An toàn thực phẩm - Phải kiểm soát những cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ

author 05:50 27/10/2023

(VietQ.vn) - Theo các thống kê có hơn 70% cơ sở giết mổ (CSGM) động vật nhỏ lẻ hoạt động không có chứng nhận đăng ký kinh doanh, tạo ra mối nguy lớn cho người tiêu dùng và môi trường.

Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chưa có chứng nhận đăng ký kinh doanh

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay: Đến nay, cả nước có tổng cộng 463 CSGM động vật tập trung, 24.654 CSGM động vật nhỏ lẻ giảm khoảng 5.000 cơ sở so với năm 2015.

Tuy nhiên, chỉ 7.362 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn lại 17.292 cơ sở (chiếm 70,1%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Chỉ 4.574 cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định (đạt 62,1% số cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).

 Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai các CSGM tập trung. Ảnh minh họa

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cảnh báo: Khảo sát trên địa bàn tỉnh ghi nhận có hơn 70 điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ không phép, tiềm ẩn mối nguy lớn phát sinh và lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm (ATTP) và ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Thịt động vật trên cạn chiếm tỷ trọng tiêu dùng lớn trong đời sống xã hội hiện nay. Việc kiểm soát giết mổ động vật có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm vệ sinh ATTP, phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh trên động vật từ giết mổ, lây lan dịch bệnh từ động vật sang người (cúm A/H5N1). Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm vệ sinh ATTP từ động vật, bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo đảm chất lượng sản phẩm xuất khẩu từ động vật.

Mặt khác, để tiến tới không còn các CSGM nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình CSGM nhỏ lẻ, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Các địa phương cần siết chặt kiểm soát các CSGM nhỏ lẻ

Tại Hà Nội, số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 862 mẫu để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm; hiện đã có kết quả 658 mẫu, còn 204 mẫu đang chờ kết quả phân tích. Đối với các mẫu đã có kết quả, có 632 mẫu nông lâm sản và thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm (chiếm 96,02%); 25 mẫu vi phạm (tỷ lệ 3,98%).

Công tác giám sát được các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện nghiêm túc; qua đó đã kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm, những mẫu vi phạm. Các ngành chức năng cũng đã ban hành nhiều văn bản cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.

Cũng trong 9 tháng qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 478 lượt cơ sở sản xuất - kinh doanh nông lâm sản và thủy sản. Theo đó, phát hiện 33 cơ sở có vi phạm quy định, chiếm tỷ lệ 4,2%; đã tiến hành xử phạt 33 trường hợp, với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, nhiệm vụ đặt ra là cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ thể sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm siết chặt quy định về nguồn gốc, xuất xứ động vật và các sản phẩm từ động vật.

Ông Lê Đình Hà Thanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện thành phố đã đưa vào hoạt động 5 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, đây được coi là bước đột phá của địa phương trong công tác quản lý và kiểm soát giết mổ động vật nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn và định hướng xuất khẩu. Còn lại, phần lớn các CSGM tập trung hoạt động theo hình thức tập trung giết mổ (trong cùng một địa điểm, chủ cơ sở phân lô từng dây chuyền có công suất giết mổ nhỏ hoặc chia ô cho hộ giết mổ nhỏ thuê).

Việc quản lý và kiểm soát CSGM nhỏ lẻ không chỉ đảm bảo ATTP mà còn bảo vệ môi trường và ngăn ngừa dịch bệnh. Vì vậy, cần sự tập trung từ tất cả các bên liên quan để đảm bảo chất lượng thực phẩm và an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang