Bắc Ninh xử phạt hộ kinh doanh rượu ngoại, máy hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc

author 15:34 01/08/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh vừa xử phạt trên 162 triệu đồng cơ sở kinh doanh rượu ngoại, máy hút thuốc lá điện tử và khí N2O nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Đỗ Văn Tiến có địa chỉ tại Thửa 44, tờ 31, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. 

Nguyên nhân là do Hộ kinh doanh Đỗ Văn Tiến vi phạm 4 hành vi bao gồm: Kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hoá chất; Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Kinh doanh hàng hoá nhập lậu là thực phẩm.

Trước đó, ngày 14/7/2023, Đội Quản lý thị trường số 3 Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đội 1 Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý (PC04) Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Đỗ Văn Tiến.

Tại thời điểm kiểm tra ông Đỗ Văn Tiến là chủ hộ kinh doanh vi phạm không xuất trình được giấy tờ gì liên quan đến số hàng hoá gồm 187 kg khí N2O, 550 chiếc máy hút thuốc lá điện tử dùng 1 lần và 305 chai rượu ngoại các loại. Ngoài ra, cơ sở của ông Tiến không có giấy phép kinh doanh hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Hộ kinh doanh Đỗ Văn Tiến vi phạm 4 hành vi về kinh doanh hóa chất nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị xử phạt. Ảnh: Cục QLTT Bắc Ninh

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, "hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ" là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, việc mua bán là vi phạm pháp luật. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, người có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì tùy mức giá trị hàng hóa vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

 An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang