Bền bỉ với chiến lược nâng cao giá trị hạt gạo

author 17:44 29/10/2012

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một doanh nghiệp bỏ ra hơn 80 tỉ đồng xây dựng trung tâm nghiên cứu nông nghiệp có chức năng nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các giải pháp tổng thể trên cây lúa. Đó là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS).

Đây là việc làm mới, cụ thể, khẳng định AGPPS vẫn bền bỉ đeo đuổi chiến lược nâng cao giá trị hạt gạo…

Trong hội chợ nông nghiệp công nghệ cao vừa tổ chức mới đây tại công viên Lê Văn Tám, TP.HCM, nhiều khách tham quan hứng thú với mô hình trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (DT ARC) của AGPPS. PGS.TS Dương Văn Chín - một trong số ít người am tường cây lúa nước miền Tây Nam bộ được AGPPS giao trách nhiệm điều hành DT ARC khá bận rộn với công việc giải thích cho khách tham quan hiểu về DT ARC. Đến hôm nay, DT ARC cơ bản hoàn thành trên diện tích 20 ha ở xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang. Đầu tháng 12 tới đây toàn bộ khu nghiên cứu này sẽ đi vào hoạt động.

“Trị bệnh” tổng thể cây lúa

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, mặc dù gạo Việt Nam đã xuất khẩu hơn 20 năm và là mặt hàng chiến lược nhưng các giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến trong từng khâu sản xuất lại quá lạc hậu, rời rạc, thiếu đồng bộ. Nhược điểm này phản ánh qua chất lượng, thương hiệu hạt gạo Việt chưa có chỗ đứng trên thị trường. “Muốn nâng cao chất lượng, giá hạt gạo thì bắt buộc phải “trị bệnh” lại từng khâu. Mỗi khâu phải áp dụng khoa học công nghệ vào…”, PGS Chín gợi mở.

Theo ông Chín, “trị bệnh” tổng thể trên cây lúa tại DT ARC bắt đầu từ đất, đồng ruộng, kênh mương, sau đó mới tới tưới tiêu, giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, công nghệ sau thu hoạch, xay xát, xây dựng thương hiệu. Để giải quyết khối lượng công việc đồ sộ này, trung tâm phải có các bộ môn nghiên cứu sao cho sát với thực tế đồng ruộng nhất.

“DT ARC khác với các trường, viện ở chỗ các nghiên cứu dựa trên khảo nghiệm thực tế đồng ruộng thông qua việc thu thập tin tức từ các cán bộ kỹ thuật riêng của công ty, từ nhu cầu thị trường, qua đó tìm giải pháp chuyển giao lại tận tay nông dân nhằm tăng giá trị hạt lúa”, ông Chín giải thích.

Nông dân trồng lúa trên cánh đồng mẫu lớn

Theo đuổi chuỗi giá trị

Bỏ ra 80 tỉ đồng chưa tính giá trị 80ha đất (20ha xây dựng, 60ha làm nơi khảo nghiệm) là một số vốn khá lớn đối với công ty cổ phần chuyên kinh doanh thuốc BVTV. Thế nhưng, dưới con mắt của nhà đầu tư, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc AGPPS lại cho đây là khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cao ở tương lai. Trên thế giới, việc xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu riêng được các tập đoàn lớn, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp thực hiện từ rất lâu.

“Ở Việt Nam tuy mới chỉ có AGPPS làm, nhưng thật ra là đã chậm so với thế giới hàng trăm năm rồi”, ông Thòn nói. Với quan niệm rõ ràng như vậy, nên người đứng đầu AGPPS khẳng định sự ra đời của DT ARC hoàn toàn không vì mục đích xã hội. “Giúp nông dân cũng là cách để công ty tham gia sâu vào chuỗi giá trị hạt gạo, qua đó thu được hiệu quả kinh doanh tốt hơn”.

Khởi điểm kinh doanh thuốc BVTV, từ những năm 2006 – 2007, AGPPS bắt đầu tham gia vào chuỗi giá trị hạt lúa bằng việc xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật (FF) giúp nông dân kỹ thuật canh tác, giải pháp quản lý đồng ruộng, qua đó cung ứng vật tư. “Giai đoạn này chúng tôi bán sản phẩm và bán luôn cho nông dân một gói kỹ thuật sử dụng sản phẩm đó một cách hiệu quả nhất”, ông Thòn giải thích công việc của FF như vậy. Đến 2010, dựa trên nền tảng các mô hình sản xuất lúa được chuyển giao kỹ thuật từ FF, AGPPS nhận thấy cơ hội tham gia xuất khẩu gạo và bắt đầu xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đầu tư nhà máy chế biến, xay xát. Đến nay, AGPPS thực hiện chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo khép kín từ cung cấp phân bón, giống, kỹ thuật canh tác để xây dựng vùng nguyên liệu hơn 30.000ha, sau đó ký hợp đồng trực tiếp với nông dân thu mua lúa về chế biến thành gạo xuất khẩu.

“Công ty muốn rằng khi công bố sản phẩm gạo chất lượng ra thị trường thì mình phải tự tin, phải kiểm soát được từ A – Z nên bắt buộc chúng tôi phải xây dựng thêm DT ARC để chứng minh xuất xứ gạo là có nguồn gốc, có nghiên cứu bài bản, khoa học”, ông Thòn giải thích thêm về nhiệm vụ của DT ARC.

Liệu chức năng của DT ARC có chồng chéo với các viện, trường khác, ông Thòn khẳng định rằng trung tâm này lập ra để phục vụ riêng cho mục đích kinh doanh của công ty chứ không phải chỉ để nghiên cứu lý thuyết. “Có rất nhiều bệnh trên cây lúa mà nếu nghiên cứu ra quy trình phòng trừ sẽ giúp chúng tôi sản xuất ra thuốc BVTV phù hợp, hiệu quả, ít chi phí. Ngoài ra, trên cơ sở thông tin nhu cầu thị trường, nhà khoa học làm việc tại DT ARC cũng có thể lai tạo ra giống lúa chất lượng, có chọn lọc để sản xuất ra gạo ngon, bán được giá cao hơn”, ông Thòn nói.

Để tăng thêm tính hiệu quả cho DT ARC, ông Thòn còn cho hay công ty liên kết với tập đoàn Syngenta (Thuỵ Sĩ) hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, chuyển giao bí quyết công nghệ, cung cấp các giải pháp sản xuất giống, thuốc và quy trình sử dụng… “Với việc nghiên cứu, khảo nghiệm rồi đi đến chuyển giao, DT ARC giúp công ty xây dựng thương hiệu, hình ảnh hạt gạo riêng cho mình”, ông Thòn nêu tham vọng.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang