Hà Nội: Nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản để đảm bảo an toàn thực phẩm

author 16:26 24/11/2023

(VietQ.vn) - Sở NN&PTNN Hà Nội cho biết, hiện địa bàn vẫn còn nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm do đó việc đảm bảo chất lượng thực phẩm là vấn đề cần thiết.

Phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

Theo Sở NN&PTNN Hà Nội, do thị trường TP. Hà Nội có đa dạng các nguồn cung cấp hàng hóa thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nên thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện không ít cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.

Từ đầu năm tới nay Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 478 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Qua giám sát, đã phát hiện 33 cơ sở có vi phạm quy định, chiếm tỉ lệ 4,2%, đã tiến hành xử phạt 33 trường hợp với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng.

Sở Y tế Hà Nội cũng thống kê, trong 10 tháng năm 2023, toàn thành phố đã thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm. Tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra, hậu kiểm 82.426 cơ sở, trong đó, đạt 72.183 cơ sở chiếm tỷ lệ 87,5 %, phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm. Trong đó, 6.578 cơ sở bị phạt với số tiền là hơn 14 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 709 cơ sở bị hủy sản phẩm với tổng số 199 loại sản phẩm; 67 cơ sở bị đình chỉ; 2.886 cơ sở hắc nhở tại chỗ những lỗi tồn tại của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm như đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức.

Cần đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng, được ngành nông nghiệp Hà Nội quan tâm. Ảnh: Kinhtedothi

Các hành vi vi phạm chủ yếu là do khu vực chứa đựng, trưng bầy hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm. Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm. Khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại ghi nhãn sản phẩm không đúng, sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giấy chứng nhận GMP, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm thuộc diện phải được sản xuất tại cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà không thực hiện theo quy định. Nhãn phụ sản phẩm ghi không đúng, không đủ theo quy định. Sử dụng người lao động trực tiếp kinh doanh tiếp xúc với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP theo quy định.

Tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản và thủy sản từ các tỉnh vào Hà Nội

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu về nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2024, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo Chi cục chuyên ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm, phòng chống dịch bệnh động vật, để đảm bảo sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân Thủ đô.

Tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao, vào các dịp cao điểm. Cập nhật các thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu, xu hướng tiêu thụ trên thị trường, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến sản phẩm là rất cần thiết. Để bảo đảm nguồn cung nông sản.

Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất tại Hà Nội, kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành trong cả nước và sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, TP. Hà Nội phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn được chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.

Giai đoạn 2026-2030 duy trì 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận CCP, ISO 2200 tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm…

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang