Cần chế tài đủ mạnh cho hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 19:35 05/08/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bạc Liêu vừa phối hợp các đơn vị chức năng tiến hành tiêu hủy 1,5 tấn trà không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mới đây, tại bãi rác tập trung ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, Cục QLTT tỉnh đã chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng như: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tiêu hủy hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu. Hàng hóa tiêu hủy là trà thành phẩm sấy khô không rõ nguồn gốc xuất xứ, số lượng 1,5 tấn, trị giá hàng hóa vi phạm 120.000.000 đồng. Toàn bộ số trà nói trên là tang vật do Cục Quản lý thị trường phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phát hiện, tịch thu tại 1 cơ sở sản xuất trà trên địa bàn khóm 1, phường 7, TP. Bạc Liêu.

Tiêu hủy số trà không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Quá trình tiến hành tiêu hủy được thực hiện đúng hình thức, phương pháp, quy định, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường và có sự giám sát của cơ quan chức năng. Toàn bộ số trà vi phạm được tiêu hủy đúng hình thức, quy trình, quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Cũng liên quan đến xử lý vi phạm trong kinh doanh hàng hóa, trước đó Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn Hoàng Sơn do bà Văn Thị Thúy Hằng làm chủ, địa chỉ đường Trần Phú, phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, chuyên kinh doanh mặt hàng quần áo may sẵn. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện bà Hằng đang bày bán 25 cái quần jean nam và 10 áo sơ mi dài tay nam, trên sản phẩm không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa và không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, tổng trị giá hàng hóa là 9.950.000 đồng theo giá niêm yết tại cơ sở.

Cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn không rõ nguồn gốc. 

Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số tang vật nêu trên và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bà Văn Thị Thúy Hằng với số tiến 4.000.000 đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật nêu trên theo quy định.

Theo lực lượng chức năng, hiện nay hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng trở nên phổ biến cả trong lẫn ngoài nước. Việc mua bán hàng hóa diễn ra thiếu sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan nhà nước, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống người dân. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Theo pháp luật hiện hành, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là vận chuyển hàng hóa không xác định được nguồn gốc sản xuất hoặc nơi thực hiện quy trình chế biến. Theo đó, hàng hóa lưu thông trên thị trường và đến tay người tiêu dùng làm giảm chất lượng cuộc sống gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Khoản 13, Điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định pháp luật".

Đối với tội vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt như trên kèm theo xử phạt hành chính tại Điều 17, Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản; Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang