Cản trở thăm nuôi con sau ly hôn bị phạt tiền

author 13:40 05/07/2012

(VietQ.vn) - Tòa án sẽ căn cứ trên các chứng cứ cho thấy tình trạng, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con của người cha có đảm bảo về quyền lợi về mọi mặt như sức khỏe, học hành, tâm sinh lý, tình cảm... để quyết định có thay đổi người trực tiếp nuôi con hay không.

Hỏi: Tôi ly hôn với chồng trước được hơn năm nay, theo bản án của tòa thì chồng trước của tôi được nuôi con. Hiện nay cháu mới được hơn 6 tuổi, tôi rất muốn thường xuyên được thăm nom, chăm sóc cháu nhưng mỗi lần đến thăm con đều bị nhà chồng cũ chửi mắng, ngăn cản. Tôi có quyền yêu cầu tòa án trao lại quyền trực tiếp nuôi con không?

Nguyễn Thu Huệ (Thạch Hà, Hà Tĩnh) 

 
Trả lời: Theo quy định tại Điều 94, Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (HNGĐ) thì sau khi ly hôn bạn không trực tiếp nuôi con nhưng có quyền thăm nom con, không ai được cản trở bạn thực hiện quyền đó. Vì vậy, nếu thấy có sự vi phạm bạn có thể yêu cầu các cơ quan chính quyền tại địa phương xem xét, xử lý hành vi cản trở việc thăm nom con của bạn. Tùy theo mức độ vi phạm, những người cản trở bạn thăm nom con có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 87/2001/NĐ-CP. 
 
Hành vi cản trở thăm nuôi con sau ly hôn là trái quy định luật pháp
Hành vi cản trở thăm nuôi con sau ly hôn là trái quy định luật pháp
 
Theo quy định tại Điều 93 Luật HNGĐ, vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Theo quy định tại Điều 27, Điều 33, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010) thì bạn có quyền gửi đơn tới tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chồng bạn đã ly hôn cư trú để yêu cầu giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con. Cũng theo quy định tại Điều 93 Luật HNGĐ, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con. 
 
Do đó, thông thường tòa án sẽ căn cứ trên các chứng cứ cho thấy tình trạng, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con của người cha có đảm bảo về mọi mặt như sức khỏe, học hành, tâm sinh lý, tình cảm... để quyết định có thay đổi người trực tiếp nuôi con hay không.
 
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chứng minh rằng bạn có các điều kiện cần thiết để có thể đảm bảo quyền lợi của con bạn nếu trực tiếp nuôi con, để thuyết phục tòa án chấp nhận yêu cầu của bạn. 
Luật sư Phạm Phùng Trọng Nghĩa
Công ty Luật hợp danh FDVN
(193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng, 
ĐT: 05113. 890 568, www.fdvn.vn)
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang