Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Lan tỏa, làm sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp”

author 07:21 12/02/2024

(VietQ.vn) - 2023 là một năm thắng lợi của ngành nông nghiệp. Vượt lên mọi khó khăn, thách thức, ngành đã đạt mức xuất siêu kỷ lục. Nhưng, để hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, cần lan tỏa, làm sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp để người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình.

Ngành nông nghiệp “vượt cơn gió ngược”

Năm 2023 là năm thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng trong ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, với những nỗ lực vượt bậc, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích nổi bật: tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay- đạt 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu kết nối đa tầng giá trị cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Có 6 mặt hàng XK trên 3 tỷ USD là rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó, XK rau quả và gạo tăng cao kỷ lục chưa từng có. Cụ thể, kim ngạch XK gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022- lập kỷ lục lịch sử kể từ khi Việt Nam XK gạo. Cùng với gạo, XK rau quả cũng chính thức lập kỷ lục mới khi đạt 5,69 tỷ USD, vượt xa con số 3,36 tỷ USD của năm 2022. Đặc biệt, XK sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng 2,3 tỷ USD, trở thành “trái cây tỷ đô” mới của Việt Nam, khi chinh phục được thị trường Trung Quốc.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý, lần đầu tiên, lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới, thu về 1.200 tỷ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được, “vượt cơn gió ngược”, được mùa, được giá, bội thu ở một số lĩnh vực, đạt thành tích cao hơn năm 2022, đóng góp quan trọng vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023.

Cần kể câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm

Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên vào ngày giao thời giữa năm Quý Mão và Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, kết quả năm 2023 ghi nhận những nỗ lực đa dạng hoá thị trường, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, để hướng đến kinh tế nông nghiệp bền vững, tăng trưởng XK trong bối cảnh thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, cần khai thác được không gian phát triển rất lớn từ nông nghiệp để người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. Đó là kể những câu chuyện cảm xúc về sản phẩm, bởi ngày nay, người tiêu dùng mua sản phẩm không chỉ vì ngon, đẹp, chất lượng mà là mua câu chuyện tạo ra sản phẩm.

“Thế giới không đứng yên, xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi. Tại sao người tiêu dùng châu Âu không mua con cá vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định)? Đó chính là văn hóa tiêu dùng. Người mua hàng giờ không chỉ mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm, câu chuyện về sản phẩm, gồm tâm thế, văn hóa, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm. Ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng”- Bộ trưởng cho hay.

Dẫn ví dụ về cà phê, Bộ trưởng cho rằng, cần có “câu chuyện” để khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam. Hiện có rất nhiều thương hiệu cà phê, nghĩa là có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Do vậy, người sản xuất cà phê cần phải làm cho sản phẩm của mình vượt trội, bởi giờ người tiêu dùng quan tâm đến cách tạo ra cà phê, mua câu chuyện văn hóa về cà phê…

Trước giờ, chúng ta luôn tự hào sản phẩm của chúng ta là ngon nhưng thực tế ta đang đi chậm một bước so với quốc tế. Ngon không phải yếu tố quyết định, chỉ là điều kiện cần. Ngon nhưng phải phù hợp với văn hóa tiêu dùng, khẩu vị của mỗi quốc gia. Chúng ta đang sống trong thế giới đa dạng, đa văn hóa, đa nhu cầu, thay đổi nhanh. Chính vì vậy, những sản phẩm của chúng ta cần phải khác biệt, bởi chính sự khác biệt mới tạo nên thương hiệu.

“Năm 2023, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Bước sang năm 2024, cần phải lan tỏa, làm sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp, nghĩa là làm sao luôn luôn trả lời được câu hỏi trên một đơn vị diện tích làm sao tạo ra của cải nhiều hơn” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Hiện nay, nông nghiệp đã tích hợp với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, mở rộng không gian phát triển như: du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp công nghệ cao... Ví dụ như ở Đồng Tháp, vườn hoa Sa Đéc xưa chỉ trồng để bán hoa cho các ngày lễ tết, nhưng nay diện tích đã thu gọn lại, tạo không gian cho khách du lịch đến tham quan, tăng thêm được giá trị gia tăng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiếc bình gốm có “nhãn mã hoá”

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tặng Thủ tướng chiếc bình gốm có “nhãn mã hoá”, có thiết kế như dấu vân tay, giúp định danh sản phẩm. Chạm điện thoại thông minh lên nhãn mã hóa, màn hình sẽ hiển thị đường dẫn cung cấp thông tin về nghệ nhân, về nguồn gốc, quá trình sáng tạo, chế tác, chuyện kể gắn liền với tác phẩm. Theo Bộ trưởng, nhãn mã hóa hình dấu vân tay trên bình gốm gợi mở về “chạm để kết nối” ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với công nghệ số, với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, tích hợp đa giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, năm 2024, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp cận xu thế “chạm để kết nối”: kích hoạt tư duy “số hóa” trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh; hướng tới mục tiêu “mỗi ngày một thay đổi - mỗi ngày một hành động - mỗi ngày một kết quả - mỗi ngày một chạm để kết nối đa tầng giá trị cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang