Cảnh báo ẩn họa khôn lường từ việc 'tẩm bổ' thực phẩm chức năng nâng đề kháng cho trẻ trong mùa dịch

author 11:21 01/08/2021

(VietQ.vn) - Để nâng cao đề kháng cho trẻ nhỏ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, không ít phụ huynh đã chủ động “tẩm bổ” cho con em mình một loạt những loại vitamin, khoáng chất… trong thời gian dài mà không lường hết được những hậu quả.

Với suy nghĩ để phòng bệnh, cơ thể cần bổ sung nhiều loại vitamin để nâng cao sức đề kháng, đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid – 19 đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, những chế phẩm Vắc xin hiện nay cũng chưa có nhiều loại cam kết có thể sử dụng để tiêm cho trẻ nhỏ, thế nên, không ít bậc phụ huynh đã tự tìm giải pháp bằng cách sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng, chủ yếu là vitamin để nâng cao đề kháng, sức khỏe cho trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh đã sử dụng các loại TPCN để tăng sức đề kháng, phòng ngừa Covid-19 mà không tham vấn ý kiến bác sĩ (ảnh minh họa) 

Tuy nhiên, do không tham vấn các chuyên gia y tế, dinh dưỡng, không nắm được cách thức bổ sung vitamin có trong thực phẩm chức năng như thế nào và nên dùng trong thời gian dài nên nhiều khi việc “tẩm bổ” dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Thực tế đây là quan niệm và thói quen của rất nhiều bà mẹ Việt.

Sử dụng theo cảm tính

Chia sẻ về vấn đề trên, chị Nguyễn Thị Tuyết Lê (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, từ khi xuất hiện đợt dịch Covid-19 đầu tiên cho đến nay bùng phát diện rộng, với nhiều biến chủng khác nhau, chị luôn có tâm trạng phấp phỏng, sợ các thành viên trong gia đình có thể bị nhiễm loại vi rút nguy hiểm này. Chính vì thế, ngoài áp dụng các biện pháp như hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, nghe theo “trào lưu” trên các diễn đàn chị Tuyết còn tìm các loại thực phẩm chức năng có chứa vitamin C nhằm nâng cao sức đề kháng cho cả nhà, đặc biệt là 2 đứa con của mình.

Tương tự, với tâm lý “mong muốn tốt nhất những gì dành cho con” nên chị Thoa (phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường xuyên mua những loại thực phẩm chức năng chứa vitamin A, D, bổ sung canxi, DHA giúp phát triển trí não… cho 2 cậu con trai lên 5 và 7 tuổi của mình. Với tâm lý trên, chị Thoa lại tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm chức năng xuất xứ trong nước, chị thường xuyên “săn” các loại thực phẩm này trên chợ mạng, người quen dưới danh nghĩa hàng xách tay, dù không chắc chắn về nguồn gốc và chất lượng. Chị Thoa hi vọng con của mình sẽ có thể chất vượt trội so với cùng trang lứa.

Đặc biệt, trong dịp đại dịch Covid – 19 như hiện nay, chị Thoa liền cấp tốc săn lùng những loại thực phẩm chức năng bổ dưỡng như vitamin và khoáng chất nhằm gia tăng sức đề kháng, cho 2 cậu con trai và gia đình.

 

Thực phẩm chức năng được quảng cáo tràn lan trên mạng, tù mù chất lượng

Qua khảo sát, thấy một điểm chung dễ gặp của các bà mẹ là tâm lý chê “hàng rẻ là hàng ôi”, không hoặc thiếu tin tưởng vào những mặt hàng vitamin và thực phẩm chức năng sản xuất trong nước. Thế nên, nhu cầu tiêu dùng và tìm hiểu những loại thực phẩm, vitamin có nguồn gốc nước ngoài rất lớn như Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… tuy nhiên, gần như không phụ huynh nào có nhiều kiến thức, hoặc lưu tâm đến nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm. Chỉ cần đạt tiêu chí hàng ngoại là mặc định sẽ tốt! Đặc biệt, hầu hết chỉ cho trẻ em sử dụng theo trào lưu, sự hiểu biết cá nhân và giới thiệu của những ngoài xung quanh mà không chú ý tới việc cần sự tư vấn, thăm khám của các chuyên gia dinh dưỡng, y bác sỹ… có uy tín.

Hiểm họa khó lường

Với tâm lý tiêu dùng nêu trên chính là căn nguyên gây ra rất nhiều hệ lụy, bởi thực phẩm chức năng cũng phải cần sử dụng đúng cách, không được tự ý và lạm dụng.

Câu chuyện của một địa chỉ facebook Đ.M.H chia sẻ mới đây cho thấy hậu quả khó lường của việc lạm dụng, sử dụng thực phẩm chức năng cho trẻ em. Theo lời chị H chia sẻ, chị có một cô con gái 9 tuổi, vì lo sợ dịch bệnh, nghe theo lời khuyên của những người khác đã mua một loạt vitamin để cho con tăng cường kháng thể.

Tuy nhiên, vài tháng sau, chị H thấy con gái có những biểu hiện như lờ đờ, người hay mệt mỏi, kém linh hoạt, lười ăn hơn. Sau đó, chị H đưa con gái tới bệnh viện kiểm tra, các bác sỹ kết luận đó là triệu chứng do uống quá nhiều vitamin A. Lúc này, nghe lời khuyên của bác sỹ, chị H mới thực sự hối hận.

Cẩn trọng khi dùng thực phẩm chức năng cho trẻ để phòng ngừa dịch Covid-19 (ảnh minh họa) 

Hiện nay, trong đại dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, nên thực phẩm chức năng, vitamin cho trẻ em vốn đã  được kinh doanh phổ biến ở các nhà thuốc, trên các chợ điện tử, trang mạng xã hội, nay còn được quảng cáo “ăn theo” nhiều hơn để đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Tìm kiếm trên mạng Internet cụm từ “thực phẩm chức năng cho trẻ” hoặc “thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ”, có hàng triệu kết quả khác nhau với đủ các loại vitamin, canxi, thực phẩm dinh dưỡng, bổ sung… Thậm chí có sản phẩm được quảng cáo “giúp tăng cường trí nhớ, thông minh, cao hơn, khỏe hơn...”. Trong các loại TPCN hiện đang lưu hành trên thị trường, phần lớn xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ... với mức giá cũng đa dạng khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các loại mặt hàng này rất khó kiểm soát chất lượng, tạo cơ hội cho đối tượng xấu giả mạo nhãn mác, trộn hàng giả vào bán để trục lợi, rất nguy hiểm cho trẻ.

Nói về hệ lụy của việc lạm dụng các loại vitamin có trong thực phẩm chức năng, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, vitamin A có tác dụng tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Nhưng khi trẻ uống nhiều dầu cá hay các chế phẩm đa vitamin, khoáng chất của thực phẩm chức năng sẽ dẫn tới hiện tượng thừa vitamin A, có thể khiến trẻ bị phồng thóp, co giật, tăng áp lực nội sọ. Ngay cả người lớn nếu dùng quá nhiều cũng sẽ gây loãng xương và hàng loạt những hệ lụy khác.

Đặc biệt, việc lạm dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa vitamin C trong thời gian dài có thể gây ra bệnh sỏi thận, tiêu chảy hay viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu.

Đủ loại thực phẩm chức năng được bán trôi nổi trên các trang thương mại điện tử 

Tương tự, với thói quen lạm dụng thực phẩm chức năng có thành phần chính là vitamin D, các chuyên gia xương khớp cảnh báo nhiều hệ lụy như tăng hàm lượng canxi trong máu, phát sinh hiện tượng buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi, suy thận, đọng canxi ở thận, chán ăn, tiêu chảy, tình trạng bệnh nặng có thể dẫn tới tử vong. Với trẻ em, việc lạm dụng thực phẩm có vitamin D có thể gây hiện tượng chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm.

Vì vậy, lời khuyên đưa ra là không nên lạm dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa nhiều loại vitamin, nếu muốn sử dụng thì cần có sự tư vấn từ các chuyên gia y tế nhằm tránh các hệ lụy đáng tiếc.

Còn bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng thì cho rằng, không nên sử dụng các loại vitamin có trong thực phẩm chức năng theo kinh nghiệm truyền miệng vì điều đó có thể khiến cơ thể phản ứng với thuốc, gây tác .hại cho sức khỏe. Mặt khác, với mỗi người thì mức độ cần thiết sử dụng vitamin trong các sản phẩm thực phẩm chức năng là khác nhau, vì thế, cần có sự thăm khám, đánh giá và chỉ định từ bác sĩ về việc có nên sử dụng hay không, liều lượng và thời gian dùng trong bao lâu là hợp lý... Ngoài ra, việc ăn uống điều độ, bổ sung thực phẩm tự nhiên như rau xanh, thịt, cá là đã đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ nhỏ

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, chất lượng cuộc sống nâng cao nên các loại TPCN giúp trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt, tăng cường sức đề kháng, tăng trưởng chiều cao... ồ ạt ra đời. Với người tiêu dùng, không phải ai cũng biết mua loại nào thực sự tốt và phù hợp với thể trạng của con mình. Ngoài việc quan sát bằng cảm quan về nhãn mác bên ngoài (độ sắc nét, màu sắc, xuất xứ...), phụ huynh cần tìm hiểu và mua các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại những hiệu thuốc có uy tín, cũng như nhãn hàng được tin dùng và phải được chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng của con trẻ.

Nguyễn Hương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang