rõ, đến mức qua thông tin trên báo chí thì ngay cả người không được đào tạo về luật cũng thấy sai rồi. Chẳng hạn, việc cơ quan tố tụng đã sử dụng tình tiết xác định kích thước bàn chân ông Chấn “gần đúng” với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường, ông Chấn có nhiều chứng cứ ngoại phạm nhưng không được xem xét kỹ, việc thu giữ và nhận dạng hung khí gây án có nhiều mâu thuẫn... Cho nên sẽ không quá khó khăn khi quy trách nhiệm về mặt chủ quan cho những người tiến hành tố tụng.

. Tại phiên giải trình về việc chống bức cung, nhục hình, bà đã đặt vấn đề về việc có hay không có việc bức cung, nhục hình trong vụ án oan của ông Chấn. Câu trả lời của lãnh đạo VKSND Tối cao là có nhục hình, chưa phát hiện thấy bức cung, điều tra viên thực hiện việc dùng nhục hình đã chết nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Bà có hài lòng với câu trả lời nhận được không?

+ Thực sự, tôi chưa thỏa mãn với câu trả lời đó. Trong vụ án này, một câu hỏi lớn chưa trả lời được là: Với tình trạng sức khỏe tâm thần bình thường, tại sao ông Chấn trong nhiều bản cung lại nhận tội mà mình không thực hiện trong khi ông thừa hiểu rằng việc nhận tội đó có thể dẫn đến bị pháp luật tước đoạt mạng sống hoặc bị phạt tù rất nặng? Từ đó tôi đặt ra nghi vấn về việc có bức cung, nhục hình. Và với một vụ án đặc biệt nghiêm trọng như thế thì theo quy định hiện hành, không thể chỉ có một điều tra viên điều tra và do đó không thể chỉ có một người chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng cần kiểm tra lại hồ sơ để làm rõ những ai tham gia điều tra vụ án này? Trách nhiệm của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, của viện trưởng, phó viện trưởng VKS thế nào? Dẫu thời gian xảy ra vụ việc đã lâu, bối cảnh hỏi cung chỉ có điều tra viên và ông Chấn nên sẽ khá khó khăn cho cơ quan điều tra của VKSND Tối cao. Nhưng chúng tôi cũng đề nghị cần xem xét kỹ hơn những thông tin mà ông Chấn và luật sư nêu ra để làm rõ, tránh bỏ lọt tội phạm.

Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được trả tự do.

Quá coi trọng lời nhận tội

Thưa bà, trong vụ việc này điều khiến dư luận bức xúc là những cái sai mà đến những người không biết luật cũng thấy, như bà vừa đề cập. Như vậy, ở đây có câu chuyện về việc tuân thủ các quy định của BLTTHS của những người tiến hành tố tụng?

+ Vụ án Nguyễn Thanh Chấn cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi khác: Tại sao xảy ra việc kết tội oan ông Chấn? Lỗi do người áp dụng pháp luật là gì?

Thông tin cho thấy hồ sơ vụ án này có những bản cung ông Chấn nhận tội. Các cơ quan tố tụng sau giai đoạn điều tra đã quá coi trọng lời nhận tội mà không xem xét kỹ những chứng cứ gỡ tội khác. Về cơ bản, ở giai đoạn sơ thẩm, họ đã lấy những lời nhận tội đó làm chứng cứ chính để kết tội ông Chấn, trong khi Điều 72 BLTTHS quy định rất rõ: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Những người tiến hành tố tụng đã không tuân thủ quy định này.

Cần nghiên cứu về quyền im lặng

. Theo bà, tố tụng hình sự hiện hành đang có vấn đề ở đâu? Cần làm gì để chống oan, sai, chống bức cung, nhục hình?

+ Để thực hiện tốt những nhiệm vụ của tố tụng hình sự thì không chỉ cần một BLTTHS tốt. Chúng ta phải xem lại ngay cả những quy định pháp luật liên quan.

Về tạm giữ, tạm giam, liên quan đến việc lấy lời khai của nghi can, quy định thế nào để bảo đảm sự minh bạch khi lấy lời khai, trong bối cảnh chỉ có điều tra viên và nghi can, không có kiểm sát viên, luật sư? Vậy khi người bị giam giữ khai bị bức cung, nhục hình như trường hợp ông Chấn thì lấy gì để chứng minh? Chúng ta sẽ không có gì để bảo vệ người bị tạm giữ, tạm giam cả. Có cần quy định bắt buộc có camera giám sát các cuộc hỏi cung?

Để chống bức cung, nhục hình thì cơ quan quản lý giam giữ phải thực sự độc lập với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, thực tế tại một số huyện thì phó trưởng công an huyện phụ trách công tác điều tra thường kiêm phụ trách luôn nhà tạm giữ. Kể cả tách bạch được hai chức danh này thì cả hai “ông” điều tra và quản lý giam giữ vẫn là người cùng một cơ quan, vẫn có một thủ trưởng chung là trưởng công an huyện. Và công an tỉnh cũng tương tự. Như vậy khó có thể nói rằng đã độc lập giữa cơ quan điều tra và cơ quan quản lý giam giữ trên thực tế.

Quy định về trách nhiệm của VKS trong giai đoạn trước khởi tố trong Luật Tổ chức VKS để ràng buộc trách nhiệm của VKS khi xảy ra bức cung, nhục hình hoặc bỏ lọt tội phạm.

Qua vụ này, bà có rút ra vấn đề gì liên quan đến các quy định của tố tụng hình sự?

+ Quy định về thẩm quyền của công an xã, phường trong việc phối hợp xử lý tin báo, tố giác. Hiện pháp luật không quy định công an xã, phường có thẩm quyền điều tra nhưng thực tế họ đang tiến hành một số hoạt động mang tính chất điều tra ban đầu. Đáng lưu ý, công an xã là lực lượng bán chính quy, không được đào tạo cơ bản nhưng có những thẩm quyền lớn liên quan đến tố tụng hình sự theo Pháp lệnh Công an xã nên đã xảy ra một số vụ việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe nghi can.

Ngoài ra, các quy định khác trong BLTTHS về quyền của luật sư, về giấy chứng nhận bào chữa, về quyền không khai báo (hay là quyền im lặng cho đến khi có luật sư)... cũng rất cần được nghiên cứu, xem xét qua vụ án này.

Từ vụ án này, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn trên bình diện rộng để xem tổng thể, từ đó xác định vấn đề gì do áp dụng pháp luật sai và bài học gì rút ra để điều chỉnh pháp luật nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự.

. Xin cảm ơn bà.

Chưa hủy hai bản án dân sự liên quan đến ông Chấn

Ngày 2-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Hoàng Minh Hiển (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Lý Nguyễn Chung) cho biết: Trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn, cơ quan tố tụng đã tuyên hủy hai bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nhưng hiện nay vẫn còn hai bản án dân sự đối với ông Chấn vẫn còn hiệu lực pháp luật.

Theo luật sư Hiển, bản án hình sự phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên y án chung thân đối với ông Chấn về tội giết người nhưng về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên hủy phần cấp dưỡng của ông Chấn đối với con trai thứ hai của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan (do tại thời điểm đó chưa xác định được ngày tháng năm sinh của cháu). Theo đó, phần trách nhiệm dân sự sẽ được xem xét trong một vụ án khác.

Ngày 30-9-2004, ông Chấn phải tham gia vụ kiện dân sự (do TAND huyện Việt Yên xét xử) để giải quyết vấn đề nêu trên. Tòa này tuyên ông Chấn phải cấp dưỡng cho con trai thứ hai của nạn nhân đến khi cháu tròn 18 tuổi. Ông Chấn sau đó làm đơn kháng cáo. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang sau đó tiếp tục tuyên y án sơ thẩm. (Thời gian qua ông Chấn đã không chấp hành bản án dân sự này vì cho rằng mình bị oan).

Cũng theo luật sư Hiển, do phần án hình sự, Hội đồng Tái thẩm TAND Tối cao đã mở phiên tòa tái thẩm tuyên hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm đối với ông Chấn nên sẽ có một phiên tòa tương tự để tuyên hủy hai bản án dân sự nêu trên. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng căn cứ vào tính chất của vụ án, trường hợp này nên mở phiên tòa theo thủ tục giám đốc thẩm chứ không phải là tái thẩm.

Còn thời hiệu truy cứu người làm oan ông Chấn

Thông tin báo chí chỉ nêu ông Chiêm bị khởi tố theo Điều 285 BLHS mà không nói rõ khởi tố theo khoản nào của điều luật. Tuy nhiên theo chúng tôi, trường hợp gây oan, sai này có thể được coi là phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy có khả năng ông Chiêm sẽ bị xem xét ở khoản 2 Điều 285, có mức án cao nhất là 12 năm tù.

Theo khoản 3 Điều 8 BLHS thì với mức án cao nhất này, khung hình phạt nói trên thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng. Và với tội phạm rất nghiêm trọng thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm. Do vậy việc truy cứu ông Chiêm là không sai.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀĐoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Theo PLO


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang