Cảnh báo: 1/3 trẻ em ở Mỹ bị bỏng nước sôi do mì ăn liền

authorKhánh Mai 13:24 13/02/2023

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu mới đây của Mỹ, 1/3 số vụ trẻ em bị bỏng nước sôi ở Mỹ là do mỳ ăn liền.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Burns (Bỏng) bởi nhóm tác giả tại trung tâm chống bỏng của Đại học Chicago đã kiểm tra dữ liệu liên quan đến tất cả bệnh nhi nhập viện với vết bỏng do chất lỏng nóng gây ra trong khoảng thời gian 2010-2020. Trong tổng số 790 trường hợp bỏng nước sôi, 31% là do mì ăn liền, CNN đưa tin.

Trong thông cáo báo chí, giáo sư giải phẫu Sebastian Vrouwe, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Hầu như cứ hai đứa trẻ tới chỗ chúng tôi điều trị thì có một trẻ bị bỏng do mỳ ăn liền, do đó chúng tôi muốn kiểm tra dữ liệu xem xu hướng này ra sao. Chúng tôi hy vọng sẽ đặt nền tảng cho việc soạn thảo chương trình phòng ngừa bỏng trong tương lai, vì về căn bản, mọi trường hợp trẻ em bị bỏng đều ít nhiều có thể phòng ngừa."

Trong tổng số 790 trường hợp bỏng nước sôi, 31% là do mì ăn liền, CNN đưa tin. Ảnh minh họa

Ông Vrouwe cho biết nhóm nghiên cứu không ngờ mỳ ăn liền lại là nguyên nhân lớn làm trẻ em bị bỏng như vậy, cho thấy việc nâng cao nhận thức về loại bỏng này có thể tác động đáng kể lên nhận thức của cộng đồng. Cũng theo kết quả nghiên cứu, việc trẻ em dễ bị bỏng do mỳ ăn liền hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện sống của các hộ gia đình. Thông thường, trẻ em bị bỏng rất có thể là dân da màu và ở khu phố nghèo. Xu hướng đó có thể do mỳ ăn liền là món ăn rẻ tiền, do vậy “nếu toàn cầu cố gắng giải quyết nạn trẻ em đói nghèo thì có thể sẽ góp phần phòng ngừa trẻ em bị bỏng.” Giáo sư Vrouwe cho rằng sự giám sát của người lớn là biện pháp phòng ngừa thiết yếu để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bỏng do mỳ ăn liền cũng như các món ăn nóng khác.

Cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần biết những cách sơ cứu căn khi trẻ bị bỏng do nước sôi. Ảnh minh họa

Khi trẻ không may bị bỏng lửa, nước sôi, cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau:

Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

Khánh Mai (t/h)  

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang