Vận chuyển khoáng sản trái phép, nhiều cá nhân bị xử phạt

author 14:49 09/06/2021

(VietQ.vn) - Mới đây, trong công tác kiểm tra, giám sát, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Sơn La) đã xử lý 4 xe ô tô vận chuyển khoáng sản (cát) trái phép, xử phạt hành chính trên 15 triệu đồng và tịch thu gần 85m3 cát.

Tình trạng vận chuyển khoáng sản trái phép hoành hành tại Sơn La. Ảnh: Cục QLTT Sơn La 

Tiếp đó, Đội QLTT số 2 phối hợp với phòng PC03 - Công an tỉnh tiến hành khám 05 xe ô tô tải gồm: Xe 26H-001.35 của ông Lò Văn Mạnh, bản Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn; xe 29C-623.78 của ông Hoàng Mạnh Cường, tổ 9, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La; xe 35C-011.79 của ông Mai Quang Khánh, tiểu khu 17, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn; xe 28C-053.17 của ông Trần Duy Thành, tổ 8, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La và xe 26C-056.14 của ông Cà Văn Tuấn, tổ 14, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.

Tại thời điểm khám, trên các xe vận chuyển khoáng sản tổng cộng 91,7m3 cát. Các lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được giấy tờ, hoá đơn để chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với số khoáng sản (cát) đang vận chuyển trên xe. Đội QLTT số 2 đã tiến hành xử phạt gần 20 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số cát theo quy định.

Trước thực trạng khai thác khoáng sản không phép diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, đời sống người dân khu vực ven sông… các cơ quan ban ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan, nhất là chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm an ninh trật tự liên quan đến việc khai thác khoáng sản.

Cụ thể, Luật Khoáng sản năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)…

Trong đó, tại khoản 1, điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018)  quy định, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm: Cát các loại có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại sét không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, xi măng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam; Ngoài ra, còn có các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khác như: Đá cát kết, đá có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%; đá trầm tích các loại, đá magma, đá biến chất không chứa hoặc có chứa các khoáng sản kim loại,…

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định: Đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp bị xử phạt thấp nhất là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với khoáng sản có giá trị dưới 1.000.000 đồng, cao nhất là phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với khoáng sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; đồng thời tịch thu tang vật vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác, tại Điều 37, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 100 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép đến dưới 2m; Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép (theo bề mặt) khai thác từ 100 m đến dưới 200 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 2 m đến dưới 5 m;…

Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 6 tháng đến dưới 15 tháng. Đồng thời buộc cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn; đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ còn phải đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra; nộp lại số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực khoáng sản do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm, buộc trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc trong trường hợp có hành vi vi phạm.

 An Dương 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang