Bác sĩ cảnh báo: Hiểm hoạ khôn lường khi lạm dụng viên uống vitamin

author 07:13 14/01/2024

(VietQ.vn) - Để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe nhiều người lựa chọn viên uống vitamin, tuy nhiên lạm dụng vitamin hoặc sử dụng chúng không phù hợp với từng đối tượng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Nhiều người sử dụng viên uống vitamin tổng hợp hằng ngày như một "siêu thực phẩm" giúp bảo vệ sức khỏe, phòng, chống bệnh tật. Thậm chí, không ít người quá kỳ vọng vào vitamin tổng hợp, cho rằng nó có thể giúp con người tránh được bệnh ung thư, tim mạch cũng như các loại bệnh mạn tính khác. 

Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng, nhiều cơ sở kinh doanh vitamin của các hãng thực phẩm chức năng nước ngoài được quảng cáo với nhiều công dụng: Chống lão hóa, tăng cường sự dẻo dai, chống loãng xương... Thị trường xuất hiện đủ thứ, từ loại dùng cho trẻ em cho tới người già, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh muốn níu giữ thanh xuân. 

Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm có xuất xứ từ Đức, Mỹ, Australia được nhập khẩu chính hãng, trên thị trường cũng có không ít những loại vitamin "xách tay" ẩn chứa hiểm họa khôn lường cho người dùng đang được bán tự do. 

Chính vì thế, nhiều người tự ý mua về uống để có đủ dưỡng chất cho cơ thể vì nghĩ rằng các loại vitamin đều tốt, uống càng nhiều sẽ càng có lợi. Nhiều người còn cho rằng, dùng vitamin với liều lượng cao hơn mức khuyến nghị sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Song, trên thực tế, việc dư thừa một số vitamin và khoáng chất nhất định có thể gây hại cho cơ thể. Bác sĩ Nguyễn Công Bình, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, nên tham khảo và xin chỉ định của bác sĩ để dùng cho phù hợp. Vitamin chỉ tốt và phát huy tối đa tác dụng khi gặp đúng người đúng bệnh, chúng có thể gây hại khi bị sử dụng bừa bãi, dù đó là thuốc bổ.

Lạm dụng vitamin có thể gây hại cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Tương tự, các bác sĩ tại Bệnh viện Bình dân TP.HCM cũng cho biết, tại Khoa Nội thận - Lọc máu nhiều bệnh nhân đang gặp vấn đề sức khỏe không ổn định và phải thực hiện chạy thận nhân tạo hàng tuần do lạm dụng các loại thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Điển hình, do làn da của chị Nguyễn Thị Trà (28 tuổi, TP.HCM) thường xuyên nổi mụn li ti trên mặt và sau lưng, không sáng như mong đợi, vì vậy, chị đã tìm hiểu trên mạng và sử dụng các loại vitamin như E và C để bổ sung. Chị duy trì việc uống kết hợp các loại vitamin này mỗi ngày và thấy làn da có sự cải thiện. Tuy nhiên, chị Trà đang phân vân về tác dụng của chúng nếu sử dụng lâu dài. "Thường tôi duy trì việc sử dụng liên tục trong vòng 3 tháng, sau đó tạm ngưng. Tuy nhiên, tôi không chắc chắn về thời điểm nào là thích hợp để ngưng hoàn toàn" - chị Trà chia sẻ mối lo ngại của mình.

BSCKII Lê Thị Đan Thuỳ - Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM lưu ý, việc sử dụng các loại vitamin ở nhóm đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, đặc biệt là những người bị suy chức năng gan và thận có thể gây ảnh hưởng do liều lượng không phù hợp. Một số người kết hợp thực phẩm chức năng với các loại vitamin, làm tăng nồng độ vitamin và gây ra biến chứng đa chức năng của cơ thể.

Bác sĩ Đan Thuỳ nhấn mạnh: "Cần chú ý rằng ở liều lượng cao, vitamin vẫn có thể gây suy thận, ngay cả ở những người có chức năng thận bình thường. Ở những người suy thận, liều lượng bổ sung thường rất thấp. Mặc dù liều lượng đã được điều chỉnh phù hợp với đa số nhưng đối với nhóm phụ nữ mang thai, trẻ em, thường không được khuyến khích sử dụng, đặc biệt là những bệnh nhân suy thận".

Các chuyên gia ví dụ, đối với vitamin C, nếu liều lượng dưới 500mg và sử dụng ở nhóm có chức năng thận không tốt, liều lượng tối đa nên giảm xuống khoảng 60mg. Đối với vitamin canxi, vitamin D, bệnh nhân suy thận nên hạn chế, đặc biệt là magie không được sử dụng. Vitamin E ở liều cao sử dụng kéo dài trên bệnh nhân tiểu đường có thể gây ra tình trạng xuất huyết não, trong khi một số vitamin A ở liều cao có thể gây tổn thương gan. Do đó, khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung dạng viên uống hoặc thực phẩm chức năng nào, việc tham vấn bác sĩ là quan trọng, vì mỗi người có thể yêu cầu liều lượng và thời gian sử dụng khác nhau.

Đối với vitamin A, Tổ chức Y tế Phi lợi nhuận Mayo Clinic (Mỹ) cho biết, nạp quá 200 mg vitamin A trong một lần có thể dẫn đến buồn nôn, ói mửa, mờ mắt và chóng mặt. Trong trường hợp nạp vitamin A dù lượng ít hơn rất nhiều là khoảng 10 mg/ngày nhưng nếu kéo dài cũng có thể dẫn đến đau khớp, xương, kích ứng da, loãng xương và tổn thương gan.

Phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh và đàn ông lớn tuổi nên tránh tiêu thụ nhiều vitamin A. Những người có nhiều nguy cơ bị loãng xương phải cẩn thận về liều lượng vitamin A. Nếu đang nhận được nguồn vitamin A dồi dào từ thực phẩm thì nên tránh tiêu thụ các chất bổ sung để không khiến cơ thể gặp nguy hiểm. 

Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng cái gì quá nhiều cũng sẽ tạo nên tác dụng phụ mà phải hết sức để ý. Do đó, bất cứ khi nào thấy các dấu hiệu của nhiễm độc vitamin, ngay lập tức thăm khám để bác sỹ đưa ra các biện pháp giải độc kịp thời tránh tình trạng thừa vitamin.

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11428:2016 về hướng dẫn đối với vitamin và khoáng chất bổ sung vào thực phẩm

Tiêu chuẩn trên quy định, các nguồn vitamin và khoáng chất có thể ở dạng tự nhiên hoặc tổng hợp và việc lựa chọn chúng phải dựa vào các xem xét về tính an toàn và sinh khả dụng. Ngoài ra, tiêu chí về độ tinh khiết cần phải theo dược điển hoặc tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn của FAO/WHO. Trong trường hợp không có tiêu chí từ các nguồn này thì có thể sử dụng quy định hiện hành.

Mức tối thiểu của từng loại vitamin và/hoặc khoáng chất có trong vitamin và khoáng chất bổ sung vào thực phẩm trong mỗi khẩu phần tiêu thụ hàng ngày theo khuyến nghị của nhà sản xuất phải là 15 % lượng ăn vào hàng ngày theo khuyến cáo của FAO/WHO.

Lượng tối đa vitamin và khoáng chất trong phần thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất tiêu thụ hàng ngày theo khuyến cáo của nhà sản xuất cần được thiết lập và có tính đến các tiêu chí sau: mức an toàn trên của vitamin và khoáng chất được thiết lập bằng việc đánh giá nguy cơ dựa trên dữ liệu khoa học đã được chấp nhận, có xem xét đến sự thay đổi mức độ nhạy cảm của các nhóm người tiêu dùng khác nhau, khi thích hợp; lượng ăn vào hàng ngày các vitamin và các khoáng chất từ các nguồn thức ăn khác nhau.

Khi mức tối đa được thiết lập, có thể cần tính đến giá trị các vitamin và khoáng chất tham chiếu sử dụng cho cộng đồng. Điều này không dẫn đến việc thiết lập mức tối đa mà chỉ dựa vào lượng dinh dưỡng ăn vào được khuyến cáo (ví dụ, lượng ăn vào chuẩn hoặc nhu cầu các vitamin hằng ngày dùng cho cộng đồng).

Sản phẩm phải được đóng gói trong các vật chứa bảo đảm vệ sinh và chất lượng của thực phẩm. Các vật chứa, bao gồm cả vật liệu bao gói, chỉ được làm bằng chất liệu an toàn và phù hợp cho mục đích dự định sử dụng.

Thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất phải được ghi nhãn theo TCVN 7087:2013. Tên của sản phẩm phải là “thực phẩm bổ sung” với việc chỉ rõ loại chất dinh dưỡng hoặc các vitamin và/khoáng chất riêng lẻ có trong sản phẩm, nếu có.

Hàm tượng vitamin và các khoáng chất có mặt trong sản phẩm phải được công bố trên nhãn ở dạng con số. Các đơn vị được sử dụng phải là các đơn vị khối lượng phù hợp với TCVN 7088:2015.

Lượng vitamin và khoáng chất được công bố trên sản phẩm cần theo khẩu phần của sản phẩm khuyến cáo dùng để tiêu thụ hàng ngày và nếu khác thì cũng có thể công bố theo hàm lượng trên đơn vị sử dụng riêng lẻ.

Thông tin về các vitamin và khoáng chất cũng được biểu thị theo phần trăm giá trị dinh dưỡng tham chiếu, có thể theo TCVN 7088:2015. Nhãn cần nêu rõ cách sử dụng (số lượng, tần suất, các điều kiện đặc biệt). Nhãn phải có lời khuyên cho người tiêu dùng không được sử dụng hàm lượng vượt quá mức tối đa trong một ngày. Nhãn không được đề cập hoặc có hàm ý rằng các chất bổ sung có thể được sử dụng để thay thế thức ăn hoặc chế độ ăn uống đa dạng. Nhãn cần bao gồm tuyên bố rằng sản phẩm phải được để xa tầm tay trẻ nhỏ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang