Bảo tồn đúng cầu Long Biên kiếm ra tiền!

author 08:23 26/02/2014

(VietQ.vn) - Chuyên gia kiến nghị bảo tồn cây cầu lịch sử theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo ra gói dịch vụ tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động.

Trước sự phản đối kịch liệt của dư luận, Bộ GT-VT đã chính thức  kiến nghị  bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên đúng như cũ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của cây cầu lịch sử này như thê nào để vừa đáp ứng tốt nhất yêu cầu bảo tồn cầu Long Biên để vẫn giữ được tính di sản, tính biểu tượng đồng thời đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.?

Đây cũng là chủ đề chính được nhiều chuyên gia về kiến trúc, di sản thảo luận tại hội thảo bảo tồn cầu Long Biên chiều 25/2.

Theo các chuyên gia, việc cần làm ngay với cầu Long Biên là phải lập hồ sơ để công nhận cây cầu này như là di sản, sau đó chúng ta sẽ có cách để vừa bảo tồn nó như là một di sản văn hóa quốc gia, vừa phục vụ cho sự phát triển của kinh tế xã hội.

KTS Quy hoạch đô thị Nguyễn Nga, CT HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Bảo tồn Phát triển Cầu Long Biên, khẳng định “chúng ta tưởng rằng giải quyết kinh tế thì phải bỏ di sản đi, nhưng đối với cây cầu Long Biên nó hoàn toàn sai”.

Chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có thể kiếm được tiền khi cầu Long Biên được bảo tồn đúng cách

Đồng thuận với ý kiến trên, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng đó là do tư duy “mì ăn liền” rất quen thuộc của các dự án bây giờ, nghĩa là cứ nhè vào những chỗ “bờ xôi ruộng mật”, nhè vào chỗ ngon lành để sử dụng lại cho nó dễ dàng. “Đó là những tư duy chụp giật, những tư duy kinh tế thời vụ, trước mắt mà xóa bỏ giá trị văn hiến lâu dài, xóa bỏ những nồi cơm di sản mà đáng lẽ sau này con cháu chúng ta được thụ hưởng”.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng trong câu chuyện bảo tồn cầu Long Biên, cả Bộ GT-VT lẫn TP.Hà Nội ko nên độc diễn mà hãy đưa ra trưng cầu dân ý  để người dân và chuyên gia có tiếng nói.

Dưới con mắt của nhà nghiên cứu kiến trúc lâu năm, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Chúng ta phải chọn lựa trước những phương án do nước ngoài cũng như trong nước đề xuất.. “ Hãy trả lời từng câu hỏi: chúng ta nên xây dựng cầu mới ở đâu, cách cầu cũ bao xa? Chúng ta cũng phải xác định có bảo tồn không? Bảo tồn để làm gì và bảo tồn như thế nào? Làm như thế nào để thu hồi tiền?”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu vấn đề.

Khẳng định, nếu bảo tồn đúng cách, chúng ta sẽ lấy được tiền từ cây cầu dài 2km, KTS. Nguyễn Nga đề xuất  phương án cải tạo lại cầu Long Biên theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, vừa giúp chúng ta bảo tồn được cây cầu lịch sử, có một cảnh quan đẹp, đồng thời tạo ra gói dịch vụ tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động.

Trước một số ý kiến cho rằng, cầu Long Biên quá thấp, cản trở giao thông đường thủy, tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long cho rằng, có thể khắc phục khó khăn này bằng việc biến nó thành cầu quay như cầu sông Hàn ở Đà Nẵng. Nhưng nhất thiết, cầu phải được bảo tồn tại vị trí cũ.

Ông Long cho rằng, nhiều người nói cầu Long Biên thấp, tàu thủy không chui qua được. Nhưng thực ra, vấn đề này có thể giải quyết được. Chẳng qua là các nhà quản lý không muốn làm. "Đà Nẵng, Hải Phòng đều có cầu quay. Tại sao cầu Long Biên không thể quay?" - Nhà nghiên cứu Sử học nói.

Thông tin từ Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, sau khi so sánh tổng thể các phương án trong Dự án bảo tồn cầu Long Biên, Bộ này đã có Văn bản số 1787/BGTVT-KHĐT gửi UBND Thành phố Hà Nội, trong đó tiếp tục kiến nghị lựa chọn phương án vị trí cách 30m về phía thượng lưu cầu Long Biên như đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 10469/BGTVT-KHĐT ngày 02/10/2013.
Cũng theo Công văn này, Bộ Giao thông – Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận giữ nguyên phương án vị trí cầu vượt sông Hồng theo dự án đã được duyệt và giao UBND Thành phố Hà Nội sớm phê duyệt chỉ giới đường đỏ theo quy định. Đối với cầu Long Biên cũ, Bộ Giao thông – Vận tải kiến nghị thực hiện bảo tồn, tôn tạo đúng như cũ.

 

Hoàng Vũ



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang