Buôn chó...xuyên biên giới

author 17:22 12/06/2013

(VietQ.vn) – Nạn buôn bán chó xuyên biên giới đang đe dọa đến sức khỏe con người trên khắp châu Á. Đó là tác nhân gây bùng dịch bệnh tả ở nước ta.

Theo Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á (ACPA) mỗi năm có tới khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết thịt, gây ra hiểm họa đối với sức khỏe con người. Các điểm nóng cung cấp chó đến từ Thái Lan, Campuchia, và Lào vào Việt Nam.

Theo đánh giá của liên minh này, các sản phẩm thịt chó đã phát triển từ một ngành kinh doanh hộ gia đình quy mô nhỏ thành một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đô-la lợi nhuận cho những người buôn lậu chó.

Không chỉ vậy, nạn buôn chó còn liên quan trực tiếp đến việc bùng nổ các dịch bệnh như giun xoắn, bệnh tả, và bệnh dại. Tổ chức Y tế Thế giới gần đây đã khuyến cáo rằng nạn buôn bán chó chính là tác nhân bùng phát dịch bệnh dại ở Indonesia và bệnh tả ở Việt Nam.

Buôn bán thịt chó là hành vi phi pháp ở Thái Lan, vì vậy, chính quyền Thái Lan đang tăng cường kiểm soát các thương lái. ACPA hợp tác với chính phủ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam để tăng cường thực thi các luật pháp tại các quốc gia để ngăn chặn sự lan tràn của bệnh dại. Thêm vào đó,một hội nghị kết nối các thành viên của liên minh, cùng với chính phủ và chính quyền các nước nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này sẽ được diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8 năm nay.

Tang vật trong 1 vụ bắt chó
Tang vật trong 1 vụ bắt chó

Lola Webber, người đứng đầu các chương trình của Tổ chức Thay đổi vì Động vật (Change for Animals Foundation) cho rằng: "Nếu như xưa vì đói kém mà người ta phải ăn thịt chó, thì nay thịt chó ngày càng trở thành một món cao lương mỹ vị, và nhiều người ăn thịt chó vì tin vào các thuộc tính trị bệnh của nó. Tuy nhiên, thực tế là nơi nào ở châu Á mà nạn buôn bán thịt chó còn diễn ra, dù là phi pháp hay chưa được quy định, đều mang lại một mối nguy cơ cho cả sức khỏe của con người và vi phạm quyền lợi của động vật.”

Kelly O’Meara, Giám đốc Chương trình Cam kết đồng hành với Động vật của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (Humane Society International) khẳng định: "Các điều tra trên toàn châu Á đã cho thấy tất cả các công đoạn của việc buôn bán chó đều vô cùng tàn bạo, từ việc tìm cung ứng, vận chuyển, phân phối, đến giết mổ. Thông thường thì việc buôn bán cho được cho là một cách kiểm soát chó hoang hoặc chó thất lạc, nhưng điều này không đúng. Liên minh mới này sẽ giúp người dân và chính phủ các nước châu Á hiểu rõ ngành kinh doanh tai hại này và cùng chung tay nỗ lực xóa sổ bệnh dại, và các bệnh truyền nhiễm khác một cách nhân đạo mà vẫn hiệu quả."

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) và Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới (World Organisation for Animal Health)  hiện nay, các nước Châu Á còn tồn tại nạn buôn bán thịt chó không thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn các loại bệnh trên động vật của chính nước mình, và không có khả năng thực hiện các khuyến cáo nhằm kiểm soát và xóa sổ bệnh dại.

Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) tại Việt Nam, cho biết: “Việc buôn bán thịt chó đã thúc đẩy việc vận chuyển một số lượng lớn chó trái phép không rõ tình trạng bệnh tật và không kiểm soát tiêm chủng, đồng thời làm giảm hiệu quả của các nỗ lực xóa sổ bệnh dại ở khu vực, tạo ra mối lo ngại sâu sắc đối với cam kết mà các Bộ trưởng Y tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đưa ra đối với việc loại bỏ hoàn toàn bệnh dại vào năm 2020. Các nỗ lực nhằm kiểm soát và loại bỏ bệnh dại sẽ không thể mang lại kết quả nếu như nạn buôn bán thịt chó vẫn tồn tại.”

John Dalley, Phó Chủ tịch Tổ chức Soi Dog (Soi Dog Foundation), nói: “Việc ngăn chặn cả nguồn cung và lượng cầu đối với thịt chó là việc làm thiết yếu để chấm dứt việc chó bị những kẻ buôn lậu bắt giữ. Bằng việc đưa ra những giải pháp nhân đạo và bền vững đối với việc quản lý số lượng chó, kết hợp với việc hỗ trợ việc thi hành đầy đủ các luật hiện hành cũng như hỗ trợ những người chủ có trách nhiệm, chúng ta có thể chấm dứt nạn buôn bán chó. Vấn nạn đã gây ra nỗi đau đối với hàng triệu cá thể chó mỗi năm và gây ra mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.”

Quan điểm của  Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á khẳng định việc buôn bán và sản xuất thịt chó là phi nhân đạo. Rất nhiều cuộc điều tra trên toàn châu Á đã chứng minh rằng tất cả các khâu trong chuỗi buôn bán cung ứng thịt chó từ khai thác, vận chuyển, phân phối, đến giết thịt đều vô cùng tàn bạo. Hơn nữa, vấn nạn này còn đe dọa sức khỏe cộng đồng thông qua việc lây truyền dịch bệnh, mà đáng lo ngại hơn cả là bệnh dại.

Thủ đoạn của bọn “cẩu tặc” là dùng thòng lọng bằng lõi dây thắng xe buộc vào một thanh gỗ làm tay cầm. Kẻ trộm gồm 2 người ngồi trên xe máy, cố tình rú ga nẹt pô, chạy sát lề đường dụ chó xông ra sủa. Khi đó, kẻ ngồi sau sẽ tròng thòng lọng vào cổ chó rồi kéo lê trên mặt đường đến khi chó nghẹt thở và bị tóm gọn.
 
Một thủ đoạn khác là đập vỡ bóng đèn nê-ông lấy bột lưu huỳnh bên trong trộn với mồi. Chó ăn phải sẽ nhanh chóng bị tê liệt, kẻ trộm bắt đi cho uống nước muối loãng với đậu xanh hay đọt rau lang giã nát, nếu chó nôn ra được thì sống. Bọn chúng còn dùng viên acid sulfuric đậm đặc nhét vào miếng mồi, chó ăn sẽ bị đứt cổ họng, chết không kịp sủa.
 
Để “săn” được nhiều chó hơn, “cẩu tặc” dùng đồ nghề rà cá. Chúng đi hai người trên xe máy, kẻ ngồi sau dùng giàng ná bắn mũi chĩa có gắn dây điện vào mình chó rồi bật máy xung điện làm bất tỉnh và bắt đi.

Ngọc Trinh 

  

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang