Buôn lậu thiết bị điện tử, tiêu thụ sản phẩm công nghệ trái phép diễn biến phức tạp

author 08:30 26/02/2018

(VietQ.vn) - Điện thoại, thiết bị điện tử, điện lạnh… buôn lậu qua đường hàng không, đường biển và đường bộ diễn ra phức tạp. Trong nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ sản phẩm công nghệ trái phép cũng ở mức báo động.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp.

Theo đó, tuyến cảng hàng không, bưu điện quốc tế, mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, giá trị cao, dễ cất giấu như điện thoại, ma túy, vàng, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm… Đối tượng là doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu tuyến hàng không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, bưu điện, hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích chuyến đi…

Cũng theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tuyến biển, cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế là những tuyến đường có lưu lượng hàng hóa rất lớn nên cũng dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam.

Các mặt hàng chủ yếu bị buôn lậu trên tuyến biển là thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng, xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã… Đối tượng là thuyền trưởng, thuyền viên tàu viễn dương, kể cả tàu nội địa thường xuyên ra vào cảng và tàu thuyền hoạt động kinh doanh, khách du lịch xuất nhập cảnh theo đường biển…

Trong nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ sản phẩm công nghệ trái phép cũng diễn biến phức tạp.

Trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 226.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp NSNN đạt hơn 23.000 tỷ (tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với năm 2016), 2.118 đối tượng (tăng 13,69% so với năm 2016).

Buôn lậu thiết bị điện tử, tiêu thụ sản phẩm công nghệ trái phép diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Trước tình hình diễn biến phức tạp trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, trong năm 2018 cần xác định công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này. Đặc biệt là đối với công tác phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng...

Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia cần phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật để khắc phục sơ hở, bất cập trong quản lý Nhà nước, như: Sửa đổi Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước, không để xảy ra bị động, bất ngờ; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước.

Để có thể hạn chế trong phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu cần phải tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong công tác phòng chống tội phạm; Xác định rõ ràng trách nhiệm của từng đơn vị khi tham gia phối hợp...

Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách; có biện pháp thu đủ, kịp thời về ngân sách số tiền bị thất thoát.

Bộ Công an và các bộ xác lập các chuyên án lớn, đánh đúng, đánh trúng các ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm buôn lậu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc lá, tân dược…

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng và địa bàn trọng điểm để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vì sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không để xảy ra các vụ việc vi phạm kéo dài nhưng đến khi người dân phản ánh thì lực lượng chức năng mới vào cuộc (như vụ Khai Silk; vụ cắt tai, mài vỏ bình gas, kinh doanh gas giả, kém chất lượng, chiết nạp gas trái phép...).

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới đường bộ, đường biển để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, nhất là các mặt hàng như ma tuý, xăng đầu, khoáng sản, thuốc lá, gỗ, hàng tiêu dùng…

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang