Bình Định: Tạm giữ một lượng lớn hàng hóa vi phạm trị giá gần 500 triệu đồng

author 06:52 04/10/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định cho biết vừa phát hiện, tạm giữ 2 lô hàng hoá vi phạm với số lượng lớn với tổng giá trị lên đến gần 500 triệu đồng.

Theo đó, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT Bình Định) phối hợp với Đội 3 - Phòng PC03 (Công an tỉnh Bình Định) tổ chức kiểm tra trên khâu lưu thông đối với phương tiện vận tải biển kiểm soát 63C-087.xx kéo mooc xxR-003.60. Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên xe này vận chuyển khá nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất, gồm: 101 hộp sữa bột; 407 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm; 240 đôi tất chân; 285 hộp úp móng tay; 92 chiếc đồ diện gia dụng; 345 chiếc/bộ/dây tai nghe, bộ sạc, cáp sạc, củ sạc điện thoại; 1192 chiếc kính cường lực; 65 chiếc gậy lò xo; 27 chiếc xe chòi chân, xe tròn tập đi, xe đẩy, đồ dùng trẻ em các loại.

Đáng lưu ý, toàn bộ lô hàng nói trên không có hóa đơn chứng từ và có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa. Tiếp đó, lực lượng Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội 3- Phòng PC03 (Công an tỉnh Bình Định) đã tổ chức kiểm tra trên khâu lưu thông đối với phương tiện vận tải biển kiểm soát 29H-812.xx, từ Hà Nội đi Lâm Đồng.

 Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng bị vi phạm

Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên xe ô tô nói trên vận chuyển khá nhiều chủng loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, gồm: 304 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm; 55 chiếc điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh, laptop, loa Bluetooth; 497 hộp/chiếc kính cường lực, sạc dự phòng, củ dây sạc, tai nghe, ốp điện thoại, màn hình điện thoại; 138 hộp đồ chơi trẻ em; 380 chai tinh dầu vape; 42 hộp/bì sữa, sữa bột, siro dành cho trẻ em; 63 hộp nước hồng sâm, Colagen, viên uống và nhiều hàng hóa khác…

Theo cơ quan chức năng, toàn bộ lô hàng này cũng không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa. Cũng theo ông Trần Đức Tiến, 2 lô hàng nói trên có tổng trị giá gần 500 triệu đồng.

Được biết, Đội QLTT số 3 đã quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm hành chính nói trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới nhãn hàng hóa, theo quy định mới về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022. Một số quy định mới cần chú ý liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trườngnhư sau:

Tại khoản 5, điều 1 sửa đổi, bổ sung (điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa: Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.

Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa; Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu. Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này. Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

 Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang