Công ty KENTADO bất chấp quy định, sử dụng bác sĩ, nghệ sĩ quảng cáo TPBVSK Tamino như thuốc?

author 07:09 18/11/2021

(VietQ.vn) - Đơn vị kinh doanh TPBVSK Tamino liên tục sử dụng hình ảnh ca sĩ Trịnh Thăng Bình, dược sĩ, bác sĩ Trần Đình Toán để quảng cáo cho sản phẩm với công dụng như một loại thuốc chữa bệnh khiến người tiêu dùng hoang mang.

Trong bài viết "TPBVSK Tamino quảng cáo sai công dụng lừa dối người tiêu dùng?", Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã phán ánh về việc sản phẩm viên uống tăng cân Tamino do Công ty Cổ phần KENTADO (địa chỉ Royal Building, 225 Nguyễn Xí, P13. Q. Bình Thạnh, TP.HCM) phân phối có dấu hiệu quảng cáo sai quy định. 

Theo đó, tại hai website https://tamino.vn/san-pham/vien-uong-tang-can-tamino/, https://www.tamino.com.vn, viên uống tăng cân Tamino được quảng cáo có công dụng "giúp thanh lọc cơ thể, tăng cường chức năng gan thận, giảm tình trạng nóng cơ thể, kích thích quá trình trao đổi chất và tái tạo tế bào trong cơ thể; giảm tình trạng đầy hơi, khó tiêu, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng giúp tăng cân nặng tăng 2- 3 kg sau 1 tháng, 4 – 6 kg sau 2 tháng; kích thích vị giác giúp bạn ăn ngon, ngủ tốt, tăng cường trao đổi chất tốt mạnh hơn gấp 3 lần bình thường; bồi bổ khí huyết, thúc đẩy tạo máu, bổ sung năng lượng cơ thể. Bạn sẽ dứt hẳn tình trạng ốm vặt và tăng cân một cách tự nhiên; tăng cường tổng hợp protein và hình thành cơ bắp, tăng khối lượng cơ, giúp có thân hình chắc khỏe, cân đối lý tưởng phù hợp với chiều cao".

 Ca sĩ Trịnh Thăng Bình quảng cáo cho viên uống tăng cân Tamino với vô vàn tác dụng hiệu quả. Ảnh: Diệu Hương

Bên cạnh đó, lộ trình sử dụng TPBVSK Tamino được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt thông qua lộ trình sử dụng trong vòng 90 ngày. Người dùng sẽ được hỗ trợ chăm sóc trong suốt quá trình sử dụng bởi các chuyên gia tư vấn uy tín. Tuy nhiên, để đạt được số cân nặng mong muốn hay không thì trên những website này ghi kèm theo đó là tuỳ cơ địa mỗi người. Đáng chú ý, dựa theo nội dung quảng cáo, sản phẩm này sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, phụ nữ sau sinh và cả nam giới. 

Để tăng tính thuyết phục cho sản phẩm, một số website còn đăng tải video, sử dụng hình ảnh PGS, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đình Toán – Nguyên Bác sĩ Trưởng Khoa Dinh Dưỡng Viện Quân Y 203, dược sĩ Thuỳ Trang...với nội dung khen ngợi TPBVSK Tamino và khuyến cáo mọi người nên sử dụng nếu muốn tăng cân một cách hiệu quả. 

Hình ảnh bc sĩ Trần Đình Toán trong quảng cáo về Tamino Ảnh: Diệu Hương 

Trên các website còn đăng tải hình ảnh nhận xét về công dụng của viên uống TPBVSK Tamino. Tuy nhiên, những phản hồi tốt của khách hàng (chưa xác định được những khách hàng này là giả hay thật) thì khó có thể kiểm chứng. 

Đáng chú ý, một số website còn sử hình ảnh của ca sĩ Trịnh Thăng Bình nhận xét về sản phẩm sau khi sử dụng. Cụ thể, nam ca sĩ cho biết đã tăng 4kg mà không cần phải tập luyện nhiều, ngủ ngon và sâu hơn, cải thiện da, những vấn đề về hệ tiêu hóa do việc ăn uống không điều độ trước kia như khó tiêu, ợ hơi, ợ chua..cũng từ từ thuyên giảm.

 Người được giới thiệu là chuyên gia nhưng trên thực tế là dược sĩ tại một cửa hàng thuốc tây Bách Tương 2 (địa chỉ tại số 108 Trần Quý, phường 6, quận 11, TP.HCM). Ảnh: Diệu Hương

Theo tìm hiểu của phóng viên, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trên một số website, trang mạng xã hội đang sử dụng hình ảnh, danh nghĩa các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, việc sử dụng hình ảnh, trang phục của các cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là không phù hợp quy định của pháp luật.

Cục ATTP cũng nêu rõ, tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Như vậy, việc sử dụng hình ảnh, danh nghĩa các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không phù hợp với quy định của pháp luật.

 Cùng là một người nhưng ở mỗi một website thì người được biết đến là dược sĩ này lại có những cái tên khác nhau. Ảnh: Diệu Hương

Đối chiếu với những quy định trên, đơn vị phân phối và chịu trách nhiệm sản phẩm, Công ty Cổ phần KENTADO vẫn ngang nhiên sử dụng hình ảnh bác sĩ Trần Đình Toán, dược sĩ, ca sĩ Trịnh Thăng Bình để quảng bá cho viên uống tăng cân Tamino, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Trên thực tế, viên uống tăng cân Tamino chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, với sự “góp mặt” của nghệ sĩ, bác sĩ sử dụng những lời nói “hoa mỹ” thì viên uống tăng cân Tamino bỗng trở thành trợ thủ đắc lực hỗ trợ các vấn đề về dinh dưỡng, tiêu hoá hay thậm chí là cân nặng của người tiêu dùng.

Về vấn đề kinh doanh TPCN/TPBVSK hiện nay, tương tự như hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trá hình là thuốc, viên uống tăng cân Tamino được phân phối qua kênh bán hàng online. Khách hàng chỉ cần để lại số điện thoại sẽ có người tự xưng là bác sỹ, dược sỹ (chuyên gia) gọi điện tư vấn, giới thiệu với rất nhiều địa chỉ khác nhau. Tuy nhiên, khi để lại thông tin, người gọi lại tư vấn chỉ là chuyên viên bán hàng chứ không phải là chuyên gia. 

Trước những thông tin nêu trên, phóng viên đã liên hệ phía doanh nghiệp rất nhiều lần để làm rõ phản ánh người tiêu dùng nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi thỏa đáng. Phóng viên sẽ tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng nhằm làm rõ những thắc mắc của người tiêu dùng về sản phẩm viên uống tăng cân Tamino. 

Mức phạt khi sử dụng trái phép hình ảnh người nổi tiếng

Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

 Diệu Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang